Ngưng dùng quỹ đất thanh toán dự án BT
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định việc áp dụng hình thức đầu tư BT hiện nay làm cho đô thị phát triển méo mó, tạo ra xung đột lớn giữa người dân và chủ đầu tư trong thu hồi đất
Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Ngổn ngang dự án
Theo Bộ Tài chính, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công từ ngày 1-1-2018, không áp dụng Quyết định số 23/2015 của Thủ tướng quy định cơ chế nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT.
Từ năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT nhưng đến nay nghị định đó chưa được ban hành. Để xử lý các vấn đề chuyển tiếp trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết chưa được ký ban hành, Bộ Tài chính đã có đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi nghị định trên có hiệu lực thi hành.
Dự án BT đường bao quanh Khu Tưởng niệm Chu Văn An từng bị kết luận "đội vốn"
Theo ghi nhận của phóng viên, một số dự án BT ở Hà Nội đang thi công rất ì ạch. Trong khi đó, quỹ đất đối ứng TP giao cho các chủ đầu tư thì đã được thi công các dự án bất động sản. Điển hình như dự án đường bao quanh Khu Tưởng niệm Chu Văn An, với tuyến đường chính dài 2,5 km và một tuyến đường phụ dài hơn 1,1 km được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2011, giao Công ty CP Bitexco làm chủ đầu tư theo hình thức BT. Trong khi công trình còn ngổn ngang chưa hẹn ngày về đích thì Bitexco đã sử dụng quỹ đất được giao rầm rộ xây dựng biệt thự liền kề bán ra thị trường. Kiểm toán Nhà nước cũng đã kết luận nhà đầu tư xác định tổng vốn đầu tư trong phương án tài chính chưa hợp lý, một số chi phí lập cao so với thực tế và quy định… với tổng mức đầu tư tạm tính không có căn cứ khoảng 36,7 tỉ đồng.
Hàng loạt khuyết điểm, sai phạm trong quá trình thực hiện các dự án BT tại Hà Nội đã từng được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ. Tại thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT nhưng chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại là chỉ định thầu. Do sai phạm trong quá trình thẩm định năng lực nhà đầu tư nên hầu hết các dự án đều chậm tiến độ do năng lực tài chính hoặc bố trí vốn chủ sở hữu cho dự án, không bảo đảm tiến độ giải ngân như cam kết...
Phát triển méo mó
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng cơ chế thanh toán bằng quỹ đất không qua đấu thầu khiến nhà đầu tư có nhiều cơ hội khai thác tối đa lợi nhuận từ nhiều phía, trong khi hiện hữu nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước.
TS kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ ra kẽ hở lớn nhất hiện nay là hầu hết dự án BT đều chỉ định thầu, chủ đầu tư được giành quyền chủ động từ xác định tổng mức đầu tư, thực hiện và quyết toán dự án. Bên cạnh đó, việc giám sát chất lượng công trình BT khá lỏng lẻo, thường khoán trắng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp theo hợp đồng.
Từ thực tế thực hiện các dự án BT, ông Phong cho biết quỹ đất đối ứng và giá trị tiền sử dụng đất chỉ được xác định sau khi dự án BT hoàn thành và bàn giao. Tuy nhiên hiện nay, tiền sử dụng đất đã được tạm tính ngay tại thời điểm ký hợp đồng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong dự án BT thực hiện song song cả hai dự án BT và dự án đối ứng. "Việc thẩm định giá đất và xác định tiền sử dụng đất của chủ dự án BT phải nộp không quy về cùng thời điểm khiến giá trị quyết toán dự án BT khó chính xác và nhà nước đã bị thất thoát nguồn lực không nhỏ về đất đai" - ông Phong nói.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây cũng nhận định việc áp dụng hình thức đầu tư BT hiện nay làm cho đô thị phát triển méo mó, tạo ra xung đột lớn giữa người dân và chủ đầu tư trong thu hồi đất. Theo Phó Thủ tướng, đô thị Việt Nam chưa gắn với phát triển công nghiệp mà chỉ theo quy hoạch dân cư.
TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đánh giá lỗ hổng trong các dự án BT hiện nay là thiếu công khai, minh bạch và cơ sở định giá đất lấy hạ tầng cũng chưa rõ ràng. Việc lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết là chỉ định thầu nên dư luận hoài nghi về lợi ích nhóm hoàn toàn có cơ sở.
Hà Nội tiếp tục chỉ định thầu 5 dự án BT Mới đây, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ định thầu 5 dự án BT, thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư. Giải thích về việc chỉ định thầu trong khi Nghị định 63 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư có hiệu lực từ tháng 6-2018 lại không cho phép chỉ định thầu đối với các dự án BT, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết các dự án đã được triển khai trong một quá trình dài và khẳng định TP thực hiện đúng theo quy định tại thời điểm đó. |
Minh Chiến (Người lao động)
Theo cafeland.vn