Nóng trong tuần: Cư dân lại khổ vì sổ hồng và tranh chấp chung cư
- Đã có kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy chung cư Carina; Cảnh báo việc lừa đảo, rao bán đất nền không hợp pháp; Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro; Cư dân chung cư Phú Thạnh, 8 năm chưa thấy sổ hồng... là những thông tin nhà đất nóng trong tuần qua.
Hình minh họa
Sau nhiều năm “đắp chiếu”, cao ốc 30 tầng ở vị trí đắc địa Sài Gòn đã về tay chủ mới
Dự án cao ốc văn phòng hạng sang V-Ikon do Công ty TNHH Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư vừa được đấu giá thành công với mức giá 301 tỷ đồng, cao hơn 1,6 tỷ đồng so với mức khởi điểm.
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết đã tổ chức bán đấu giá thành công khoản nợ xấu của Công ty TNHH Việt Thuận Thành. Đây là khoản nợ đầu tiên mà doanh nghiệp này mua theo giá thị trường và thực hiện thỏa thuận phân chia số tiền chênh lệch với tổ chức tín dụng bán nợ là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sau khi thu hồi.
Cư dân chung cư Phú Thạnh, 8 năm chưa thấy sổ hồng
Hơn 800 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu sống tại 5 block chung cư Phú Thạnh (53 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) đang rất bức xúc vì đã dọn vào sinh sống gần 8 năm nay nhưng vẫn chưa thấy chủ đầu tư là Công ty cổ phần xây dựng 585 bàn giao giấy chủ quyền nhà (sổ hồng).
Một cư dân tên Bình cho biết, cô mua lại 1 căn hộ từ người bạn tại chung cư Phú Thạnh, theo như cam kết trong hợp đồng, cô đã đã thanh toán 95% giá trị căn hộ cùng với 2% phí bảo trì cho nhà đầu tư. Tháng 5/2011 cô dọn vào sinh sống cho tới nay.
Siết lập vi bằng, mua bán nhà bớt rủi ro
Trước tình trạng có không ít người dân gặp rủi ro khi mua bán nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng, Sở Tư pháp TP.HCM đã chỉ đạo cấm văn phòng thừa phát lại lập vi bằng mua bán đất. Vậy, việc này sẽ tác động như thế nào đến thị trường?
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, việc các cơ quan nhà nước và Sở Tư pháp TP.HCM có những văn bản thông báo đến các tổ chức thừa phát lại nhằm nhắc nhở và để các tổ chức này hoạt động đúng pháp luật và nâng cao hơn trong chuyên môn.
Dính 19 lỗi sai phạm, chủ đầu tư Tân Bình Apartment bị phạt 1,64 tỷ đồng
Liên tiếp dính nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng dự án Tân Bình Apartment, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Tân Bình (chủ đầu tư) đã bị UBND TP.HCM xử phạt 1,64 tỷ đồng.
Trong đó, có 3 hành vi bị phạt 300 triệu đồng, gồm ký kết 67/117 hợp đồng mua bán với khách hàng, nhưng diện tích căn hộ không được xác định theo diện tích thông thủy của căn hộ là trái với quy định; không có hợp đồng bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng, khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng; ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi chưa được Sở Xây dựng xác nhận dự án đủ điều kiện mua bán. Riêng hành vi này, Công ty Tân Bình bị phạt bổ sung đình chỉ kinh doanh bất động sản đến 12 tháng.
Huyện Hóc Môn, TP.HCM: Cảnh báo việc lừa đảo, rao bán đất nền không hợp pháp
Thời gian gần đây, cơn sốt ảo về đất nền đã và đang diễn ra tại các huyện ngoại thành trên địa bàn (TP. HCM), trong đó có địa bàn huyện Hóc Môn. UBND huyện Hóc Môn đã yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra xử lý.
Theo UBND huyện Hóc Môn, một số đối tượng đã giới thiệu, quảng cáo, rao bán đất nền, rao bán các “Dự án nhà ở không hợp pháp” trên các trang mạng xã hội (mua ban.net,batdongsan.com.vn, facebook, zalo...), qua hình thức phát tờ rơi và thông qua các dịch vụ môi giới bất động sản, “cò đất”… Đồng thời, các đối tượng này hứa hẹn nếu “đặt tiền cọc” (dao động từ 50 triệu đến 400 triệu đồng) thì trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tháng sẽ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.
“Xẻ thịt” quỹ bảo trì: Nguồn cơn của tranh chấp chung cư
Trong một báo cáo gửi Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng đã chỉ ra 8 loại tranh chấp chung cư cơ bản, trong đó có tới 36% tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì. Nhiều chung cư bị chủ đầu tư, thậm chí bị chính Ban quản trị chiếm dụng hàng chục tỉ đồng quỹ bảo trì.
Nhiều tòa nhà khác tại Hà Nội cũng đang dở khóc dở mếu vì không đòi được quỹ bảo trì. Đơn cử như tại chung cư Hồ Gươm Plaza (Mỗ Lao, Hà Đông). Hàng trăm cư dân sinh sống tại tòa nhà này đã phải nhiều lần căng băng rôn đòi chủ đầu tư là Công ty May Hồ Gươm gần 20 tỉ đồng phí bảo trì. Mặc dù cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc song cho đến nay, số tiền người dân nhận được vẫn rất nhỏ giọt.
Điểm danh loạt siêu dự án có vốn đầu tư nước ngoài
Thị trường bất động sản Việt Nam đang ghi nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào ngày càng nhiều. Dòng vốn này không chỉ bổ sung nguồn lực phát triển mà còn đem tới kinh nghiệm, đa dạng về phân khúc, đưa thị trường Việt Nam phát triển bền vững hơn và đến gần hơn với các nước trong khu vực.
Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam được chú ý bởi sức hấp dẫn từ dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa nhanh. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào phân khúc văn phòng và gần đây bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bất động sản nhà ở. Dòng vốn ngoại thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập phát triển các dự án bất động sản đang có những chuyển biến tích cực, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt đô thị.
Đã có kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy chung cư Carina
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã có văn bản thông báo đến cư dân chung cư Carina, Công ty Hùng Thanh về kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy tại chung cư Carina.
Theo đó, căn cứ vào kết quả giám định của Phân viện khoa học hình sự tại TP.HCM, Cơ quan Cảnh sát điều tra kết luận: vùng cháy đầu tiên là khu vực khoang để xe máy số 6 (tính từ lối xe lên xuống hầm). Nơi xuất phát cháy đầu tiên là trên hệ thống dân dẫn điện của một chiếc xe máy đặt tại khoang để xe máy số 6..
Hoàng An (TH)
Theo cafeland.vn