Nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị gì khi đầu tư bất động sản tại Việt Nam?
Tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản theo hướng cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài là nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam ngày càng gia tăng.
Từ năm 2015, khi chính phủ nới lỏng chính sách người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam, cho phép các nhà đầu tư ngoại quốc sở hữu 30% số căn hộ trong các dự án nhà ở mới, hạn ngạch này nhanh chóng được các nhà đầu tư đến từ Hong Kong, Hàn Quốc và Trung Quốc lấp đầy. Ngoài ra, kiều bào Việt Nam cũng là một nhóm đầu tư tích cực tại thị trường quê nhà.
Theo ông Kenny Law, chuyên gia Savills, bước đầu tiên nhà đầu tư nước ngoài nên làm khi có ý định đổ vốn vào Việt Nam là tìm tới sự trợ giúp của một đơn vị môi giới để có thể nắm chắc các chu trình và loại giấy tờ pháp lý. Tuy Luật sở hữu nhà ở năm 2015 sửa đổi đã cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam nhưng vẫn còn tồn đọng một số bất cập trong thủ tục mua bán. Bởi vậy sự trợ giúp của một đơn vị môi giới chuyên nghiệp có thể giúp nhà đầu tư nhận được hỗ trợ tốt nhất.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cần hiểu rõ khu vực sẽ xuống tiền đầu tư. Việt Nam không phải là một đất nước nhỏ bé. Với dân số gần 100 triệu dân trải dài trên 2.000 km từ Bắc vào Nam, thị trường này thực sự chứa đựng rất nhiều tiềm lực đầu tư, với điều kiện nhà đầu tư đã nghiên cứu tỉ mỉ thị trường để tìm được cơ hội thích hợp nhất.
Ảnh minh hoạ.
Hà Nội và TP.HCM được xem là những địa điểm đầu tư an toàn nhất. Tuy nhiên, cơ hội cũng hiện diện tại những thị trường thứ cấp như Đà Nẵng, trung tâm nghỉ dưỡng Nha Trang và Bình Dương – vùng ngoại ô ngay sát TP.HCM.
Ngay tại TP.HCM đã có rất nhiều khu vực đầu tư tiềm năng. Với tuyến tàu điện ngầm của thành phố dự định hoạt động vào năm 2020 thì giá trị của các dự án phát triển trong bán kính 1 km của tuyến, theo ước tính, có thể đạt mức tăng trưởng ít nhất 10%/năm như trường hợp của các hành lang giao thông công cộng tại một số thị trường khác.
Phía bên kia sông Sài Gòn lại là một thị trường đáng lưu tâm khác: Thủ Thiêm – nơi được quy hoạch để trở thành trung tâm tài chính, thương mại thứ hai của thành phố. Nằm đối diện với khu vực phát triển nhanh tại quận 1, Thủ Thiêm sẽ sớm phát triển các dự án thương mại, dịch vụ công cộng, hệ thống văn hóa, giáo dục và nhà ở.
Bên cạnh đó, ông Kenny Law cho rằng hiểu biết về khuôn khổ thuế quan là điều quan trọng nhà đầu tư không thể bỏ qua. Nhà đầu tư nên tìm hiểu các loại thuế hiện hành, gồm: 10% thuế giá trị gia tăng, thuế quản lý và 0,5% thuế đăng ký.
Ngoài ra, trách nhiệm của nhà đầu tư còn cần thanh toán thuế sau mua, thuế này bao gồm 2% thuế thu nhập cá nhân dựa trên giá trị địa sản đã mua. Nếu địa sản được đầu tư với mục đích cho thuê, nhà đầu tư sẽ cần trả 5% thuế giá trị gia tăng và 5% thuế thu nhập cá nhân trích trong tổng lợi nhuận cho thuê. Thêm vào đó, nếu ở quy mô chủ đầu tư của những bất động sản hạng sang với thu nhập trên 100 triệu VNĐ/năm cần phải trả thêm 1.000.000 VNĐ thuế môn bài.
Thuý An (Diễn đàn doanh nghiệp)
Theo cafeland.vn