Bất chấp người dân phản đối, UBND tỉnh Quảng Ngãi vẫn liên tục cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát, băm nát các lòng sông
Liên tục trong thời gian qua, người dân khắp nơi trong tỉnh Quảng Ngãi, bất bình trước việc các doanh nghiệp (DN) khai thác cát ồ ạt. Thậm chí, nhiều nơi xảy ra cảnh người dân chặn xe, xô xát với người của các doanh nghiệp (DN) khai thác cát.
Một khúc sông, chục mỏ cát
Ngày 29-5, ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, có công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) nghiên cứu, đề xuất việc lập hồ sơ thăm dò, cấp phép khai thác cát tại khu vực sông Trà Khúc, TP Quảng Ngãi. Trước đó, trong tháng 4 và 5-2018, UBND tỉnh này có hàng loạt công văn cho phép DN lập hồ sơ thăm dò, khai thác cát. Đặc biệt, tại sông Trà Khúc (đoạn chảy qua TP Quảng Ngãi), chỉ trong tháng 4-2018 có 3 DN được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác. Hiện tại, trên khúc sông này tồn tại đến chục mỏ cát, mỗi mỏ có 2-3 máy xúc hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm, đang biến lòng sông Trà Khúc thành đại công trường.
Sông Trà Khúc đang bị "băm nát" bởi việc khai thác cát quá mức
Ông Nguyễn Quang Ánh (ngụ trên đường Hai Bà Trưng, TP Quảng Ngãi) phản ánh tình trạng cấp phép khai thác cát tràn lan, quá mức không chỉ tàn phá môi trường, cảnh quan mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. "Gia đình tôi sống ở trung tâm TP nhưng từ sáng sớm đến khuya, ngày nào cũng chứng kiến cả ngàn lượt xe chở cát qua lại. Mỗi lần xe đi qua, cát, đất, nước rơi vãi đầy đường, bụi bặm chịu không nổi. Dân ở đây ai cũng bức xúc, ngán ngẩm nhưng chẳng biết phải làm sao. Chúng tôi mong nhà nước có biện pháp chấm dứt hoạt động các mỏ cát này" - ông Ánh bày tỏ.
"Núp bóng" công trình, dự án
Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trên sông Trà Khúc (từ xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà về tới xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) có 12 DN được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, trong đó 9 mỏ được DN xin cấp phép khai thác phục vụ dự án, công trình.
Theo điều tra của chúng tôi, trong số 9 mỏ cát được cấp phép nhằm phục vụ các công trình, dự án tại Quảng Ngãi, một lượng rất lớn cát sau khi được khai thác từ các mỏ cát này, DN chở bán ra bên ngoài. Việc làm này có dấu hiệu lợi dụng chủ trương, chính sách của nhà nước để trục lợi tài nguyên cát sỏi mà theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là các cấp chính quyền địa phương phải tập trung chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi trên sông. Trong khi đó, trả lời về việc này trong một cuộc họp báo, ông Đỗ Minh Hải nói rằng DN chở cát đi cung cấp hoặc bán ở đâu thì Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi "lực bất tòng tâm".
Ông Hải phân trần thêm: "Trong nhiều cuộc họp HĐND, trả lời chất vấn, tôi cũng nói nhiều về việc này. Phòng Khoáng sản của sở chỉ có 3 người nhưng quản lý 100 mỏ khoáng sản trên địa bàn nên giải quyết thủ tục hành chính đã mệt đừ, làm sao biết khoáng sản chạy đi đâu! Muốn nguồn cát không bị "chảy máu" thì cần có hệ thống chính trị vào cuộc. Hơn nữa, chính sách pháp luật hiện còn nhiều bất cập, chưa có quy định cụ thể về xử phạt đối với các trường hợp cung cấp cát sai địa chỉ".
Trước tình trạng "chảy máu" khoáng sản, cuối tháng 3 và giữa tháng 5-2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi có nhiều công văn gửi các sở, ngành liên quan yêu cầu tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Điều ngạc nhiên là cùng với yêu cầu chấn chỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi lại liên tục gia hạn, cấp phép cho nhiều dự án khai thác cát khác.
Tranh chấp khai thác cát với người dân Ngày 1-6, ông Huỳnh Văn Ảnh - Chủ tịch UBND xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi - cho biết vẫn đang chờ cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc khoảng 40 hộ dân thôn 3 và 4, xã Đức Nhuận ngăn chặn DN khai thác cát. Trước đó, ngày 17-5, hàng chục người dân ở các thôn trên kéo ra khu vực bãi cát dọc sông Vệ để phản đối việc khai thác cát của Công ty CP SX-TM-DV Đại Nguyên. Trong lúc người dân tổ chức ngăn chặn thì bị một số người lạ mặt nghi là côn đồ đến hành hung. Theo người dân địa phương, từ trước tới nay, thu nhập của đa phần người dân nơi này là nhờ xúc cát thủ công. Mỗi năm, người dân đều được cấp phép và đóng kinh phí. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp phép khai thác cát cho Công ty Đại Nguyên, gây ra cảnh tranh chấp, xô xát với người dân. |
Tử Trực (NLĐ)
Theo cafeland.vn