Nóng trong tuần: Ngân hàng siết tín dụng vào bất động sản cao cấp
- NHNN chặn dòng tiền đổ vào bất động sản cao cấp; Cục Thuế TP.HCM công bố tên hàng nghìn doanh nghiệp nợ thuế; Giá đất Hà Nội sốt cục bộ, tăng 30-50% so với quý trước; Sắp cưỡng chế 24 công trình vi phạm xây dựng ở Sóc Sơn... là những thông tin nóng trong tuần qua.
Hình minh họa
NHNN chặn dòng tiền đổ vào bất động sản cao cấp
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Một trong những nội dung sửa đổi là quy định về hệ số rủi ro với các khoản vay bất động sản.
Dự thảo mới quy định hệ số rủi ro các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỉ đồng sẽ là 150%. Theo các chuyên gia, quy định này nhằm chặn dòng vốn từ ngân hàng đang đổ vào phân khúc bất động sản cao cấp.
Giá đất Hà Nội sốt cục bộ, tăng 30-50% so với quý trước
Cụ thể trong quý 1/2019 ghi nhận hiện tượng sốt đất cục bộ tại một số khu vực với giá chào bán tăng từ 30-50% so với quý trước. Theo lãnh đạo Hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện tượng này chỉ diễn ra ở các khu vực đất thổ cư trong các khu vực dân cư sinh sống lâu đời và gần như không có giao dịch, chủ yếu là việc chào bán một chiều.
Tại Hà Nội, giá đất nền dự án tăng mạnh nhưng chỉ tập chung ở một số vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Hoài Đức…
Sắp cưỡng chế 24 công trình vi phạm xây dựng ở Sóc Sơn
UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn vừa ra quyết áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 24 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Vi phạm hành chính gây ra cần được khắc phục với 24 công trình là chủ các công trình này đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ sản xuất đất nông nghiệp sang xây dựng nhà ở, tường bao, lập bãi chứa vật liệu trái phép.
Cục Thuế TP.HCM công bố tên hàng nghìn doanh nghiệp nợ thuế
Ngày 17/4, Cục thuế TP.HCM vừa công bố danh sách 1.691 doanh nghiệp nợ thuế tháng 2/2019 với tổng số thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp hơn 4.481 tỉ đồng.
Đây là đợt công bố tên doanh nghiệp nợ thuế thứ hai của Cục Thuế TP.HCM trong năm nay, sau đợt công bố 76 doanh nghiệp bất động sản nợ thuế vào tháng 3. Dẫn đầu danh sách nợ thuế lần này là Công ty TNHH bất động sản Thành Ngân nợ 190 tỉ đồng. Một cá nhân tên Võ Thị Ngọc Phượng nợ 129 tỉ. Chi nhánh tại TP.HCM của Công ty TNHH đá xây dựng Bình Dương nợ 120 tỉ. Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 8 nợ thuế hơn 114 tỉ đồng.
Tôi đi mua đất Cần Giờ
Những năm gần đây, Cần Giờ được nhắc đến nhiều hơn bởi những cơn sốt đất kéo dài. Đặc biệt, thông tin về xây dựng cầu thay phà Bình Khánh nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ, hay một vài dự án bất động sản lớn được quy hoạch đã thổi giá đất Cần Giờ tăng rất nhanh. Giới đầu tư bất động sản nườm nượp đổ về huyện đảo khiến thị trường nhà đất càng nhộn nhịp.
Cần Giờ đang có gì? Tại sao một huyện đảo xa xôi lại trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản? Liệu cơn sốt đất này có thực sự hay chỉ là làn sóng ảo?
Thị trường đất nền: Sài Gòn khan hiếm, Bình Dương nhộn nhịp
Trong khi quỹ đất của Sài Gòn ngày càng hạn hẹp và giá bán cũng được đẩy lên quá cao thì các nhà đầu tư có xu hướng đổ về các thị trường lân cận. Trong đó, Bình Dương với thế mạnh hạ tầng và kinh tế phát triển đang được người mua ưu tiên.
Ghi nhận thực tế cho thấy giá đất nền ở nhiều khu vực tại tỉnh Bình Dương đang tăng lên khá nhanh. Trong đó, thị xã Dĩ An và thị xã Thuận An có vị trí tiếp giáp với TP.HCM đang là hai điểm nóng được giới đầu tư săn lùng nhiều nhất.
Những "ông lớn" bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam
Việt Nam có lợi thế rất lớn về tiềm năng phát triển du lịch, nghỉ dưỡng với nhiều danh lam thắng cảnh, kinh tế ổn định cùng với những chính sách phát triển của Chính phủ, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư.
Năm 2018, Tổ chức Du lịch thế giới xếp Việt Nam thứ 3/10 quốc gia tăng trưởng khách du lịch cao nhất, tăng 3 bậc so với năm 2017. Lượng khách quốc tế đạt 15,5 triệu lượt người, tăng 19,9% so với năm trước (tăng hơn 2,6 triệu lượt khách), trên 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỉ đồng.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ sẽ tiếp tục leo thang
Năm 2019 các thương hiệu F&B nổi tiếng cùng với các thương hiệu thời trang bình dân sẽ tiến vào thị trường TP.HCM. Do đó mức độ khan hiếm nguồn cung tại khu vực trung tâm sẽ tiếp diễn, chủ đầu tư sẽ là người quyết định khách thuê.
Theo thống kê của CBRE, quý 1 ghi nhận tỷ lệ lấp đầy tại khu trung tâm cao nhất trong vòng năm năm trở lại đây ở TP.HCM, xấp xỉ 98%. Tỷ lệ trống tại khu vực ngoài trung tâm cũng ở mức thấp là 7,3%, giảm 2,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoàng An (TH)
Theo cafeland.vn