Nguyên nhân chính gây thất thoát tài nguyên đất tại Quảng Nam: Buông lỏng quản lý
Mấy năm qua, thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhằm từng bước cơ giới hóa nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều dự án cải tạo đồng ruộng theo phương án xóa bỏ bờ vùng, bờ thửa, tạo mặt bằng... cho những cánh đồng lúa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương có dấu hiệu đã gây thất thoát tài nguyên quý giá này...
Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam có gần 100 dự án cải tạo đồng ruộng, với hàng trăm héc-ta đất trồng lúa được cải tạo theo hình thức “dồn điền, đổi thửa”, mô hình cánh đồng mẫu lớn nhằm thuận lợi trong việc tưới tiêu, cơ giới hóa nông nghiệp.
Xét về khía cạnh pháp lý, tất cả các dự án này đều đảm bảo tính pháp lý từ khâu lập, phê duyệt và thực hiện dự án. Bên cạnh một số địa phương thực hiện tốt đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm bớt nỗi khó nhọc của người nông dân... song cũng có một số địa phương buông lỏng quản lý, giao khoán cho đơn vị thi công gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân.
Có nhiều lý do dẫn đến việc người dân bức xúc. Trước hết là việc đơn vị thi công không thực hiện đúng quy trình được phê duyệt trong hồ sơ dự án. Cụ thể, theo quy định, đơn vị thi công phải tổ chức bóc tầng đất mặt với độ dày khoảng 30cm và số đất này dùng để phủ lại mặt ruộng khi đã thực hiện công đoạn hạ thấp cao trình. Việc giữ lại phần đất mặt này nhằm ổn định độ phì của đất và tránh việc người nông dân phải đầu tư nhiều công sức, phân bón cải tạo đất sau này.
Quy định là thế nhưng các đơn vị thi công thường cho xe múc khoét sâu một diện tích nào đó với mục đích tận thu nguồn đất sét, sau đó sử dụng phương tiện san bằng nên dẫn đến tình trạng mặt ruộng không bằng phẳng, nhiều chân ruộng bị đọng nước... không thể canh tác.
Theo ghi nhận, trong những năm qua tại nhiều địa phương như Thăng Bình, Đại Lộc... nhiều đơn vị thi công công trình cải tạo đồng ruộng bằng phương pháp đào sâu, lấy đất sét bán cho các lò gạch trong và ngoài khu vực đã bị người dân địa phương phản đối dữ dội trong thời gian qua và Báo Công an TP Đà Nẵng đã có bài phản ánh.
Tuy nhiên, sự việc trên tạm lắng một thời gian thì nay có dấu hiệu bùng phát trở lại tại thị xã Điện Bàn. Ngày 17-4-2018, có mặt tại các “đại công trình” cải tạo đồng ruộng tại các xã Điện Hòa, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Nam (TX Điện Bàn), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những gì đang diễn ra. Mỗi công trình có từ 3 đến 5 xe múc cùng hàng chục chiếc xe tải làm việc.
Ông Nguyễn Văn V., trú La Thọ, Điện Hòa, cho biết: Đoàn xe tải chở đất sét quá tải trọng đã “nghiền nát” con đường bê-tông liên xã, gây ô nhiễm môi trường và còn là nỗi kinh hoàng cho những người tham gia giao thông.
Nguyên nhân nào dẫn đến việc các đơn vị thi công vô tư tận thu đất sét, mang bán cho các lò gạch? Chúng tôi được ông Phan Minh Dũng- Phó Chủ tịch UBND TX Điện Bàn cho biết: Theo phân cấp, đây là những công trình thuộc cấp xã quản lý, chọn đơn vị đủ năng lực thi công. Tuy nhiên, do không tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ nên xảy ra tình trạng đơn vị thi công tắc trách, làm theo kiểu tận thu đất sét bán cho các lò gạch tuy-nen.
Ông Hà Phước Dũng- Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Nam cho biết: UBND xã thường xuyên tổ chức kiểm tra công trình song việc vận chuyển đất đã làm hư hỏng tuyến đường bê-tông dài hơn 300m tại thôn Phong Lục Đông. Tuy nhiên, số đất trên được vận chuyển đi đâu, bán giá bao nhiêu thì không được biết.
Sau cải tạo nhưng ruộng không thể trồng lúa, đành để cho cỏ mọc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những công ty được chọn thi công công trình cải tạo đồng ruộng tại Quảng Nam đa số đều là người thân quen với những cán bộ chủ chốt tại các địa phương, thậm chí, có nơi một số cán bộ còn “chung vốn”... làm ăn. Theo đánh giá của nhiều người, cải tạo đồng ruộng, kinh doanh đất sét là “ngành nghề” mới, lãi suất cao. Theo ước tính, mỗi công trình chỉ bỏ ra từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng nhưng thu lại hàng trăm ngàn m3 đất sét, với giá bán hiện tại cho những lò gạch tuy-nen tại TP Đà Nẵng là 150.000 đồng/m3, số tiền thu được quả là khổng lồ. Hiện tại ở TX Điện Bàn có 18 dự án cải tạo đồng ruộng thì số tiền có được từ việc bán đất sét là bao nhiêu và gây thất thoát bao nhiêu tiền của dân và ngân sách Nhà nước, chính quyền địa phương có biết...(?).
Theo chúng tôi, đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước hiện đại hóa ngành nông nghiệp và nâng cao sản lượng, chất lượng cho cây lúa. Thế nhưng, khi thực hiện dự án, cán bộ tại một số địa phương đã buông lỏng quản lý, không thực hiện công tác giám sát đã tạo kẽ hở cho những đơn vị thực hiện dự án chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng từ nguồn đất sét tận thu...
CADN
Theo cafeland.vn