Nguồn cung căn hộ hạng C giảm mạnh
- Trong báo cáo về thị trường bất động sản diễn ra sáng nay (5/10), DKRA Việt Nam cho biết không có dự án căn hộ hạng C nào được chào bán ra thị trường trong quý 3 vừa qua.
Cùng với sự sụt giảm về nguồn cung, vị trí phân bố căn hộ hạng C cũng đang có sự dịch chuyển ngày càng xa trung tâm thành phố.
Thống kê từ DKRA cho thấy, từ giữa năm 2017 đến nay, phân khúc căn hộ hạng C có sự sụt giảm mạnh và luôn bị áp đảo bởi căn hộ hạng A và B, thậm chí có những tháng không có nguồn cung mới. Theo định nghĩa của đơn vị này, căn hộ hạng C ở đây gồm những căn có giá dưới 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng)/m2.
Nếu như trong quý 1/2018, căn hộ hạng C chiếm 32% thì con số này giảm còn 29% và sang quý 3 thị trường không có nguồn cung căn hộ hạng C mới được chào bán. Tình hình khan hiếm căn hộ hạng C theo dự báo có thể kéo dài sang những tháng tiếp theo.
“Thị trường đang có biểu hiện bất hợp lý ở tỷ lệ nguồn cung giữa các phân hạng căn hộ. Trên thực tế, nguồn cung căn hộ hạng C phải chiếm tỷ trọng lớn hơn nguồn cung các phân khúc còn lại vì đây là phân khúc đáp ứng đa phần nhu cầu nhà ở của người mua”, DKRA nhận định.
Cùng với sự sụt giảm về nguồn cung, vị trí phân bố căn hộ hạng C cũng đang có sự dịch chuyển ngày càng xa trung tâm thành phố. Ở thời điểm 2016 – 2017, căn hộ hạng C có thể được tìm mua ở quận 8, quận 9 thì hiện tại các dự án thuộc phân khúc này đều tập trung ở một số khu vực thuộc quận, huyện ngoài thành như quận 12, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh.
Để khắc phục tình trạng lệch pha như hiện tại, doanh nghiệp này cho rằng, Nhà nước và các bộ, sở, ban ngành, cơ quan chức năng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ban hành, triển khai các chương trình nhà ở quốc gia mang tính dài hạn, quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ giữa các khu vực, hoàn thiện hệ thống giao thông…
Về phía chủ đầu tư, việc điều chỉnh giá sản phẩm về mức hợp lý và tăng cường các chính sách hỗ trợ khách hàng sẽ góp phần đưa căn hộ hạng C đến tay khách hàng, từ đó kết nối nguồn cung đáp ứng nhu cầu ở thật.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của DKRA, một số đơn vị tư vấn khác cho rằng thị trường đã có những chuyển biến theo hướng tích cực về tỷ lệ giữa các phân khúc, trong đó phân khúc hạng C dù có hạn chế song vẫn đang được cải thiện.
Thống kê của Savills, căn hộ hạng C chiếm lĩnh nguồn cung căn hộ toàn thị trường trong năm qua, trước nhu cầu nhà ở rất lớn tại TP.HCM. Nguồn cầu cho loại hình có giá bán xấp xỉ 900 USD (khoảng 20,7 triệu đồng)/m2 chủ yếu đến từ giới trẻ.
Trong quý 2/2018, Savills ghi nhận lượng giao dịch căn hộ có mức giá trên đạt hơn 2.000 căn, tăng 38% theo năm. Dù vậy, nguồn cung phân khúc này giảm 8% theo năm, thể hiện tình trạng nguồn cung chưa theo kịp nguồn cầu.
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam, cho biết trong quý 2/2018, thị trường ghi nhận khoảng 14.000 giao dịch, trong đó số lượng căn hộ hạng C chiếm phần lớn.
“Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phát triển và hy vọng”, ông Khương nhấn mạnh và bày tỏ sự lạc quan rằng trong ba năm tới, phân khúc căn hộ hạng C chiếm 60% thị phần nguồn cung tương lai. Trong khi đó, nguồn cầu vẫn sẽ được thúc đẩy với dự báo tăng trưởng dân số cao, quy mô hộ gia đình thu hẹp, tỷ lệ hộ nhà ở độc thân tăng mạnh, tích lũy của người dân tăng cao. Cán cân cung cầu sẽ khá cân bằng cho phân khúc nhà ở này.
Thị trường nhà ở tại TP.HCM hưởng lợi từ nguồn dân số dồi dào trên 8,3 triệu người vào 2017. Trong đó, cơ cấu dân số thế hệ Y (Millennials) chiếm khoảng 40% tổng dân số thành phố và có xu hướng sống độc lập ngày càng cao. Hơn thế, với vị trí đầu tầu kinh tế của đất nước, TP.HCM thu hút một lượng lớn người dân chuyển từ các tỉnh và thành phố lân cận là lao động trẻ có trình độ đến sống và làm việc. Đây là nhóm có nhu cầu nhà ở rất lớn.
Thanh Thịnh
Theo cafeland.vn