Nhà “siêu mỏng, siêu méo”: Sẽ xử lý dứt điểm
Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, việc giải phóng mặt bằng để làm đường theo quy hoạch đã phát sinh nhiều trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (nhà siêu mỏng, siêu méo). Nhằm tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, Hà Nội đang tập trung xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, có 394 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại cũ. Đây là những trường hợp nhà, đất nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng khi xây dựng 8 tuyến phố, tuyến đường trục chính của thành phố từ nhiều năm trước như: Đào Tấn, Kim Mã, Liễu Giai (Ba Đình), Vĩnh Tuy, Minh Khai (Hai Bà Trưng), Nguyễn Trãi, Chiến Thắng (Hà Đông)... hình thành trước ngày 15-3-2005 (thời điểm Quyết định 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực về hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng). Ngoài ra, có 560 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới trên các tuyến Kim Mã - Trần Phú (Ba Đình), Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng), Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy), Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5...
Ông Lý Chí Hồng - Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, thực hiện Chỉ thị 20/CT-UBND (ngày 11-11-2016) của Chủ tịch UBND thành phố về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng kết hợp chỉnh trang đô thị hai bên tuyến đường mới mở trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã lập tổ công tác liên ngành. Sở Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản, làm việc trực tiếp, đôn đốc, hướng dẫn các quận thực hiện, song việc xử lý còn chậm.
Với nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn đọng từ trước năm 2005, theo báo cáo của các quận, giai đoạn 2012-2014 đã giải quyết được 220 trường hợp. Từ năm 2014 đến tháng 10-2017 giải quyết thêm 42 trường hợp. Từ tháng 10-2017 đến nay xử lý thêm 12 trường hợp. Như vậy, còn 120 trường hợp tiếp tục giải quyết. Việc xử lý đối với các trường hợp này gặp khó là do Quyết định 39/QĐ-TTg quy định “công trình xây dựng đang tồn tại phù hợp với quy hoạch, nhưng chưa phù hợp về kiến trúc được phép tồn tại theo hiện trạng”. Do đó, kết quả xử lý chủ yếu vẫn là vận động người dân hợp thửa, hợp khối. Đối với 560 trường hợp phát sinh sau khi triển khai các dự án giao thông mới, đến nay các quận, huyện đã xử lý 501 trường hợp, còn 59 trường hợp cần tiếp tục giải quyết.
Không để phát sinh trường hợp mới
Ông Nguyễn Việt Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các văn bản, quy định liên quan đến xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo"; hướng dẫn về quản lý xây dựng, kiến trúc đối với các tuyến đường giao thông mới mở đã có; việc chậm xử lý thuộc trách nhiệm của các quận, huyện. Thời gian qua, Sở Xây dựng đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, cũng như tổng hợp các vướng mắc, đề xuất UBND thành phố hướng xử lý.
Về xử lý các trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng phát sinh khi mở đường theo quy hoạch tồn đọng cũ (trước năm 2005), ngày 24-4-2018, UBND thành phố đã có Văn bản số 1758/UBND-ĐT chấp thuận về nguyên tắc đề xuất của Sở Xây dựng: Xử lý thu hồi phục vụ mục đích công cộng với 32 trường hợp không đủ điều kiện tồn tại; giữ nguyên trạng, hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề, bảo đảm an toàn, không gây phản cảm 88 trường hợp.
Đối với việc xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo" sau khi triển khai các dự án giao thông mới, quận Đống Đa có 15 trường hợp, Hai Bà Trưng: 3, Tây Hồ: 10, Thanh Xuân: 11, Bắc Từ Liêm: 1, Cầu Giấy: 19. Để xử lý dứt điểm, ngày 13-7-2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Báo cáo số 218/BC-XD gửi UBND TP Hà Nội và đề xuất: Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại, phát sinh thêm các trường hợp "siêu mỏng, siêu méo" trên các tuyến đường thuộc địa bàn; chủ trì, chỉ đạo xử lý dứt điểm các trường hợp đang tồn tại bằng các giải pháp hợp khối, thu hồi...; đề xuất phương án xử lý bảo đảm mỹ quan đô thị, cảnh quan kiến trúc hai bên tuyến phố; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng.
Đối với các chủ đầu tư thực hiện dự án mở đường theo quy hoạch, cần bố trí đủ kinh phí giải phóng mặt bằng, thu hồi đất ngoài chỉ giới các trường hợp không đủ điều kiện xây dựng. Quá trình giải phóng mặt bằng phải phá dỡ toàn bộ công trình đã đền bù, không để phát sinh các trường hợp mới.
Dạ Khánh (Hà Nội Mới)
Theo cafeland.vn