Nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đô thị
– Mặc dù quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đô thị đã được hoàn thiện đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục.
Mở đầu ngày làm việc ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng diện tích đất đô thị (chỉ tính các phường, thị trấn và các đô thị mới) là 1,4 triệu ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 60%, diện tích đất phi nông nghiệp chiếm hơn 37%. Những năm gần đây, diện tích đất khu vực đô thị tăng nhanh, chủ yếu là các loại đất ở đô thị (tăng 21.000 ha), đất xây dựng kết cấu hạ tầng (tăng 34.000ha).
Về dự án đầu tư khu đô thị mới, nhà ở đô thị trên cả nước có tổng cộng 4.438 dự án, tổng diện tích chiếm đất theo quy hoạch là 110.331ha, 3.045 dự án đang triển khai (chiếm 68,61%, diện tích đất là 79.697ha).
Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 828 đô thị, gồm 2 đô thị đặc biệt, 19 đô thị loại 1, 26 đô thị loại 2, 46 đô thị loại 3, 85 đô thị loại 4 và 650 đô thị loại 5. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5%.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đã được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, việc sử dụng đất đai đô thị vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần có giải pháp khắc phục.
Cụ thể, việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Ở một số dự án đầu tư có sử dụng đất đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng gây nên tình trạng lãng phí, đất đai để hoang hóa.
Một số dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (dự án BT), việc xác định giá trị công trình BT và giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán chưa phù hợp đã dẫn tới tình trạng thanh toán quỹ đất đã vượt quá giá trị công trình BT gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, chưa có chính sách để hạn chế, xử lý tình trạng đầu cơ đất đai, ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, gây khó khăn trong công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, tỷ lệ đất dành cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thấp (chiếm hơn 11% diện tích đất đô thị) so với yêu cầu phát triển. Quy hoạch đô thị chưa đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội và cảnh quan môi trường, thiếu tính kết nối giữa các đô thị đã làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và nhu cầu của người dân đô thị; còn có tình trạng xây dựng không tuân thủ quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc.
Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, tình hình đơn thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm so với giai đoạn trước (từ 2009 đến năm 2013) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đơn thư khiếu nại (trên 60%).
Nội dung chủ yếu khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn... Gần đây phát sinh một số khiếu nại liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ.
PV
Theo cafeland.vn