Nóng trong tuần: Chung cư nháo nhào phòng cháy chữa cháy, đất nền tăng giá đều đều
- Đất nền Nhơn Trạch đang có xu hướng tăng giá; Nhiều nhà tái định cư trên “đất vàng” bỏ hoang; Thị trường căn hộ vẫn đứng vững sau vụ cháy Carina Plaza?... là những thông tin nóng trong tuần qua.
Hình minh họa
Sau những vụ cháy, công tác phòng cháy nhiều chung cư vẫn rất sơ sài
Một số chung cư chưa trang bị bình chữa cháy hoặc trang bị bình chữa cháy đã cũ, hết hạn sử dụng nhằm để đối phó khi có đoàn kiểm tra. Bảng hướng dẫn thoát hiểm và chuông báo, đèn báo chưa được lắp đặt, hầm xe còn chứa nhiều vật dụng dễ bén lửa rất nguy hiểm.
Trên địa bàn Tp.HCM các quận đã triển khai kiểm tra công tác PCCC của các chung cư. Sơ bộ, ở một vài chung cư cũ đã đôn đốc thực hiện công tác PCCC mạnh hơn trước, các hệ thống cũng như thiết bị PCCC được lắp đặt hoặc bổ sung, hành lang thông thoáng, công tác tuyên truyền phòng chống cháy nổ đến cư dân của chung cư khá tốt. Tuy nhiên chúng tôi vẫn thấy một số chung cư chưa trang bị bình chữa cháy hoặc trang bị bình chữa cháy đã cũ, hết hạn sử dụng nhằm để đối phó khi có đoàn kiểm tra. Bảng hướng dẫn thoát hiểm và chuông báo, đèn báo chưa được lắp đặt, hầm xe còn chứa nhiều vật dụng dễ bén lửa rất nguy hiểm.
Thị trường căn hộ vẫn đứng vững sau vụ cháy Carina Plaza?
Theo đại diện của nhiều doanh nghiệp bất động sản, vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư Carina Plaza (quận 8, TP.HCM) phần nào đã tác động xấu đến tâm lý của người mua căn hộ.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, thời điểm này cách cạnh tranh tốt nhất là tập trung đầu tư và nâng cấp dự án hơn nữa, đặc biệt là hệ thống an toàn phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà để tạo niềm tin với người mua nhà. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Công sở (Sở Xây dựng TP.HCM), trên toàn địa bàn thành phố hiện nay có khoảng trên dưới 1.200 chung cư. So với năm 2009 con số này đã tăng gấp đôi, và đã tăng 5,5 lần so với năm 1975. “Nhà chung cư hiện chiếm khoảng 8.4% tổng lượng nhà ở trên toàn thành phố. Đặc biệt, trong năm năm gần đây số lượng nhà chung cư chiếm tới 24,6% tổng số nhà mới hình thành”, ông Hải cho biết.
Đất nền vùng ven: “Sóng” đi cùng với rủi ro
Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM vừa diễn ra vào ngày 5/4, DKRA Việt Nam cho rằng đất nền vùng ven sẽ là phân khúc tạo sóng trong năm 2018, tuy nhiên cơn sốt này sẽ có những tác động nguy hiểm nếu cứ tiếp tục kéo dài và mức tăng không được kiểm soát.
Tỷ lệ tiêu thụ đạ̣t khoảng 83%. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu khi chiếm đến 52% nguồn cung và 62% lượng tiêu thị của toàn thị trường. Đáng chú ý, tỷ lệ tiêu thụ đất nền phân lô của riêng khu vực này đạt tới 100%. Giá đất tăng 5%-10% so với quý trước, riêng khu vực Quận 2 giá đất tăng 15%-20% so với quý trước. Bên cạnh đó là tình trạng sôi động vốn được duy trì suốt từ 2017 của các tỉnh giáp ranh TP.HCM, nhất là huyện Bến Lức, Cần Giuộc (Long An), huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) sau Tết lại có nhiều dấu hiệu tăng nhiệt mạnh hơn.
Đất Cần Giờ cứng lắm, em mua nổi không?
Sau Tết Nguyên Đán 2018, giá đất tại huyện đảo Cần Giờ lại tiếp tục leo thang. Dòng người đổ về đây gom đất với quy mô lớn mục đích chờ đợi bung hàng khi các dự án hạ tầng, đô thị ở đây được triển khai.
Theo báo cáo mới đây của một công ty chuyên nghiên cứu thị trường về diễn biến giá đất của toàn TP HCM trong năm 2017 dựa trên so sánh giá bình quân từng địa bàn. Nghiên cứu này cho thấy giá đất tại huyện đảo Cần Giờ có biến động lớn nhất và biên độ tăng giá cũng dẫn đầu 24 quận, huyện của thành phố. Cụ thể, Cần Giờ thống trị trong top 5 địa phương có giá đất tăng mạnh nhất Sài Gòn, với tỷ lệ tăng giá 167,5%. Các vị trí còn lại lần lượt gồm có: Củ Chi (tăng 140%), Bình Chánh (tăng 85,7%), Gò Vấp (tăng 68,9%) và chốt chặn ở top 5 là quận 12 với biên độ leo thang là 66,69%.
Đất nền Nhơn Trạch đang có xu hướng tăng giá
Vào tháng 8/2017 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng cầu Cát Lái nối Quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Đây được xem là yếu tố kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng phát triển tại khu vực này.
Theo chị Nguyễn Ngọc Hiện, nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH TM&DV VietHomes đang bán các dự án đất nền tại khu vực Nhơn Trạch và gần Phà Cát Lái cho biết giá đất tại khu vực này đang tăng mạnh, giao động từ 7.5 triệu đến 25 triệu/m2, có nơi họ rao còn cao hơn nữa. "Hiện nay chỉ còn bốn lô cuối cùng, đa số khách muốn sở hữu đất ở khu vực này là người Tp.HCM vì quỹ đất của thành phố không còn, người dân Tp.HCM theo xu hướng nghỉ dưỡng và nhất là cầu Cát Lái đã được Nhà nước phê duyệt rất thuận tiên cho việc di chuyển vào trung tâm thành phố", chị Hiện nói
Mùa hè ở chung cư: Nỗi lo thiếu nước sạch
Vào mỗi mùa hè người dân tại các khu chung cư cao tầng lại mang một tâm trạng nơm nớp lo thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù năm nay được dự báo sẽ không nắng nóng quá gay gắt, nhưng mùa hè 2018 vẫn được cho còn khó khăn về nước tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội.
Người dân ở các khu chung cư bắt đầu lục tục lo cọ rửa những xô chứa nước cỡ đại, người thì mua thêm về để chuẩn bị dự trữ nước trong những ngày hè nắng nóng. Sự lo lắng của người dân không phải không có căn cứ bởi nhiều năm gần đây, cứ mùa hè đến thì tình trạng thiếu nước mất nước ở các khu chung cư cao tầng diễn ra liên tục. Đơn cử như KĐTM Đại Kim - Định Công liên tục trong 2 năm gần đây việc thiếu nước, mất nước trong mùa hè diễn ra trên diện rộng.
Nhiều nhà tái định cư trên “đất vàng” bỏ hoang
Hàng nghìn căn tái định cư ở Hà Nội và TP HCM đã bỏ không nhiều năm nay, có những tòa nhà tái định cư đã tính đến phương án phá bỏ và bán đấu giá.
Dự án nhà tái định cư do Handico3 làm chủ đầu tư gồm 3 tòa nhà với hơn 150 căn hộ, được triển khai từ năm 2001 – 2006, dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội). Do xảy ra khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay và dự án mở rộng đường phố Sài Đồng cũng “dậm chân tại chỗ”. Chủ đầu tư dự án này đã xin chủ trương của Hà Nội để phá bỏ các tòa nhà sau 10 năm “bỏ hoang”.
Nguyên Huy (TH)
Theo cafeland.vn