Ohana – mô hình môi giới nhà trọ liệu có khả thi?
– Khẳng định mô hình ứng dụng kết nối chủ nhà trọ với người đi thuê trọ Ohana sẽ thất bại bởi tính “khôn lõi” của người Việt, khách hàng và chủ nhà dễ bắt tay nhau “bẻ cò” nhưng cô nàng 9X đã gọi vốn thành công khi mang về thêm 3,5 tỷ đồng cho công ty chỉ trong 15 phút trên sóng truyền hình.
Xuất hiện trong tập 13 chương trình Shark Tank Việt Nam – Thương vụ bạc tỷ, nữ CEO 9X Cathy Thảo Trần (Trần Phan Thanh Thảo, 26 tuổi) gây ấn tượng với các shark với vẻ ngoài trẻ trung, năng động và xinh đẹp. Cathy Thảo Trần là CEO và đồng sáng lập của công ty chuyên cung cấp ứng dụng kết nối chủ nhà trọ với người đi thuê mang tên Ohana.
Trình bày trước các shark, nữ CEO chia sẻ, từ thực tế khó khăn khi đi tìm thuê nhà, phòng trọ và mong muốn cung cấp một dịch vụ ưng ý, không tốn quá nhiều thời gian cho các bạn sinh viên, nhóm của cô đã sáng lập ứng dụng Ohana.
Đây là ứng dụng chạy trên nền tảng di động và web, kết nối người đi thuê nhà và chủ nhà cho thuê. Đối tượng chính mà ứng dụng nhắm đến sinh viên, những người mới ra trường có khả năng chi trả từ 1,5 – 4 triệu đồng/tháng thuê nhà. Ohana sẽ giúp giảm thiểu số lượt đi xem nhà của sinh viên từ 7 lần xuống còn 5, thậm chí 3 lần. Khi công ty phát triển, Ohana dự kiến tích hợp thêm trí tuệ nhân tạo nhằm thấu hiểu nhu cầu khách hàng để đưa ra những kết quả tìm kiếm chính xác nhất.
“Ohana thu phí từ chủ nhà trọ, lấy hoa hồng 30% tiền của tháng cọc đầu tiên. Hiện Ohana đã có 40.000 người dùng với tốc độ tăng trưởng 40% mỗi tháng, số lượt người dùng quay lại lần thứ 2 đạt khoảng 30%/quý”, nữ CEO cho biết.
Khi được hỏi về doanh thu, Cathy Thảo Trần cho biết, ứng dụng đang trong quá trình thử nghiệm miễn phí nên công ty chưa có doanh thu. Bản MVP (sản phẩm khả dụng tối thiểu) đầu tiên được khởi chạy vào tháng 2/2017. Mỗi tháng có khoảng 400 căn nhà mới được cập nhật trên hệ thống, đến nay Ohana đã có 5.000 giao dịch thành công.
Ohana đang gọi vốn 11 tỷ đồng, trong đó, đã gọi thành công 7,9 tỷ đồng đổi lấy 15% cổ phần. Cô đến chương trình để kêu gọi 3,5 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần công ty, tương đương định giá công ty 35 tỷ đồng.
Sau khi nghe nữ CEO trình bày, shark Dzung Nguyễn cho biết, những mô hình start-up công nghệ như Ohana cần rất nhiều vòng gọi vốn mới có thể thành công, 11 tỷ đồng chỉ đủ xây dựng nền tảng. Cô gọi số vốn 11/35 tỷ đồng tương đương số lượng cổ phần chia sẻ 32%, con số này khá lớn khi mới thành lập và sẽ mất thêm nhiều % ở những lần gọi vốn sau khiến đội ngũ sáng lập dễ mất động lực làm việc.
Hơn nữa, giá trị công ty trước khi gọi vốn là 1,5 triệu USD. Nếu gọi 11 tỷ đồng (500.000 USD) thì giá trị công ty sau gọi vốn phải là 2 triệu USD. Tuy nhiên, công ty đang được định giá 35 tỷ (1,65 triệu USD), do vậy mức đề nghị 3,5 tỷ đồng 10% đang khá "hời" cho các nhà đầu tư.
Đáp lại, cô muốn dự án này thành công bằng mọi cách, vì thế, để tăng trưởng nhanh, nhà sáng lập sẵn sàng hi sinh quyền kiểm soát công ty.
Shark Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group – một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản đánh giá đây là mô hình tốt nhưng nhà sáng lập quá “ngây thơ” đối với thị trường Việt Nam khi kinh doanh dựa trên niềm tin và thu phí trên tiền hoa hồng. Nếu như chủ nhà và khách thuê có sự bắt tay nhau “cưa đôi” phí 30% để tiết kiệm khoản hoa hồng phải trả.
Hơn nữa, nếu thu tiền dựa trên hoa hồng mà không đảm bảo về mặt tài chính, đặt cọc với chủ nhà, không có thời hạn nhất định thì rất có thể khách này đi xem nhưng người khác lại thuê, tức là sẽ có vấn đề đi thuê hộ, khách hàng và chủ nhà bắt tay với nhau, luồn lách và qua mặt hệ thống của Ohana. Ông từ chối đầu tư cho dự án này.
Shark Thái Vân Linh đánh giá hướng đi của nữ CEO đúng nhưng công ty còn quá non trẻ, con số 5.000 người dùng và 40 nghìn users phi thực tế vì ứng dụng miễn phí, bà quyết định không đầu tư.
Khẳng định mô hình kinh doanh này chắc chắn thất bại, nhưng thích thú với tiềm năng của nhà sáng lập, shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch Sunhouse quyết định rót 3,5 tỷ đồng cho 30% cổ phần với điều kiện đội ngũ Ohana phải làm thuê cho ông một năm nếu thất bại.
Nhận định đây là mô hình rất có nhu cầu và đang giải quyết vấn đề rất lớn cho sinh viên, shark Dzung Nguyễn quyết định hợp tác với ông chủ bất động sản TTC Land – Đặng Hồng Anh, đề nghị đầu tư 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần, 2,5 tỷ đồng sẽ cho vay chuyển đổi với điều kiện đạt được một số KPI.
Shark Hồng Anh cho biết, TTC Land có nhiều dự án có dân cư ở và sắp triển khai thêm nhiều dự án nữa, đó là một lượng lớn khách hàng tốt cho ý tưởng của Ohana. Cả hai nhà đầu tư cho rằng với hệ sinh thái này, kết hợp với kinh nghiệm và quan hệ của họ có thể giúp Ohana trở thành ứng dụng tìm và cho thuê nhà trọ số 1 ở Việt Nam và tiến ra thế giới.
Cuối cùng, nữ CEO 9X quyết định bắt tay với một nhà đầu tư công nghệ cùng một "ông lớn" trong giới bất động sản và tự tin Ohana sẽ thành công trong thời gian tới.
Sau khi chương trình phát sóng, màn kêu gọi đầu tư của start-up này nhận được nhiều chú ý. Nhiều ý kiến khen ngợi đến nữ CEO vì dù còn trẻ nhưng cô nàng đã vô cùng tài năng, dám nghĩ dám làm, tâm huyết với dự án.
Tuy nhiên, sự non nớt của Ohana thể hiện khá rõ khi chấp nhận nhận khoản vốn đầu tư 1 tỷ đồng, với tỷ lệ 10%. Tức là chấp nhận giá trị của công ty hiện chưa đến 10 tỷ đồng. Trong khi đó, trước đó Ohana đã gọi được 7,9 tỷ, tương đương với tỷ lệ sở hữu 15%, tức là giá trị công ty đang được định giá hơn 50 tỷ đồng.
Dù vậy, về mô hình kinh doanh này theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm đánh giá có khá nhiều lỗ hổng. Mô hình kinh doanh của công ty khá đơn giản và không có nhiều khác biệt so với các ứng dụng về môi giới về bất động sản có trên thị trường hiện nay.
Do đó, nếu muốn phát triển thì Ohana phải tạo ra lợi thế cạnh tranh. Các lợi thế cạnh tranh mà công ty cần có là phải có công nghệ tiện lợi và các chính sách nhằm thu hút được người dùng, marketing mạnh mẽ để xây dựng thương hiệu. Để tạo ra được lợi thế cạnh tranh đó có lẽ Ohana còn phải đầu tư rất lớn trong tương lai.
Châu An
Theo cafeland.vn