Lý giải chuyện chưa từng có: Xin trả lại vốn đầu tư công
Hiện tượng sợ trách nhiệm trong việc giải ngân đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh trước thềm Đại hội Đảng...
Bộ GTVT có nhiều biện pháp quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn)
Liên quan tới câu chuyện một số đơn vị xin trả lại vốn đầu tư công đã được phân bổ cho năm 2020, có lẽ ai cũng biết một nguyên nhân nhưng không ai dám nói thẳng.
Đó là hiện tượng sợ trách nhiệm trong việc giải ngân đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh trước thềm Đại hội Đảng.
Dự án đầu tư bằng tiền ngân sách hiện đang không chỉ chịu chi phối bởi Luật Đầu tư công mà còn cả Luật Đầu tư, Đất đai, Xây dựng… Trong đó, một số quy định đang bị chồng lấn, thậm chí vênh nhau. Nhiều nội dung bất cập đã được kiến nghị nhưng vẫn phải chờ sửa luật…
Những khúc mắc pháp lý dẫn tới thực trạng người nắm giữ trách nhiệm tại các cấp ngần ngại khi đưa ra quyết định vì nghĩ “không phải đầu cũng phải tai”. Trong khi cấp thực thi ở dưới né tránh, đùn đẩy lòng vòng, ngang dọc thì người ở trên cũng không thể làm gì được.
Đặc biệt, theo quy định của Luật Đầu tư công có hiệu lực từ đầu năm nay thì việc xin vốn càng nhiều càng tốt sẽ phản tác dụng nếu như không sử dụng hết. Các bộ, ngành địa phương sẽ không được giữ lại số tiền chưa tiêu hết mà sẽ bị khấu trừ vào kế hoạch vốn năm sau. Điều đó có thể lý giải được vì sao một số bộ ngành xin trả lại vốn đã được phân bổ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân 6 tháng đầu năm là gần 160.000 tỷ đồng, đạt 33,9% kế hoạch. Mặc dù các cấp, các ngành và địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, song tỉ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu.
Từ đầu năm đến nay, tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc đi nhắc lại yêu cầu đối với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải nỗ lực phấn đấu, quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020.
Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan.
Gần nhất, tại phiên họp trực tuyến với các địa phương vào ngày 16/7, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải “sốt ruột” khi tiến độ giải ngân vốn vẫn ì ạch. Đồng thời, ông nhấn mạnh sẽ có chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu tình trạng “có tiền không tiêu được” tiếp tục tái diễn.
Mới đây nhất, Thủ tướng cũng đã ký quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm Trưởng đoàn.
Trực tiếp làm việc với tỉnh Bình Thuận vừa qua, Thủ tướng biểu dương Bình Thuận vì địa phương cam kết sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư công, đồng thời cho rằng các địa phương khác phải học tập Bình Thuận, “chứ không phải cứ bàn lùi”.
Có thể nói, dù gặp một số khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện, song chắc chắn đó không phải là nguyên nhân chính làm cho giải ngân vốn đầu tư công chậm so với kế hoạch.
Nói như Thủ tướng: “Các đồng chí phải sờ gáy những người làm trực tiếp thì người ta mới lo làm việc, chứ chỉ nói chung chung thì khó có thể nêu cao tinh thần trách nhiệm. Động viên là cần thiết, nhưng phải quy trách nhiệm rõ ràng người đứng đầu, cán bộ trực tiếp thì mới hy vọng có sự chuyển biến tình hình”.
Đinh Tuấn Minh (GT)
Theo cafeland.vn