‘Ông lớn’ bất ngờ gặp biến căng, siêu dự án tỷ USD bế tắc
Thông tin mới nhất vụ lùm xùm ở Vinaconex, Toà án nhân dân quận Đống Đa đã bác đơn khiếu nại của Vinaconex.
Tòa bác khiếu nại, Vinaconex tiếp tục theo kiện
Ngày 2/4/2019, TAND quận Đống Đa đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Công ty cổ phần XNK xây dựng Việt Nam (Vinaconex -VCG) đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dừng thực hiện nghị quyết phiên họp bất thường Đại hội đồng cổ đông của công ty. Trong đó quyết định không chấp nhận văn bản khiếu nại ngày 28/3 của Vinaconex.
Như vậy, với việc TAND quận Đống Đa bác đơn khiếu nại, giữ nguyên quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì lập tức HĐQT và Ban kiểm soát mới được bầu ngày 11/1/2019 sẽ phải dừng thực hiện quyền lực của mình tại Vinaconex.
Dự án Splendora đã hoàn thành giai đoạn 1 từ năm 2013. Sau đó bị đình trệ trong nhiều năm, hàng trăm héc-ta vẫn bị bỏ hoang và hiện vẫn đang có sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông trong phát triển dự án.
Trước đó, ngày 28/3/2019, Vinaconex đã có đơn khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKCTT ngày ngày 27/3/2019 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa.
Vinaconex cho rằng, quyết định này của tòa có hiệu lực ngay và lập tức đình chỉ toàn bộ hoạt động của HĐQT, BKS của Vinaconex, làm đình trệ hoạt động của Công ty, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.
Chiều 3/4, trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Vinaconex cho biết đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thủ tục tố tụng trên toà.
Dự án tỷ USD nguồn cơn “lục đục”?
Việc hai cổ đông lớn là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (Star Invest) gửi đơn yêu cầu Toà án nhân dân quận Đống Đa áp dụng biện pháp khẩn cấp với Vinaconex và phản pháo của Vinaconex ngay sau đó cho thấy những xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông mà cụ thể là nhóm cổ đông Cường Vũ và Star Invest với nhóm Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng).
Đây cũng là vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm tại cuộc trao đổi thông tin được Vinaconex tổ chức chiều 1/4 vừa qua. Tại cuộc trao đổi này, câu hỏi về nguyên nhân khiến các nhóm cổ đông xảy ra bất đồng mặc dù trước đó 99,9% đã thông qua biểu quyết việc bầu ban lãnh đạo được đặt ra trực tiếp với lãnh đạo Vinaconex.
Trả lời vấn đề này, đại diện Vinaconex cho biết, nhóm cổ đông gửi đơn kiến nghị đến toà có liên quan đến Công ty Địa ốc Phú Long (Phú Long). Đây là đơn vị đang sở hữu 50% vốn tại Liên doanh An Khánh JVC, cũng là chủ đầu tư dự án Splendora (Bắc An Khánh, Hà Nội). Còn Vinaconex hiện cũng nắm giữ 50% vốn ở dự án này.
Splendora là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cao cấp kết hợp các trung tâm, văn phòng thương mại ở phía Tây của Hà Nội, dọc theo trục đại lộ Thăng Long. Với tổng diện tích dự án là 245ha, dự án chia làm 5 giai đoạn và được triển khai từ năm 2008. Dự án tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.
Thực tế, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2013, do không thống nhất được nhiều nội dung giữa 2 đối tác, đồng thời thị trường gặp bất lợi nên dự án đã bị đình trệ nhiều năm. Đến cuối năm 2017 vừa qua, dự án mới khởi công lại một tiểu khu.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, tại Liên doanh An Khánh JVC, trước đây ông Thân Thế Hà, đại diện cho Phú Long là Chủ tịch HĐQT. Ông Nguyễn Quang Trung (Phó tổng giám đốc Phú Long), một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán giữ chức Tổng giám đốc.
Vinaconex muốn giữ nguyên quy hoạch cũ làm hồ trung tâm giữa khu đô thị trong khi đó nhóm cổ đông còn lại đề xuất xây hồ theo dạng bao quanh các căn biệt thự để tối đa hóa diện tích mặt hồ (Phối cảnh hồ trung tâm đã được phê duyệt (Ảnh: Splendora).
“Chúng tôi không thể để 1 dự án lớn kéo dài bao nhiêu năm như vậy. Đây là việc lớn, là quyền lợi của cổ đông cũng là trách nhiệm của Vinaconex đối với Hà Nội. Vì vậy HĐQT và Vinaconex quyết định tôi trực tiếp làm chủ tịch Liên doanh An Khánh JVC nhằm phát triển dự án nhưng cho đến bây giờ cũng lực bất tòng tâm” – ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, khi mời họp HĐQT thì nhóm cổ đông kia nói bận, họ không đến gây ra sự trì trệ và bế tắc.
Ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Vinaconex cho hay, dự án Splendora không có tranh chấp gì lớn, vấn đề bây giờ đang là khác nhau về ý tưởng triển khai dự án. Trong đó, vấn đề nổi cộm là cách thức xử lý hồ điều hòa trung tâm (khoảng 18ha) đang có sự khác biệt giữa các nhóm cổ đông.
Trong đó, quan điểm của Vinaconex là giữ nguyên quy hoạch cũ làm hồ trung tâm giữa khu đô thị đồng thời bổ sung thêm cây xanh và dịch vụ đi kèm. Trong khi đó, nhóm cổ đông còn lại đề xuất xây hồ theo dạng bao quanh các căn biệt thự để tối đa hóa diện tích mặt hồ.
“Dự án này do phê duyệt của Thủ tướng cho quy hoạch của Hà Nội đến năm 2050 đã có hồ 18ha ở trung tâm nên việc thay đổi quy hoạch là không dễ. Ngoài ra, phần hồ này còn là để điều tiết lượng mưa cho hầm chui cả khu vực xung quanh An Khánh nên việc thay đổi không đơn giản”, ông Mậu cho biết.
Chỉ 2 tháng sau khi diễn ra đại hội, hai cổ đông lớn của VCG đã gửi đơn tới toà yêu cầu dừng khẩn cấp việc thực hiện nghị quyết dù trước đó 99,9% đã thông qua biểu quyết việc bầu ban lãnh đạo.
Theo tiết lộ đây là miếng đất lớn nhất của Hà Nội mà đã có chủ sở hữu chỉ cần xây nhà lên và bán nhưng hiện đang rơi vào cảnh “bế tắc” trước những bất đồng của các nhóm cổ đông. Hiện dự án mới bàn giao giai đoạn 1 và vẫn bỏ hoang hàng trăm héc-ta.
HĐQT bị tê liệt, Vinaconex rơi vào thế khó Trao đổi về quyết định của Toà án nhân dân quận Đống Đa đối với Vinaconex hiện nay luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng luật AIC (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết theo quyết định của toà tức là phải tạm dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, khi đó HĐQT mới bầu được hiểu là vô hiệu. Như vậy, Tòa án đang đặt Vinaconex vào thế khó. Trường hợp Tòa án vẫn giữ quyết định này thì các văn bản đã ban hành, hoạt động đã ký kết sẽ phải xử lý như thế nào. Thậm chí, các văn bản mà HĐQT giao cho các Ban, đơn vị thành viên, Ban giám đốc điều hành... sẽ không có giá trị. “Đây là điều nguy hiểm cho Vinaconex hiện nay, rất nguy hiểm” – luật sư nhấn mạnh. Vinaconex sẽ gặp khó khi bị dừng nhiều hoạt động, nhất là với các dự án cần có ý kiến của HĐQT và nghị quyết để gửi lên cơ quan chức năng... Chỉ có Ban điều hành, từ Tổng giám đốc trở xuống hoạt động thực hiện theo điều lệ của Tổng công ty và quyết định của ĐHĐCĐ trước đây thì mới có hiệu lực. Còn nếu theo đúng quyết định của Tòa án hiện nay thì Vinaconex lại phải quay lại làm việc dưới sự điều hành của HĐQT cũ. Nếu sau này, Tòa án bác bỏ quyết định khẩn cấp tạm thời thì HĐQT cũ lại vô hiệu... Thế nên, cho dù tình huống nào xảy ra thì Vinaconex cũng rơi vào thế bất lợi – luật sư phân tích. |
Hồng Khanh (Vietnamnet)
Theo cafeland.vn