Người dân khó có thể làm thủ tục tách thửa
Quyết định 60/2017 của UBND TPHCM quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, nhưng đến nay qua hơn 1 năm, người dân vẫn khó có thể làm thủ tục tách thửa, vì văn bản hướng dẫn của các sở/ngành thiếu thực tế.
Hộ gia đình bế tắc
Thực tế có rất nhiều người dân có nhu cầu tách thửa đất để làm nhà, chia tài sản. Trước đây, khi thực hiện tách thửa theo Quyết định 33/2014, tại một số địa phương ở TPHCM, một số doanh nghiệp bất động sản và đầu nậu đã lợi dụng tách thửa để phân lô bán nền, kinh doanh bất động sản. Để khắc phục tình trạng này, Quyết định 60 đã được ban hành thay thế Quyết định 33. Tuy nhiên, việc làm thủ tục tách thửa theo Quyết định 60 bị nhiều trở ngại, nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn.
Ông Châu Anh Dũng (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9) phản ánh: “Gia đình tôi có khu đất ở rộng gần 1.000m2, muốn chia cho 3 người trong gia đình, nhưng 2 lần nộp hồ sơ vẫn chưa tách được vì những quy định không hợp lý. Lần đầu nộp hồ sơ giữa năm 2017, các đơn vị liên quan đã xuống kiểm tra thực tế nhưng không giải quyết vì lý do “theo Tài liệu 203, đường đi hiện hữu là bờ”.
Khu đất của gia đình ông Châu Anh Dũng không thể làm thủ tục tách làm 3, vì quy định không thực tế.
Năm 2018, khi Quyết định 60 có hiệu lực, gia đình tôi tiếp tục làm hồ sơ và đã được cán bộ tiếp nhận, đi kiểm tra thực tế, nhưng rồi lại bị từ chối giải quyết, vì “đường do người dân tự làm không có nghiệm thu, tiếp nhận”. Quy định mới là để hạn chế việc chia nhỏ đất, phân lô bán nền, nhưng cán bộ lại máy móc áp dụng đối với người dân tách thửa đất có diện tích lớn để chia tài sản”. Ông Nguyễn Hoàng Kha (cũng ở quận 9) có nhà đất nằm trong khu dân cư đông đúc, hàng năm gia đình ông nộp thuế sử dụng đất ở đầy đủ, nhưng khi ông Kha làm thủ tục tách thửa đất, lại không được giải quyết, vì lý do “đất không thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu”.
Hướng dẫn rối rắm
Nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc như vậy là do để thực thi Quyết định 60 thì cần phải có hướng dẫn chi tiết của các sở/ngành liên quan, nhưng các văn bản hướng dẫn khá rối rắm. Điều kiện đầu tiên để được tách thửa là đất phải nằm trong quy hoạch “khu dân cư hiện hữu”. Đây là điều kiện khó với nhiều người dân, vì thực tế hiện nay, nhiều khu dân cư đã ổn định nhưng trong quy hoạch tỷ lệ 1/2000 lại thể hiện “đất ở hiện hữu cải tạo”, “khu dân cư xây dựng mới”. Những loại đất này không có trong khái niệm của Luật Đất đai, mà do các đơn vị xây dựng quy hoạch tự “sáng tạo” ra. Vì thế, nhiều trường hợp sinh sống trong các khu dân cư ổn định lâu năm nhưng không đủ điều kiện để làm thủ tục tách thửa.
Để được tách thửa, khu đất phải có quy hoạch 1/500. Trên thực tế, quy hoạch 1/500 do Nhà nước thực hiện hoặc doanh nghiệp triển khai khi đầu tư xây dựng dự án bất động sản. Còn đối với hộ gia đình, yêu cầu này rất khó thực hiện, vì người dân chỉ có nhu cầu chia miếng đất thành vài ba phần, với diện tích chỉ vài trăm mét vuông, nên rất khó khi đầu tư xây dựng quy hoạch tỷ lệ 1/500.
Theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, khu đất chỉ được thực hiện các thủ tục tách thửa sau khi người sử dụng đất đã thực hiện hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật và được cơ quan chức năng nghiệm thu, tiếp nhận. Quy định này đang thực sự đánh đố với hộ gia đình. Như vậy, để được tách thửa, người dân phải đầu tư làm hạ tầng như điện, đường, thoát nước và được kết nối. Quy định này phù hợp đối với những dự án phân lô, đầu tư lớn, do doanh nghiệp đầu tư. Còn hộ gia đình, khi chia tách khu đất cho thành viên trong nhà, rất khó để lập dự án, xây dựng hệ thống hạ tầng, mà chỉ đấu nối đường đi, hệ thống thoát nước khi xây dựng nhà ở.
Quyết định 60 quy định về tách thửa ngắn gọn, cụ thể, nhưng các văn bản hướng dẫn của các sở/ngành chẳng những không làm rõ thêm mà càng rối và phức tạp hơn. Quy định mới không chặn được tình trạng phân lô bán nền mà đang làm khó đối với hộ gia đình có nhu cầu tách thửa thực sự.
Trần Yên (SGĐT)
Theo cafeland.vn