Nháo nhào dự án, đất hoang lấn át rau hoa xứ lạnh Măng Đen
Dạo một vòng quanh thôn Măng Đen, xã Đăk Long, huyện Kon Plông (Kon Tum) tới đâu cũng chỉ là đất dự án rau hoa xứ lạnh.
Là vùng đất quý với khí hậu thời tiết quanh năm mát mẻ, cao nguyên Măng Đen nói riêng và huyện Kon Plông nói chung được tỉnh Kon Tum xác định là một trong ba vùng kinh tế động lực của địa phương.
Trong những năm qua với kỳ vọng hình thành được vùng trồng rau hoa xứ lạnh, tỉnh Kon Tum đã chấp thuận cho 49 dự án đầu tư vào lĩnh vực này ở Măng Đen với tổng vốn đăng ký trên 1.600 tỷ đồng và đã giao cho doanh nghiệp hơn 1.400 ha đất. Thế nhưng ngược lại với kỳ vọng của địa phương, hầu hết dự án nhẹ thì chậm tiến độ đầu tư, nặng là "chết lâm sàng" và tình trạng cho thuê, sang nhượng dự án thậm chí là bán đất đã xảy ra.
Dự án nông trại hữu cơ Kon Tum Bellest
Dạo một vòng quanh thôn Măng Đen, xã Đắk Long, huyện Kon Plông tới đâu cũng đụng đất dự án rau hoa xứ lạnh. Điểm dễ nhận biết không phải là những vườn rau hoa xanh mướt, mà là lều lán tả tơi và đất như đang bị con người ruồng rẫy ghét bỏ. Hai bên đường vào làng Tu Rằng cũng như khu 37 hộ dân, trước đây là rừng tự nhiên và rừng thông trồng giờ đều thành đất dự án. Chỉ có điều rừng thì đã chắc chắn mất còn rau hoa chẳng mấy người trồng.
Dự án nông trại hữu cơ tổng hợp sản xuất rau củ quả xứ lạnh xuất khẩu, kết hợp chăn nuôi của Công ty TNHH Kon Tum Bellest ở tiểu khu 486 và 487 là điển hình của kiểu dự án đầu voi đuôi chuột, hay nói cách khác là khởi công lừng lẫy rồi nhanh chóng "chết lâm sàng".
Nằm ở vị trí đắc địa với tổng diện tích lên tới 105 ha, dự án này khởi công vào tháng 4/2015 có tổng vốn đầu tư trên 67 tỷ đồng do ba nhà đầu tư của Việt Nam, New Zealand và Hàn Quốc thực hiện. Nếu đúng cam kết, hết năm nay mỗi năm nông trại này cho sản phẩm là 45 tấn rau, củ, đậu hạt; 1.200 tấn dâu tây và 13.200 heo mẹ, heo thịt. Thế nhưng dù chỉ còn hơn một tháng nữa là dự án hết tiến độ thực hiện đầu tư, song những gì mà doanh nghiệp này làm được mới chỉ là gần hoàn thành xong việc khai hoang và trồng được 20 ha cây bơ hass vốn không phải là mục tiêu ban đầu của dự án. Đây cũng chính là chiêu trò đối phó phổ biến của không ít nhà đầu tư khi đã cầm được dự án trong tay.
Theo người dân địa phương: "Người ta đối phó bằng cách trồng cây ăn quả. Họ chuyển từ trồng rau hoa ra cây ăn quả. Không đúng mục đích ban đầu đề ra. Đất ở đây thì không thể gọi là bỏ hoang được tại vì họ cho san ủi sạch sẽ, cứ cỏ cao là cắt”.
Dự án nuôi trồng sản xuất dược liệu và rau hoa xứ lạnh rộng trên 24 ha.
Trong 49 dự án sản xuất rau hoa xứ lạnh ở huyện Kon Plông mà tỉnh Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư, giao cho doanh nghiệp trên 1.400 ha đất hầu hết dự án nhẹ thì chậm tiến độ, nặng là "chết lâm sàng" và tình trạng cho thuê, sang nhượng dự án thậm chí là bán đất đã xảy ra. Điển hình trong số này là những dự án khủng với mỗi dự án được giao hàng chục ha đất, thậm chí là trên 100 ha như: Dự án đầu tư trồng cây thuốc và khu du lịch sinh thái rộng 40ha của Công ty Cổ phần Huỳnh Tấn; Dự án trồng rau sạch và hoa chất lượng cao diện tích 106ha của Công ty TNHH Một thành viên Măng Đen- Vila; Dự án nuôi trồng sản xuất dược liệu và rau hoa xứ lạnh rộng trên 24ha của Công ty Cổ phần và Đầu tư thương mại 16/3...
Nghịch lý là khác với vẻ ngoài hoang tàn ở hầu hết các dự án rau hoa xứ lạnh Măng Đen, hiện đang có những đợt sóng ngầm rất dữ dội mang tên cho thuê, sang nhượng, thậm chí là bán đất dự án.
Từ đầu năm 2018 đến nay, giá đất dự án ở đây bị đẩy lên phổ biến từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho mỗi ha. Chỉ sau một thời gian ngắn, không ít doanh nhân, doanh nghiệp đã lộ diện là những nhà đầu tư theo kiểu xí phần, nội lực thiếu, kinh nghiệm yếu mục tiêu nhắm tới là đất đai chứ không phải sản xuất rau hoa xứ lạnh. Đang thực hiện một dự án đầu tư vào vùng đất này, một người xin được giấu tên thẳng thắn, khi phải đối diện với thực tế khó khăn trong lĩnh vực mới, vùng đất mới điều này càng lộ rõ.
Sản xuất thua lỗ nhà đầu tư tháo chạy để lại vườn hoang
“Họ không đủ năng lực cả về tài chính lẫn nhân sự. Tài chính bị thiếu làm cũng ít. Thiếu nhân sự thì làm cũng không được. Về điều kiện cơ sở vật chất thì có nhiều dự án có đất nhưng không có điện đường đi lại rất khó khăn. Cũng có nhiều người muốn giữ đất, nhưng cũng không ít người rao bán đất với giá vài tỷ đồng đến cả chục tỷ đồng. Một ha cỡ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng” - một người dân địa phương cho biết.
Chỉ sau vài năm tỉnh Kon Tum ồ ạt trao dự án rau hoa xứ lạnh, giao trên 1.400 ha đất cho 30 doanh nghiệp, 19 cá nhân đã lộ ra nhiều bất cập trong công tác quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư vào vùng đất tiềm năng Măng Đen. Không ít chuyên gia cho rằng, chỉ với những dự án rau hoa sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao mà mỗi dự án giao tới hàng chục, thậm chí cả trên 100 ha đất là điều vượt ngoài tưởng tượng.
Thực tế cho thấy, còn một số doanh nghiệp thực sự đeo bám dự án, tuân thủ mục tiêu sản xuất đề ra chỉ sử dụng diện tích đất rất nhỏ trong tổng diện tích được giao. Bên cạnh đó việc lựa chọn không đúng nhà đầu tư dẫn đến tiềm năng đất đai bị bỏ phí và gây khó khăn trong công tác quản lý. Trớ trêu đang xảy ra đối với các doanh nghiệp thực sự muốn đầu tư sản xuất đến sau. Trong khi địa phương không còn quỹ đất giới thiệu thì một diện tích lớn đang bị các nhà đầu tư đến trước cầm giữ với thời hạn tới 50 năm và để không. Bên cạnh đó đã có một số diện tích đất dự án rau hoa xứ lạnh giờ biến thành đất ở sau những cuộc mua bán trao tay.
Một dự án bán đất cho người dân làm nhà ở.
Ông Nguyễn Văn Minh, một trong bốn hộ dân mua đất từ một dự án đã làm nhà ở giờ đang đẩy cái khó cho chính quyền địa phương cho biết: “Có 4 hộ, tôi và 3 người khác mua. Trước kia của ông Hùng 7 mẫu, sau cũng sang lại cho ông kia. Đất của dự án Hợp tác xã tư nhân và có thời hạn 50 năm. Bây giờ tôi diện tích là 1 mẫu lẻ 5 và cũng dính trong cái sổ đỏ đó. Giờ tôi yêu cầu là tách ra”.
Thực tế cho thấy tại huyện Kon Plông, một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum, tình trạng dự án chậm tiến độ, chết lâm sàng và cho thuê, sang nhượng dự án, thậm chí là bán đất không chỉ xảy ra đối với 49 dự án rau hoa xứ lạnh mà còn xảy ra với 47 dự án còn lại thuộc các lĩnh vực, như: Du lịch sinh thái, nuôi cá nước lạnh…
Chính quyền và ngành chức năng tỉnh Kon Tum cần phải nhanh chóng có giải pháp để thanh lọc được những nhà đầu tư nội lực thiếu, kinh nghiệm yếu; những dự án đầu tư theo kiểu xí phần, trục lợi đất đai mới mong phát huy được tiềm năng vùng đất quý Măng Đen./.
Khoa Điềm (VOV)
Theo cafeland.vn