Nhường làng cho nhiệt điện, cần sự đồng thuận của dân
Nhiệt điện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) thuộc Tập đoàn điện lực EVN, tuyên bố không nhận chìm 2,5 triệu m³ chất thải đào cảng nhập than và sẽ tận dụng san lấp mặt bằng. Để tính toán sử dụng, dự án sẽ phải di dời hơn 500 hộ dân thôn Vĩnh Sơn ngay sát biển. Vấn đề đặt ra là sinh kế của người dân sẽ được đảm bảo như thế nào?
Một số hộ dân thôn Vĩnh Sơn đã di dời khi trước đây đã nhận đền bù
Đa số dân đồng tình di dời
Theo nguồn tin riêng của Báo SGGP, Ban quản lý Nhiệt điện 2 (ANĐ2) đang trình cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp tỉnh Quảng Bình cũng như Chính phủ và các bộ ngành liên quan điều chỉnh dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I.
Trong đó có tính đến phương án di dời dứt điểm hơn 500 hộ dân thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đến nơi ở mới nhằm có chỗ để san lấp mặt bằng, không nhận chìm 2,5 triệu m³ chất thải đào vét cảng nhập than ở Mũi Độc.
Ông Nguyễn Xuân Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, cho biết: “Huyện vừa hoàn thành điều tra xã hội học, có 99,7% số dân trong thôn đồng ý di dời, nhường đất cho dự án nhiệt điện Quảng Trạch”. Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Sơn Võ Hằng Hải nói: Hơn 2.000 khẩu của thôn đa số đồng tình. Vậy nên khi có quyết định từ cấp trên, cần có một cuộc đối thoại lần nữa với người dân trong thôn nhằm tạo sự đồng thuận tuyệt đối.
Toàn thôn có hơn 350ha cả đất nông nghiệp, thổ cư, đất rừng và ven biển, cuộc sống chủ yếu đánh bắt gần bờ và làm nông nghiệp. Trước đây, dân cư trong thôn chịu ảnh hưởng gần 10 năm trong diện quy hoạch toàn bộ nhà máy đóng tàu Vinashin nên không dám làm nhà mới, chỉ được sửa chữa, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi cũng mong đến nơi ở mới ổn định hơn nhằm an cư, tạo sinh kế nơi ở mới chứ quy hoạch treo mãi rất khó làm ăn”, một người dân nói.
Ông Phan Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, người phụ trách đề án tạo và chuyển đổi việc làm khi dời 500 hộ dân cho biết: “Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện ký cam kết với UBND tỉnh, với người dân, ưu tiên tuyển dụng con em tại địa phương vào làm việc tại nhà máy nhiệt điện. Đây được xem là phương án tối ưu nhất trong việc tạo việc làm cho con em địa phương”.
Ngoài ra ông Thanh còn nói đến đề án cũng hỗ trợ người dân đi xuất khẩu lao động nhằm có thu nhập, tạo việc làm. Đối với những đối tượng khác, đề án do huyện trình cũng thành lập các hợp tác xã (HTX) nhằm giải quyết 330 lao động như HTX bán hoa, bán hàng lưu niệm; HTX quản lý di tích đền Thánh mẫu Công Chúa Liễu Hạnh; HTX tổ hợp kinh doanh nhà hàng ven biển; HTX đánh bắt cá xa bờ; HTX dịch vụ tổng hợp (mộc, nề, cơ khí….); HTX dịch vụ hậu cần nghề cá; HTX trồng hoa và rau sạch.
Đề án hỗ trợ vay vốn chuyển đổi việc làm các ngành nghề khác, tổng chi phí dự kiến gần 100 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí đều do chủ đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I thu xếp. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc BQL Dự án Nhiệt điện 2 cho biết, sau khi tỉnh hoàn thành điều chỉnh quy hoạch di dời dân và đề án an sinh, đơn vị sẽ chuyển tiền để địa phương thực hiện.
Riêng vấn đề đất đai nơi ở mới, huyện đã có quy hoạch và lên phương án cơ sở hạ tầng hiện đại, cũng do EVN làm chủ đầu tư, đất ở giao cho dân mỗi hộ 450m².
Các bô lão thôn Vĩnh Sơn cho biết, thôn có 2 khu di tích tâm linh, 1 chùa và 1 đình hơn 300 năm tuổi. Dân đi đâu thì đình làng theo đó, riêng đất chùa nằm dưới núi Hoành Sơn thì không thể di dời.
Hiện khu chùa diện tích khoảng hơn 200m², mái đã đổ, cây cổ thụ quấn lấy các bức tường nên dân muốn giữ lại và lãnh đạo dự án đã hứa bảo tồn nguyên vẹn khu tâm linh này.
Bớt áp lực
Người dân các xã biển Quảng Đông, Quảng Phú, Cảnh Dương, Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nói, họ đọc báo biết được Nhiệt điện Quảng Trạch I không nhận chìm 2,5 triệu m³ là hành động tích cực. Thông tin này lan truyền nhanh chóng như một việc “xả van”, không làm cho tâm lý người dân hoang mang.
Một chủ tàu đánh bắt gần bờ ở xã Cảnh Dương, nói: “Chúng tôi làm nghề câu gần bờ, hải sản ở đây rất ngon nên du khách rất thích, ở Hà Tĩnh, Nghệ An… cũng vào mua về. Khi nghe tin họ muốn nhận chìm đất cát nạo vét hàng triệu khối, tôi lo lắm vì kế sinh nhai sẽ bị ảnh hưởng.
Trước đây, khi làm khu tránh trú bão âu thuyền Roòn, người ta đưa bùn đất ra đổ ở biển xã Quảng Phú mà chúng tôi cũng bị ảnh hưởng, sau mấy năm mới đỡ. Giờ đây, lãnh đạo quyết không cho nhấn chìm, chúng tôi cảm ơn vì giữ biển sạch cho người dân mưu sinh. Đó là quyết định hợp lòng dân, có lý có tình”.
Ông Trần Phong, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình, cho biết, việc di dời dân thôn Vĩnh Sơn phải có sự đồng thuận của người dân. Phương án không nhận chìm 2,5 triệu m³ nạo vét cảng than đưa vào san lấp nền vùng ven biển tại Vĩnh Sơn cũng cần làm theo quy trình pháp luật, bảo vệ môi trường ở mức cao nhất. Phải có đánh giá tác động môi trường và phê chuẩn từ cấp trung ương mới thực hiện.
Minh Phong (SGGP)
Theo cafeland.vn