Lùm xùm đấu thầu tại BV Nhi đồng TPHCM: Phơi lộ nhiều sai phạm
Từ việc tư vấn, đánh giá hồ sơ mời thầu không đúng như ban đầu đã kéo theo hàng loạt sai phạm trong tư vấn thẩm định giá trang thiết bị y tế…Đó là những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa chỉ ra sau khi thanh tra dự án BV Nhi đồng TPHCM.
Dự án Bệnh viện Nhi đồng TPHCM vừa bị Thanh tra Chính phủ kết luận với nhiều sai phạm
Để triển khai dự án BV Nhi đồng TPHCM, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án (QLDA) các công trình y tế, thuộc Sở Y tế TPHCM đã ký hợp đồng với liên danh Trung tâm hỗ trợ đấu thầu của Cục Quản lý đấu thầu và Công ty liên doanh TNHH tư vấn y tế Mediconsult VN (gọi tắt là liên danh Mediconsult VN).
Liên danh này có chức năng tổ chức đấu thầu rộng rãi trước một số gói thầu không phân chia phần. Thế nhưng, từ lúc mở hồ sơ mời thầu đến khi đấu thầu và hoàn thiện hàng loạt khiếu nại đã xảy ra tại đây.
Sai từ trong… trứng nước
Sau khi ký hợp đồng với liên danh Mediconsult VN, Ban QLDA đã giao liên danh này lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu.
Tuy nhiên, theo kết luận củaTTCP, liên danh trên đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà thầu Công ty CP tư vấn và thẩm định giá Đông Nam Á của gói thầu tư vấn thẩm định trang thiết bị y tế đã không phát hiện được năng lực kinh nghiệm, năng lực kinh nghiệm thẩm định viên về giá. Nhà thầu này không đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định hồ sơ yêu cầu…
Đó là nguyên nhân khiến nhiều thiết bị y tế trúng thầu không thuộc nhóm các nước G7. Điều đáng nói là trước khi thực hiện mời thầu, trong các công văn gửi chủ đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhắc lại yêu cầu bắt buộc gói trang thiết bị đấu thầu vào bệnh viện phải có xuất xứ từ nhóm các nước G7.
Theo lãnh đạo UBND TPHCM việc dùng thiết bị G7 là rất quan trọng, bởi trang thiết bị y tế phải đảm bảo tốt và chuẩn theo quy định.
Chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn đấu thầu cũng được chỉ ra có nhiều sai phạm trong đấu thầu trang thiết bị y tế
Chỉ đạo là vậy, song nhiều tiêu chuẩn đã bị chủ đầu tư loại một cách khó hiểu. Theo kết luận củaTTCP, tiêu chuẩn G7 là tiêu chuẩn của các nước gồm các nước: Pháp, Ý, Đức, Nhật, Anh, Mỹ và Canada. Trong khi tiêu chuẩn CE của châu Âu và FDA của Mỹ đã bị loại khỏi hồ sơ mời thầu.
Kết luận thanh tra chỉ rõ việc lập, phê duyệt, yêu cầu kỹ thuật tại hồ sơ mời thầu cấu hình chi tiết của trang thiết bị có một số tiêu chuẩn quản lý chất lượng y tế như CE, FDA, ISO 13485... chưa được nêu tại yêu cầu kỹ thuật của một số danh mục trang thiết bị, không có thuyết minh.
“Đây là lý do dẫn đến qua đấu thầu, nhiều đơn vị cung cấp hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, VN và một số nước châu Á… trúng thầu hơn 32 % tổng thiết bị gói thầu”- kết luận chỉ ra.
Bên cạnh đó, kết luận của TTCP cũng nêu, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn là liên danh Mediconsult VN quy định tính chất hợp đồng tương tự là “hợp đồng cung cấp và lắp đặt thiết bị y tế” chung cho cả gói thầu mà không quy định hợp đồng tương tự riêng từng phần theo đặc tính kỹ thuật và tính năng sử dụng.
Điều này dẫn đến khả năng chọn nhà thầu chưa có kinh nghiệm và có thể dẫn đến chậm tiến độ. Một số tiêu chí về tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật còn mang tính tương đối, đánh giá chưa phù hợp.
Dẫn chứng cho thấy, có 266/361 thiết bị y tế, chiếm 74% hàng hóa nhập khẩu trong hồ sơ dự thầu không có giấy phép bán hàng của nhà sản xuất, mà chỉ có giấy ủy quyền của nhà phân phối.
Vậy nhưng, tổ chuyên gia không xem xét vấn đề này. Điều đáng nói là có 19/24 gói thầu có danh sách nhân sự tham gia không đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu, nhân sự tham gia gói thầu không phải là nhân sự của nhà thầu.
Cái sẩy nảy cái ung
Từ việc tư vấn, đánh giá hồ sơ mời thầu có nhiều sai sót như kết luận nêu trên đã kéo theo nhiều sai phạm trong tư vấn thẩm định giá trang thiết bị y tế. Theo kết luận củaTTCP, Công ty CP tư vấn và thẩm định giá Đông Nam Á được chủ đầu tư chỉ định thầu tư vấn thẩm định giá trang thiết bị y tế.
Thế nhưng, sau khi thực hiện 3 đợt phát hành chứng thư thẩm định giá và bàn giao cho Ban QLDA đã bị chậm so với yêu cầu hợp đồng là gần 3 năm.
Điều đáng nói, trên cơ sở cấu hình trang thiết bị y tế do chủ đầu tư cung cấp, Công ty CP tư vấn và thẩm định giá Đông Nam Á chỉ thẩm định giá bằng cách so sánh giá trực tiếp dựa trên báo giá của các đơn vị kinh doanh trang thiết bị. Kết quả kiểm tra cho thấy, các công ty chưa cung cấp đầy đủ giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất.
Ngoài ra, Công ty CP tư vấn và thẩm định giá Đông Nam Á đã sử dụng các báo giá thiết bị y tế, trong đó có một số cùng cấu hình, model, xuất xứ để làm cơ sở so sánh và xác định “giá thị trường” của hàng hóa là không đáp ứng yêu cầu về một giao dịch khách quan, độc lập, đầy đủ thông tin.
Kết luận thanh tra nêu rõ, đơn vị này chưa cung cấp đầy đủ tài liệu chứng minh thông tin thu thập đảm bảo khách quan đúng theo thực tế các giao dịch tài sản và dựa trên bằng chứng cụ thể để chứng minh về mức giá của tài sản đã giao dịch thành công trên thị trường theo tiêu chuẩn thẩm định giá VN.
“Việc thẩm định giá của Công ty CP tư vấn và thẩm định giá Đông Nam Á nêu trên dẫn đến thẩm định giá chưa sát với giá thị trường, là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá gói thầu trang thiết bị y tế cao hơn giá…. nhập khẩu”- kết luận của TTCP nêu.
TheoTTCP, căn cứ vào ý kiến thẩm định cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị của Bộ Y tế, chứng thư thẩm định giá của Công ty CP tư vấn và thẩm định giá Đông Nam Á, Sở Y tế thành phố đã trình UBND TPHCM phê duyệt cấu hình, tính năng kỹ thuật, dự toán….
Thực tế này dẫn đến giá thẩm định giá chưa sát và cho thấy, công tác quản lý dự án chưa chặt chẽ, là một trong những nguyên nhân dẫn đến gói thầu trang thiết bị y tế cao so với giá trị nhập khẩu của thiết bị.
Hậu quả nhãn tiền
Dù đưa vào hoạt động gần 1 năm nay, Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết, hiện một số trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhi.
Trong đó phải kể đến là máy đo pH thực quản 24 giờ, máy trở kháng cho trẻ em, máy siêu âm tim 3D, tấm thu kỹ thuật số cỡ nhỏ của máy X-quang kỹ thuật số di động, máy X-quang quanh chop. Ngoài ra, có 9 danh mục thiết bị được cung cấp chưa đưa vào sử dụng được do lập cấu hình chưa phù hợp với bệnh nhi.
Theo kết luận củaTTCP, Bộ Y tế có văn bản giao Sở Y tế TPHCM tổ chức thẩm định cấu hình, chi tiết kỹ thuật có giá dự toán dưới 1 tỷ đồng đối với 368 danh mục thiết bị, trong khi chưa có căn cứ pháp lý để giao là chưa thực hiện hết nhiệm vụ quy định tại khoản 2, điều 2 Quyết định 125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, chủ đầu tư loại bỏ một số tiêu chuẩn kỹ thuật còn thiếu căn cứ, thiếu thuyết minh như loại bỏ tiêu chuẩn ISO 13485 - tiêu chuẩn quản lý đối với nhà sản xuất thiết bị y tế đối với gói thầu thiết bị chống nhiễm khuẩn dẫn đến yêu cầu kỹ thuật của gói thầu thấp; nhiều thiết bị trúng thầu do doanh nghiệp trong nước sản xuất chất lượng thấp, phát sinh lỗi và trục trặc trong quá trình sử dụng.
Làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân TTCP chỉ ra trách nhiệm trong xây dựng công trình, đấu thầu, mua sắm tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM thuộc về Bộ Y tế, UBND TPHCM, Sở Y tế, Ban QLDA và các nhà thầu tư vấn, thiết kế, thi công, cung cấp trang thiết bị y tế. TTCP đề nghị các đơn vị trên kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, tập thể, cá nhân theo kết luận. Tháng 10/2016, báo Tiền Phong có loạt bài nói về lùm xùm đấu thầu tại BV Nhi đồng TPHCM. Tiền Phong đã chỉ ra nhiều dấu hiệu bất thường của chủ đầu tư cũng như liên danh Mediconsult VN trong tư vấn đấu thầu gói thầu trang thiết bị y tế. Sau khi báo đăng và ngay cả mới đây, Công ty Mediconsult VN gửi đơn đến báo Tiền Phong cho rằng, bài báo nêu không đúng sự thật. Tuy nhiên, sau đó TTCP đã vào cuộc thanh tra toàn diện dự án xây dựng BV nhi đồng TPHCM. |
Lê Nguyễn (Tiền Phong)
Theo cafeland.vn