Nhà nước còn chậm trễ thì dân còn vi phạm
Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10-4 đưa tin, huyện Bình Chánh có khoảng 3.000 héc ta đất nông nghiệp đang bị ách hồ sơ xin chuyển đổi sang đất thổ cư mà theo giải thích của Phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Hồng là do trước giờ huyện chưa có tiền lệ giải quyết việc chuyển mục đích này.
Bình Chánh cũng là điểm nóng về xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Cách nay hơn một tháng UBND TPHCM đã yêu cầu huyện phải “kiểm tra, xử lý gấp” tình trạng này. Có lẽ đây là một trong những lý do khiến Bình Chánh càng “chùn tay” hơn với nhu cầu chuyển đổi của người dân.
Chấn chỉnh tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng là điều phải làm. Tuy nhiên, với người dân, chỗ ở là nhu cầu cấp bách, nên họ cũng không thể chờ mãi.
Những ai đã từng mua một mảnh đất nông nghiệp, thường là không có giấy tờ hợp pháp, rồi lén lén lút lút xây trên đó một chỗ ở tạm bợ, đều hiểu đó là việc làm liều lĩnh với muôn vàn rủi ro. Nhưng đã có bao giờ lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước tự hỏi, vì sao người dân lại phải mạo hiểm hết cả tài sản của mình để đổi lấy một chỗ ở “bất hợp pháp” cùng với chuỗi ngày sống trong âu lo và căng thẳng?
Ai cũng muốn có được một chỗ ở trong các khu dân cư được quy hoạch xây dựng bài bản, hợp pháp. Nhưng với dân nghèo ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, ước mơ đó cũng khó như hái sao trên trời. Với họ, một mảnh đất nông nghiệp ở các quận huyện xa trung tâm gần như là cơ hội duy nhất hiện nay để có được chốn an cư.
Tất nhiên, chẳng ai muốn sống mãi trong tâm trạng thấp thỏm lo âu vì phạm luật, nhất là khi mảnh đất đã “đánh liều” mua lại là tích lũy tất cả những gì họ dành dụm suốt đời và có khi gộp cả vay mượn ở trong đó. Họ mong được Nhà nước mở ra cho một con đường để được đóng thuế và được hợp pháp hóa. Đó là nhu cầu rất đáng được xem xét.
Tháng trước, trong một văn bản gửi các sở ngành có liên quan và huyện Bình Chánh, UBND TPHCM chỉ đạo nắm tình hình cán bộ, công chức móc nối, bao che, tiếp tay, thông đồng với các đầu nậu xây dựng nhà không phép trên nền đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh để xử lý nghiêm khắc, đồng thời yêu cầu các sở lập quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 làm cơ sở cấp phép xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tạo dựng nơi ở ổn định, nhằm hạn chế nạn đầu cơ trục lợi, xây dựng không phép, phá vỡ quy hoạch.
Đây là quyết định được người dân mong đợi, nhưng việc nó được thực hiện như thế nào trong thực tế thì vẫn còn là dấu hỏi lớn. Bởi trong quá khứ thành phố đã không ít lần có những quyết định tương tự, nhưng hành trình để được chuyển đổi đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch thành đất thổ cư và xin cấp phép xây dựng vẫn vô cùng gian nan. Đó cũng là lý do thành phố không dẹp nổi tình trạng xây dựng không phép. Tóm lại, chừng nào việc giải quyết thủ tục về nhà đất cho người dân còn khó khăn và ách tắc, thì người dân vẫn còn phải “đánh liều” để đổi lấy chốn an cư trong bất an. Và khi thị trường có nhu cầu thì tất yếu nạn đầu cơ trục lợi, tham nhũng và làm giàu bằng cách “bán rủi ro” cho người nghèo vẫn còn đất sống.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigontimes)
Theo cafeland.vn