Những “siêu” dự án sắp triển khai tại Hà Nội
– Nếu mọi việc diễn ra như kế hoạch, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ đón nhận một loạt các dự án bất động sản có quy mô lớn. Khi hoàn thành, những siêu dự án này sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo của một số khu vực tại thủ đô.
Thành phố thông minh hai bên trục đường Nhật Tân – Nội Bài
Với tổng vốn đầu tư 94.349 tỉ đồng, dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối – Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh do Tập đoàn Sumimoto – Nhật Bản và Tập đoàn BRG hợp tác đầu tư.
Khu đô thị được xây dựng trên diện tích đất rộng khoảng 272ha, được chia thành 5 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 có diện tích 73ha với tổng mức vốn hơn 12.929 tỉ đồng; giai đoạn 2 có diện tích 35ha với tổng vốn đầu tư là 23.118 tỉ đồng; giai đoạn 3 có diện tích 65ha với tổng mức vốn là 38.117 tỉ đồng; giai đoạn 4 có diện tích 30ha với vốn đầu tư là 15.273 tỉ đồng và giai đoạn 5 có diện tích 67,5ha cùng nguồn vốn là 4.909 tỉ đồng.
Điểm đầu dự án xuất phát tại ngã tư đường Võ Nguyên Giáp với tuyến quốc lộ 5 kéo dài, chạy dài khoảng 12km hướng về sân bay Nội Bài. Hai bên đường được quy hoạch làm đô thị thông minh.
Dự án được chính thức khởi công xây dựng vào tháng 10/2018, và dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Khu đô thị Tây Mỗ Đại Mỗ
Khu đô thị Tây Mỗ Đại Mỗ tọa lạc tại phường Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, do Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh phát triển đô thị Tây Hà Nội đầu tư với số vốn 80.000 tỉ đồng.
Dự án được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 280ha, với dân số dự kiến khoảng 80.000 người. Trong đó, đất ở chiếm 302.000m2, khoảng 274.000m2 dành cho đất xây dựng khu cao tầng, đất biệt thự khoảng 28.000m2, đất cho trường học là 173.000m2, đất mặt nước, hồ điều hòa chiếm 65.000m2, đất công cộng rộng khoảng 268.000m2, đất cây xanh mặt nước có diện tích khoảng 566.000m2 và đất giao thông khoảng 818.000m.
Trung tâm thương mại Lotte Mall
Trung tâm thương mại Lotte Mall, tiền thân là Ciputra Hanoi Mall, đã xây được phần móng từ năm 2007 và bỏ hoang cho đến nay. Dự án do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đầu tư với số vốn 13.407 tỉ đồng, nằm dọc theo tuyến đường Võ Chí Công, thuộc quần thể đô thị Ciputra Hanoi International City.
Tổng diện tích xây dựng dự án rộng 7,3 ha, trong đó tổng diện tích sàn xây dựng chiếm 200.000m2. Dự kiến khi hoàn thành, dự án sẽ cung ứng khoảng 1.200 cửa hàng bán lẻ, 1 trung tâm chiếu phim với 12 rạp màn hình rộng.
Ngoài ra, dự án còn cung cấp 48 nhà hàng, quán cafe, khu đại siêu thị rộng khoảng 8.500m2, khu vui chơi giải trí và 71.000m2 tầng hầm dành cho nơi để xe.
Hơn một năm sau khi thâu tóm Ciputra Hanoi Mall từ chủ cũ là Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long, Tập đoàn Lotte đã dự tính tăng gấp đôi vốn đầu tư cho dự án này khi bước vào giai đoạn xây dựng. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được tái khởi vào quý 4/2018, sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2021.
Khu đô thị Gia Lâm
Khu đô thị Gia Lâm do Công ty TNHH đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm (trực thuộc Tập đoàn Vingroup) đầu tư với số vốn 87.385 tỉ đồng, nằm ở phía Tây Nam huyện Gia Lâm, thuộc ranh giới hành chính thị trấn Trâu Quỳ và các xã Dương Xá, Kiêu Kỵ, Đa Tốn.
Tổng diện tích đất khu đô thị rộng khoảng 420ha, được chia thành 7 đơn vị ở với quy mô dân số khoảng 89.500 người. Trong đó, đất công cộng có diện tích 397,515m2; đất cây xanh, thể dục thể thao và mặt nước có diện tích 872.138m2; đất đường, quảng trường, nhà ga và bến bãi đỗ xe có tổng diện tích 269.274m2; đất khu ở có diện tích 2.281.092m2 (chiếm 54,26% tổng diện tích) và đất trường học có diện tích 246.911m2.
Khu đất ở có biệt thự, nhà vườn, nhà ở liền kề, nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ và nhà ở cao tầng. Trong đó, các khu nhà ở cao tầng được thiết kế với chiều cao từ 25 – 38 tầng bố trí phía tây bắc dự án. Khu biệt thự được bố trí trong lòng đô thị, khu nhà ở thương mại nằm ở trục cảnh quan chính của đô thị, hệ thống trường học được bố trí ở trung tâm các khu ở.
Đến tháng 9/2018, huyện đã hoàn thành bàn giao 400 ha đất sạch cho chủ đầu tư. Dự kiến khu đô thị Gia Lâm sẽ được triển khai vào đầu năm 2019.
Mai Phương (TH)
Theo cafeland.vn