Ngân hàng loại Yên Khánh khỏi BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
Công ty CP BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng và Bộ GTVT chấp thuận cho nhà đầu tư mới thay thế Công ty Yên Khánh tham gia góp cổ phần, để tháo gỡ những khó khăn, chậm tiến độ dự án đang gặp phải.
Cao tốc Trù Lương - Mỹ Thuận ỳ ạch thi công sau nhiều vướng mắc, nay lại vướng Công ty Yên Khánh gặp lùm xung.
Ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, sau thời gian dài đàm phán, tháng 6/2018, hợp đồng tín dụng trị giá 6.850 tỷ đồng được ký với 4 ngân hàng: Vietinbank, BIDV, VP Bank và Agribank.
Trong 20 điều kiện vay vốn, có 6 điều kiện phải được Bộ GTVT và Thủ tướng chấp thuận. Đặc biệt, theo ông Dũng, hiện Công ty TNHH Yên Khánh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà đầu tư khác tham gia dự án. Các ngân yêu cầu phải thay thế Yên Khánh mới giải ngân vốn.
“Các vướng mắc trên nằm ngoài tầm xử lý của chúng tôi, nên nguồn tín dụng cho dự án tới nay vẫn tắc”, ông Dũng nói.
Ngoài ra, hợp đồng dự án chỉ được áp dụng mức lãi suất vay vốn 7,82%/năm. Trong khi, các ngân hàng chỉ ký hợp đồng với lãi suất 10,8%/năm. Cùng đó, việc nhà nước dùng quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương để góp vốn vào dự án cũng vướng quy định của Luật công sản.
Do nhiều vướng mắc trên, nên tiến độ dự án cũng nguy cơ tiếp tục chậm. Hiện dự án mới thi công được 19/21 gói thầu xây lắp, còn lại 2 gói thầu vướng mặt bằng chưa thể triển khai.
Theo ông Dũng, để tăng cường năng lực quản trị, điều hành và thực hiện dự án, doanh nghiệp dự kiến mời Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành dự án. Đồng thời, kiến nghị Bộ GTVT cho phép Tập đoàn Đèo Cả mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty Yên Khánh trong liên danh đầu tư.
Doanh nghiệp dự án cũng kiến nghị Thủ tướng cho chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án này từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang.
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, sau khi Cty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đề xuất, hai bên đã đạt những thoả thuận sơ bộ. Theo đó, Đèo Cả sẽ tham gia đầu tư khi được cấp thẩm quyền chấp thuận. Trước mắt, Đèo Cả sẽ cử người điều hành dự án, tính toán lại phương án tài chính, kiểm toán dự án…
Ông Thế tự tin sẽ ‘giải cứu’ được dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, từ kinh nghiệm từng giải cứu Dự án cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn). Cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng cũng từng rơi vào tình thế tương tự cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Nhưng khi Đèo Cả tham gia, hiện đã hoàn thành 90% khối lượng, sẽ xong trong năm 2019.
10 năm số phận cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
- Tháng 5/2008: Công ty CP Phát triển đường cao tốc BIDV ra đời để triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
- Tháng 11/2009, khởi công dự án lần 1.
- Tháng 2/2012, Thủ tướng giao Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do BIDV rút lui.
- Tháng 2/2015, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khởi động lần 2, với mục tiêu hoàn thành vào năm 2018, với liên danh 6 đầu tư gồm: Công ty Tuấn Lộc (30%), Công ty Yên Khánh (30%), Công ty BMT (10%), Công ty Thắng Lợi (10%), Công ty Hoàng An (10%), Công ty cầu đường CII (10%).
- Tháng 6/2017, dự án giảm vốn đầu tư còn 9.668 tỷ đồng, tiến độ lùi tới Quý 2/2020.
- Tháng 8/2018, Bộ GTVT chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến 31/12/2020.
Lê Hữu Việt (Tiền Phong)
Theo cafeland.vn