M&A bất động sản: Ta đang nhiệt tình hơn Tây
– Doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng nhanh, kéo theo đó là nhu cầu vốn lớn góp phần làm cho làn sóng M&A bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian qua, xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong cả năm 2018.
Bùng nổ giao dịch
Sau nhiều lần bắt tay với các nhà đầu tư Nhật, mới đây Tập đoàn Nam Long tiếp tục hợp tác với hai nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad để phát triển dự án Akari City có diện tích 8,5ha quận Bình Tân.
Theo thỏa thuận, Nam Long sẽ góp 50% trên toàn bộ chi phí đầu tư và phát triển của dự án Akari City. Theo đại diện Nam Long, đây là khu đất mà doanh nghiệp đã mua lại từ Công ty Hoàng Nam từ 3 năm trước.
Akari City là một trong những dự án trọng điểm của Nam Long trong giai đoạn phát triển 3-5 năm tới với tổng vốn đầu tư khoảng 7.676 tỷ đồng, gồm 4.600 căn hộ.
Trước đó, một tập đoàn bất động sản lớn trong nước đã mua lại 97,7% vốn góp Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam từ các đối tác Malaysia với tổng giá phí chuyển nhượng là 11.748 tỷ đồng. Berjaya là đơn vị sở hữu dự án Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) tại huyện Tân Thới Nhì huyện Hóc Môn thuộc quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc TP HCM. Berjaya được UBND TP.HCM trao giấy chứng nhận đầu tư dự án từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư dự kiến theo chủ đầu tư này công bố lúc đó khoảng 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được triển khai.
Ở một thương vụ khác, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân Mai Sài Gòn (thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Xuân Mai) vừa nhận chuyển nhượng dự án khu dân Tân Thuận Tây, phường Tân Thuận và Bình Thuận tại quận 7, TP.HCM (ngoại trừ các khu tái định cư).
Trước đó vào đầu năm, Công ty cổ phần địa ốc Phú Long (thành viên của Tập đoàn Sovico) đã mua lại 50% cổ phần của dự án Splendora và thay chỗ nhà đầu tư Hàn Quốc Posco E&C tại liên doanh này. Đây là khu đô thị rộng 265ha nằm trên trục đường cao tốc Láng – Hòa Lạc với quy hoạch 6.440 căn hộ chung cư và 1.311 biệt thự, nhà liền kề.
Giới trong ngành kỳ vọng 2018 sẽ là năm kỷ lục về các hoạt động M&A trên thị trường. Ảnh: Trần Phong
Sự trỗi dậy của khối nội
Các chuyên gia dự đoán trong các quý tiếp theo, nhu cầu tìm kiếm cơ hội của các nhà đầu tư ở thị trường bất động sản Việt Nam sẽ ngày càng tăng.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc bộ phận Thị trường Vốn tại JLL cho biết, hoạt động M&A của Việt Nam vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng từ năm 2014 đến nay. “Khi thị trường bất động sản ở giai đoạn đỉnh cao vào năm 2007 và năm 2008 có dấu hiệu khủng hoảng thì giao dịch M&A hầu như rất khan hiếm dù có rất nhiều dự án muốn chào bán và tìm đối tác. Nhưng bắt đầu từ năm 2014-2016 xuất hiện xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài quan sát, chú ý đến các dự án bất động sản trên thị trường Việt Nam và dòng chảy vốn đầu tư tập trung rất nhiều, trong đó nổi bật nhất vẫn là các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore”, bà Khanh nói.
Cũng theo bà Khanh, ở lĩnh vực bất động sản nhà ở, không chỉ những nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực tìm kiếm đối tác để hợp tác cùng phát triển mà các nhà đầu tư lớn trong nước cũng đang rất muốn mở rộng thêm quỹ đất của mình. Với sự năng độn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, JLL kỳ vọng 2018 sẽ là năm kỷ lục về các hoạt động M&A trên thị trường.
Nhìn tổng quan các thương vụ M&A trên thị trường thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhận định, các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục khẳng định vai trò thống lĩnh thị trường bất động sản, kể cả trong thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án.
Cùng quan điểm này, CBRE cho rằng, trước đây các nhà đầu tư Việt Nam chủ yếu hoạt động tích cực trên thị trường Việt Nam với vai trò người bán, trong khi đó các nhà đầu tư nước ngoài lại tìm kiếm các cơ hội để mua. Tuy nhiên, trong năm 2017 nhà đầu tư trong nước chiếm lĩnh thị trường mua, dẫn đến sự cạnh tranh giữa hai khối nhà đầu tư trong khi số lượng các tài sản là hữu hạn, đặc biệt là các tài sản có khả năng sinh lời. Tình trạng này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018 khi mà những người mua trong nước có thể tận dụng hiểu biết của mình về thị trường Việt Nam để rút ngắn quá trình hoàn thành giao dịch.
Đơn vị này cũng cho biết thêm rằng, sự thiếu hụt về nguồn cung sẽ khuyến khích các nhà đầu tư bắt tay hợp tác với các tập đoàn trong nước để đầu tư xây dựng dự án. Đồng thời các quỹ đầu tư bất động sản cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm mua lại cổ phần của các chủ đầu tư lớn trong nước.
Diệu Trang
Theo cafeland.vn