Phá rừng, san hồ dựng hàng loạt biệt thự
Nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, nhưng gần đây, hàng chục hécta đất rừng thuộc khu vực hồ Ðồng Ðò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) bị san ủi, xẻ núi để xây dựng nhiều biệt thự nghỉ dưỡng.
Xe tải chở vật liệu xây dựng vẫn đang hoạt động phục vụ xây dựng biệt thự.
Cách Hà Nội 45km, hồ Đồng Đò được quy hoạch làm khu du lịch sinh thái với diện tích mặt hồ 60ha và diện tích rừng thông rộng lớn. Do vị trí đẹp nên tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất ở đây đang diễn ra hết sức phức tạp.
Cụ thể, toàn bộ khu vực này nằm trong diện quy hoạch rừng phòng hộ nhưng nhiều cá nhân ở nơi khác đến đây mua đất, lấn hồ rồi tiến hành xây dựng trái phép nhiều biệt thự, khu nghỉ dưỡng.
Được biết, tình trạng xây dựng nhà hàng, biệt thự trên đất lâm nghiệp tại Sóc Sơn đã diễn ra nhiều năm vẫn chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc dư luận.
Tại kết luận số 754/TTCP ngày 17/4/2006 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn.
Chủ yếu những sai phạm này bắt nguồn từ việc buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc quản lý và bảo vệ rừng.
Đáng chú ý, việc xây dựng tại khu vực này vẫn tiếp tục được đẩy nhanh. Ghi nhận của PV cho thấy, đang có khoảng 4 biệt thự, khu nghỉ dưỡng trong quá trình xây dựng. Xe tải, xe ủi vẫn đang hoạt động trong đó có những biệt thự đã hoàn thiện phần thô.
Đa số các biệt thự đều san lấp, lấn chiếm lòng hồ để có được phía hướng hồ. Một số biệt thự san ủi rừng phòng hộ phía bên sườn núi để xây dựng.
Trong đó, khu quần thể nghỉ dưỡng có tên Hoàng Lê Gia Garden quy mô lớn nhất, có biển chỉ dẫn từ ngay đầu hồ Đồng Đò. Được biết, để xây dựng quần thể này, chủ đầu tư đã mua lại đất của hàng chục hộ dân, tự ý đo đạc mốc giới, đổ đất lấn lòng hồ…
Tiếp tục chờ thanh tra
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết, các hộ dân đã lên khu vực Đồng Đò khai hoang, làm kinh tế mới từ năm 1985, trước khi có quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn của UBND thành phố Hà Nội (năm 1998) nên việc người dân sinh sống ở đây là phù hợp.
Xã Minh Trí từ trước cũng chưa có bản đồ đo đạc, còn để xác định các công trình là đất gì thì phải họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư.
Về việc mua bán chuyển nhượng, tự ý san gạt đất đồi, đổ đất lấp hồ, lãnh đạo xã cho biết, huyện đang có đoàn thanh tra về việc này, “chính tôi cũng nằm trong đối tượng thanh kiểm tra, do đó khi có kết quả mới có thể trả lời”, ông Nhuận cho hay.
Trong khi đó, đại diện UBND huyện Sóc Sơn thừa nhận việc một số biệt thự tại hồ Đồng Đò đã san lấp hồ làm mất các vị trí mốc giới của hồ. Tuy nhiên, về các hồ sơ liên quan đến vụ việc thì phải… chờ phòng tham mưu trình lãnh đạo huyện ký rồi mới có thể cung cấp cho báo chí.
Trước đó, UBND huyện Sóc Sơn đã có Công văn số 961/UBND-TNMT ngày 28/5/2018 về việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất của các hộ dân tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí. Cụ thể, giao Đội Thanh tra xây dựng huyện chỉ đạo Tổ thanh tra xây dựng đặt tại địa bàn xã Minh Trí lập Biên bản kiểm tra hoạt động xây dựng tại thôn Minh Tân, yêu cầu các chủ đầu tư dừng hoạt động xây dựng.
Giao UBND xã Minh Trí có biện pháp kiên quyết, không để phát sinh khối lượng và công trình mới trên đất trong quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường tại thôn Minh Tân. Tiếp tục thống kê, rà soát toàn bộ các trường hợp mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại thôn Minh Tân.
Từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội có Công văn đề nghị sở, ngành liên quan thực hiện các nội dung kết luận thanh tra liên quan đến quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Trong đó có yêu cầu kiểm tra lại các mốc rừng đã cắm, khôi phục lại các mốc giới đã mất; sớm hoàn thành việc cắm mốc ranh giới đất rừng theo quy hoạch để phục vụ công tác quản lý. Tuy nhiên, việc chậm trễ hoàn thành đo đạc bản đồ đất rừng theo quy hoạch đã gây khó khăn cho việc quản lý, phát sinh nhiều trường hợp vi phạm xây dựng. |
Trần Hoàng (Tiền Phong)
Theo cafeland.vn