Nóng trong tuần: Các tỉnh lại lên cơn "sốt" đất, môi giới đua nhau trở thành chủ đầu tư
- Đất Phú Quốc náo nhiệt như lễ hội; Lợi nhuận khủng, môi giới đua nhau "thoát xác" làm chủ đầu tư; TPHCM lại "sốt" đất vùng ven... là những thông tin nóng trong tuần qua.
Hình minh họa
Người trong cuộc: Đất Phú Quốc náo nhiệt như lễ hội
“Như mấy hôm trước giá tăng theo ngày, có khi tăng theo giờ nữa đấy”.“thị trường đất nền tại huyện đảo Phú Quốc rất náo nhiệt, như là lễ hội vậy, người ta đi mua đất như đi chợ, nhưng số lượng sản phẩm tốt để bán thật sự không còn nhiều”.“Cẩn thận lại ăn quả đắng. Cò thì không bao giờ lỗ. Chỉ có người bỏ tiền ra mua thì có khi lỗ thôi”.
đất nền Phú Quốc thời gian gần đây đang trở nên một điểm nóng bỏng hơn bao giờ hết, trước thông tin Phú Quốc sẽ trở thành một trong ba đặc khu kinh tế của cả nước được nhiều nhà đầu tư nhắm tới, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hà Nội. Không chỉ rót tiền vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều doanh nghiệp cũng nhắm đến các lô đất lớn nằm gần trung tâm thị trấn Dương Đông để xây khách sạn, hoặc “sang tay” để kiếm lời.
Đất Quốc Cường Gia Lai mua giá rẻ bèo có phải là đất công?
Trả lời báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết muốn ra tòa giải quyết khi bị yêu cầu hủy hợp đồng mua 32,4ha đất tại xã Phước Kiển.
Theo văn bản của Quốc Cường Gia Lai (QCG) khẳng định quyền sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 32,4 ha mà Công ty Tân Thuận chuyển nhượng cho công ty không phải là đất công và việc chuyển nhượng này cũng không phải thông qua đấu giá theo quy định. QCGL giải thích các thửa đất này không phải do Nhà nước giao đất cho Công ty Tân Thuận quản lý, không phải đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, không phải là đối tượng đất thuộc sở hữu Nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý sử dụng. Các thửa đất mà Tân Thuận chuyển nhượng cho QCG là đất nông nghiệp hình thành từ nguồn tiền hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Các thửa đất là hàng hóa của doanh nghiệp bất động sản.
Mua nhà siêu nhỏ kiếm lời: Không dễ ăn!
TP.HCM đang có những căn nhà siêu nhỏ, có diện tích chỉ kê vừa chiếc giường nhưng được hét với giá ngót 100 triệu/m2.
Theo lời cò Mạnh, mua nhà mặt đất chắc chắn có lời, tìm khách thuê lúc nào cũng có. Giá thuê thấp nhất cũng 3-4 triệu/tháng. Hoặc mua rồi vài tháng sau bán lại lời thấp nhất cũng tầm 60-70 triệu đồng, nếu tìm được đúng người thích thì lời 100 triệu đồng là chuyện nhỏ. “Chị có tiền thì cứ mua đi, vừa cho thuê vừa rao bán. Bỏ ra hơn 1 tỉ đồng, tầm sáu tháng sau bán được là thu lời 80-120 triệu đồng gồm cả tiền cho thuê lẫn tiền chênh lệch giá. Đầu tư như vậy lời cao hơn hẳn tiền gửi tiết kiệm nên nhà ở những quận trung tâm luôn khan hàng” - cò Mạnh khuyên chúng tôi.
TPHCM lại "sốt" đất vùng ven
Gần một tháng qua, cơn “sốt” đất nền vùng ven vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ghi nhận các tuyến đường nhiều quận huyện vùng ven TPHCM, các công ty môi giới, người dân rầm rộ treo biển bán đất nền. Không cần trụ sở hoành tráng, chỉ cần một cái bàn, chiếc ghế và tờ giấy vẽ khu đất… là họ có thể bán đất.
Hiện tượng “sốt” đất nền nhộn nhịp nhất hiện nay tập trung ở khu Đông TPHCM, nơi này đang trở thành tâm điểm về sự tăng giá của thị trường, nhân viên môi giới tụ tập rất đông, luôn sôi động với băng rôn, bảng quảng cáo. Dọc các tuyến đường: Nguyễn Xiển, Lò Lu, Nguyễn Duy Trinh (Quận 9), giá đất rao bán tăng khoảng 50% so với thời điểm cách đây vài tháng. Một nhân viên môi giới trên đường Trường Lưu, chào mời: “Hiện khu vực này tùy theo dự án, hướng, chiều rộng của đường mà có giá từ 27 - 34 triệu đồng/m2. Tháng 3, có khách mua lô đất nền tại đường Trường Lưu giá 21 triệu đồng/m2, giờ đã lên 27 triệu đồng/m2. Anh mua đi tháng sau giá đất chắc chắn sẽ còn lên nữa”.
Lợi nhuận khủng, môi giới đua nhau "thoát xác" làm chủ đầu tư
Bỏ 200 tỷ đồng mua quỹ đất rộng hơn 14 ha, đầu tư thêm 50 tỷ đồng tiền hạ tầng, phí môi giới…, sau khi bán xong dự án lợi nhuận thu về hơn 250 tỷ đồng. Siêu lợi nhuận kiểu này đang tạo ra một cơn sóng săn quỹ đất để trở thành chủ đầu tư của dân môi giới.
Ông N.Đ.Q, tổng giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM vừa “lên đời” thành chủ đầu tư nhờ một thương vụ M&A theo kiểu “tay không bắt giặc”. Năm 2016, ông Q. thành lập công ty môi giới bất động sản có trụ sở tại quận Tân Bình. Quyết định thử liều một phen, ông Q. thỏa thuận với chủ đất sẽ cho thanh toán theo 3 đợt. Đợt đầu, ông bỏ ra 30 tỷ đồng đặt cọc mua dự án, sau đó vay ngân hàng đặt tiếp đợt hai và 4 tháng sau ông sẽ thanh toán đợt cuối cùng. Chủ đất chấp thuận với thỏa thuận của ông Q. đưa ra, vì chào bán lô đất này khá lâu nhưng không ai mua.
Sốt đất ven biển Đà Nẵng, rủi ro rình rập
Giá bất động sản ven biển tại Đà Nẵng tăng mạnh và hiện ở mức rất cao, nên đầu tư vào thời điểm này được đánh giá là khá rủi ro.
Anh Vũ Đức Thịnh, Trung tâm Dịch vụ Nhà đất Thịnh Yên (xã Hòa Tiến, quận Cẩm Lệ) cho hay: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, có hiện tượng một số người lạ ngoài địa phương vào mua sang tay ruộng của người dân địa phương với giá 90 - 100 triệu đồng/sào. Khi hỏi thì họ bảo, sắp tới, ở đây được quy hoạch thành đô thị quốc tế, nên mua để đón đầu”. Cũng theo anh Thịnh, sau khi có tin đồn nhà đầu tư lớn sắp đầu tư vào Hòa Tiến, giá đất khu vực các xã Hòa Tiến, Hòa Châu đã tăng lên rõ rệt. Anh Thịnh cho biết, hôm mùng 6 Tết, anh mua lại một lô đất nền 100 m2 của một người dân tại thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, vị trí gần Quốc lộ 1A với giá hơn 600 triệu đồng và chỉ 2 tháng sau, anh đã bán lại cho một nhà đầu tư Hà Nội với giá 970 triệu đồng.
Kiếm lời từ nhà nát, coi chừng ‘đứt tay’
Mua nhà nát để sửa hoặc xây mới rồi bán lại không dễ kiếm lời bạc tỉ như trước nữa.
Chủ một căn nhà nát, chị Huyền Trâm, kể: “Tôi mua căn nhà 50 m2 tại đường 16, khu phố 2, Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 với giá 700 triệu vào năm 2013. Tới năm 2017 tôi muốn chuyển sang chung cư nên bán lại cho bà Tâm được 950 triệu. Nếu tính chi phí tiền lãi vay ngân hàng trong suốt bốn năm thì xem như huề vốn mua căn nhà đó. Nhưng không phải ai cũng dễ dàng kiếm lời mau chóng từ nhà nát. Anh Văn Thái, ngụ quận Tân Bình, cho hay ban đầu gia đình thật sự muốn tìm mua một căn nhà nát, xây mới để ở. Nhưng khi gặp nhiều chủ nhà, anh nhận thấy đa phần nhà cũ nát đều có giá tốt và chủ nhà muốn bán gấp do kẹt tiền. Vì thông thuộc địa hình, có tìm hiểu về quy hoạch nên anh Thái rất dễ nhìn ra đâu là món hời. Vậy là từ mục đích mua đất xây nhà, anh chuyển sang đầu tư vào kênh mua nhà nát kiếm lời.
Nguyên Huy (TH)
Theo cafeland.vn