Năm 2018, chao đảo trong cơn sốt đất nền
– Năm 2018 là một năm có nhiều biến động ở phân khúc đất nền. Từ những cơn sốt cục bộ khắp cả nước đến những chiêu trò, lừa đảo khách hàng của các công ty môi giới địa ốc thiếu chuyên nghiệp.
Từ những cơn “sóng đất”
Thị trường bất động sản đầu năm 2018 đã chứng kiến nhiều khu vực sốt nóng cục bộ. Đầu tiên phải kể đến những cơn sóng đất diễn ra tại 3 khu vực dự kiến sẽ trở thành đặc khu trong tương lai gồm Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) và Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). Giới đầu tư mà chủ yếu là những người đầu cơ lướt sóng đổ dồn về những khu vực này đã khiến giá đất tăng chóng mặt. Không những vậy, làn sóng này còn gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, phá vỡ quy hoạch đất đai thuộc các địa phương trên.
Mặc dù sau đó, Quốc hội đã có quyết định hoãn thông qua luật đặc khu nhưng “sóng ngầm” sốt đất vẫn âm ỉ tại các địa phương này. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của cơn sốt đất ảo, chính quyền địa phương từ Kiên Giang, Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã ban hành quy định cấm tách thửa, chuyển nhượng đất đai ở những khu vực dự kiến lên đặc khu trong một thời gian dài.
Cũng trong năm 2018, bên cạnh cơn sốt đất đặc khu là tình trạng giá đất nền tăng bất thường tại một loạt các tỉnh thuộc vùng biển miền Trung như Phú Yên, Đà Nẵng, Bình Thuận…
Tại TP.HCM, lợi dụng những thông tin chưa rõ ràng về các dự án hạ tầng trọng điểm như sân bay Long Thành hay cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ mà giới cò đất, đầu cơ cũng khiến cơn sốt đất lan rộng từ các quận 9, quận 2, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn và xuống tận Cần Giờ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho biết ngoài việc giá đất ở những khu vực có hạ tầng được đầu tư bài bản tăng một cách hợp lý thì những cơn sốt đất còn lại trong thời gian qua đều là sốt ảo. Thủ phạm chính là những người cò đất, giới đầu cơ lướt sóng tung tin đồn, thổi giá nhằm hưởng lợi cá nhân.
… đến những công ty chụp giật
Trong năm 2018, cùng với cơn sốt đất nền là những lùm xùm, tai tiếng đến từ cách làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo khách hàng của nhiều công ty, doanh nghiệp môi giới bất động sản.
Trong đó, cái tên Công ty cổ phần địa ốc Alibaba xuất hiện với mật đồ dày đặc trên phương tiện truyền thông báo chí vì cách bán hàng “mập mờ” tại nhiều dự án đất nền ở Đồng Nai và TP.HCM.
Tại Đồng Nai, UBND huyện Long Thành cho biết, qua kiểm tra, rà soát, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã liên kết với Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp (xã Long Phước, huyện Long Thành) để thực hiện bán khống những dự án không có thật trên địa bàn huyện. Hai công ty nói trên đã bắt tay nhau bán đất nền ở 21 dự án khác nhau trên địa bàn các xã Phước Bình, Long Phước, An Phước thông qua các trang mạng điện tử về bất động sản và mạng xã hội.
Những vị trí mà hai công ty này rao bán phần lớn đều là đất quy hoạch sản xuất nông nghiệp, làm giao thông.
UBND huyện Long Thành sau đó đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo cơ quan điều tra, xác minh giao dịch, mua bán đất nền của hai công ty nói trên để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Tại TP.HCM, Alibaba cũng từng bị phản ánh khi tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII - 3.
Công ty Việt Hưng Phát và Công ty Kim Phát cũng là hai cái tên bị khách hàng tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng khi phân phối đất nền tại Đồng Nai. Theo cơ quan điều tra của Công an Đồng Nai, Công ty Việt Hưng Phát và Công ty Kim Phát chủ yếu nhận sang nhượng một phần các dự án từ nhiều công ty bất động sản ở Đồng Nai và TP.HCM.
Sau đó, họ tổ chức quảng bá, môi giới, tư vấn, tiếp thị... các dự án này với nhiều ưu đãi hấp dẫn. Khi khách hàng đồng ý mua đất nền, họ ký kết các dạng “hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất”… Nội dung các hợp đồng thường trái với nội dung hợp đồng môi giới mà hai công ty đã ký với các chủ đầu tư. Sau đó họ thu tiền và không giao đất, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Không riêng gì tại tỉnh Đồng Nai, tình trạng các công ty môi giới đất nền “qua mặt” với khách diễn ra phổ biến thời gian qua tại các tỉnh như Long An, Bình Dương, Bình Phước.
Trong năm 2018, CafeLand nhận được phản ánh của nhiều khách hàng về những bất cập liên quan đến các đơn vị môi giới như Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh bất động sản Uniland, Công ty Nam Long Real…
Những khách hàng này cho biết, họ đều bị lừa bởi một kịch bản tương tự nhau. Cụ thể, ban đầu khách hàng có nhu cầu mua đất tại khu vực TP.HCM. Sau đó, họ liên hệ với nhân viên tư vấn của các đơn vị trên và được hẹn đưa đi xem đất tại đúng vị trí mình mong muốn. Tuy nhiên, khi tập trung khách hàng lên xe thì những công ty môi giới này lại chở người mua xuống tận Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Long An để mua những dự án hoàn toàn khác.
Bằng nhiều cách khác nhau, công ty môi giới lôi kéo khách hàng đặt cọc giữ chỗ, đóng tiền. Tuy nhiên, nhiều khách hàng sau đó phát hiện dự án có nhiều bất cập muốn đòi lại tiền thì bị những công ty này làm khó, thậm chí không trả.
Trần Phong
Theo cafeland.vn