Nóng trong tuần: Nóng cơn ""sốt đất ảo" tại Đà Nẵng
- Giá đất nhảy cóc, thị trường đảo điên; Khang Gia Tân Hương: Từ sai phạm chồng chất đến bị ngân hàng siết nợ; Dân Hà Nội “kêu trời” vì chất lượng chung cư; Hơn 100 chung cư đang có tranh chấp ở TP.HCM... là những thông tin nhà đất nóng trong tuần qua.
Hình minh họa
Lãi suất cho người vay mua nhà xã hội năm 2019 tăng thêm 0,2%
Mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2019 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua Nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý Nhà ở xã hội là 5%/năm.
Tỷ lệ lãi suất này tăng 0,2% so với 2018 và bằng mức năm 2017. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (4/3/2019) và thay thế Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 22/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Khang Gia Tân Hương: Từ sai phạm chồng chất đến bị ngân hàng siết nợ
Trong khi những sai phạm liên tiếp về xây dựng tại chung cư Khang Gia Tân Hương chưa được giải quyết, thì mới đây một ngân hàng đã ra thông báo sẽ thu giữ chung cư này để thu hồi nợ.
Theo thông báo của ngân hàng Nam Á, Công ty Khang Gia đã dùng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là chung cư Khang Gia và hai lô đất gần đó để thế chấp tại ngân hàng này từ năm 2011 nhưng đến nay chưa hoàn trả nợ. Do đó, ngân hàng sẽ tiến hành thu giữ và xử lý các tài sản trên nhằm thanh toán các khoản nợ của Công ty Khang Gia.
Đà Nẵng: Giá đất nhảy cóc, thị trường đảo điên
Chỉ chưa đầy 2 tuần sau khi chính quyền thành phố Đà Nẵng công bố biểu giá đất mới áp dụng trên địa bàn, thị trường bất động sản địa phương đã có những phản ứng rối loạn đến mức không thể kiểm soát nổi.
Anh Đình Tùng, một đầu mối giới thiệu đất khu vực Trần Cao Vân (Thanh Khê, Đà Nẵng) phàn nàn cùng CafeLand, chỉ nội trong 1 tuần qua, đất Đà Nẵng đã “nhảy giá” liên tục 2 lần. Mức chênh lệch hiện tại ở các lô đất nền, nhà ở diện tích nhỏ trong ngõ hẻm khu vực Thanh Khê đã dao động từ 100 – 250 triệu/lô 100m2.
Dân Hà Nội “kêu trời” vì chất lượng chung cư
Bỏ ra hàng tỉ đồng để mua một căn chung cư nhưng khi nhận nhà, nhiều người dân không khỏi hoang mang, thất vọng bởi chất lượng và thiết kế căn hộ không như chủ đầu tư quảng bá. Tình trạng này ngày càng trở nên phổ biến khi chỉ trong vòng một tháng gần đây, cư dân sống tại nhiều toà nhà trên địa bàn Hà Nội liên tục lên tiếng vì những sự cố nghiêm trọng xảy ra tại những căn hộ tiền tỉ họ đang sống.
Điển hình nhất phải kể đến sự cố bục ống cứu hoả tại dự án chung cư cao cấp An Bình City (phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm - Hà Nội) khiến hơn chục hộ gia đình ngập trong biển nước gần đây. Sự việc xảy ra vào giữa tháng 2 tại tòa nhà A4 của dự án. Nước chảy lênh láng, ngập hành lang đến gần 10cm và tràn vào nhiều căn hộ ở tầng 21 tòa nhà, khiến cho sàn gỗ và nhiều đồ dùng trong nhà các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng, 4/5 thang máy của toà nhà bị tê liệt.
5 nhà đầu tư tham vọng với siêu dự án Bình Quới – Thanh Đa
Đó là thông tin được ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết trong buổi họp báo về tình hình kinh tế- xã hội thành phố diễn ra sáng 5/3.
Cụ thể, đối với dự án Bình Quới - Thanh Đa đã có 5 nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nộp hồ sơ xin đấu thầu và sẵn sàng cam kết ký quỹ hơn 3 tỉ USD. Là bán đảo có vị trí đắc địa ngay trung tâm thành phố, từ năm 1992, khu vực Bình Quới – Thanh Đa đã được phê duyệt để làm dự án khu đô thị du lịch, sinh thái tầm cỡ. Tuy nhiên, đã 26 năm qua, dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.
Hơn 100 chung cư đang có tranh chấp ở TP.HCM
Đó là con số được đưa ra trong văn bản về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư và những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây.
Nguyên nhân đầu tiên đến từ tranh chấp quỹ bảo trì nhà chung cư. Một số chủ đầu tư, cư dân không đóng góp kinh phí bảo trì theo quy định của Luật Nhà ở 2005 và một số chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị.
Hoàng An (TH)
Theo cafeland.vn