Lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch để lại hệ lụy lớn
Chính vì điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, thậm chí có lợi ích nhóm, đã dẫn tới hệ lụy lớn, mà khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) là một ví dụ, đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ảnh: Hoàng Nam
Sáng nay 1-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch.
Tuổi Trẻ Online trao đổi với đại biểu Đỗ Văn Sinh - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội - trước thềm phiên thảo luận này.
Vẫn lo điều chỉnh quy hoạch tùy tiện
Một trong những băn khoăn của đại biểu Đỗ Văn Sinh là vấn đề điều chỉnh quy hoạch chưa được quy định rõ ràng.
"Hiện chưa có tiêu chí nào để xác định khi nào thì được điều chỉnh quy hoạch mà chỉ ghi là "ảnh hưởng không lớn". Cái này rất khó xác định", ông Sinh nói.
Theo ông, chính vì quy định chưa rõ ràng mà từng xảy ra sự tùy tiện, thậm chí là lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch, dẫn tới hệ lụy lớn.
Đơn cử là do không có tầm nhìn quy hoạch dài hạn nên đường vành đai 1 từ Kim Liên đến Hoàng Cầu mới (quận Đống Đa, Hà Nội) mới trở thành đường "đắt nhất hành tinh", và khả năng khi con đường này nối dài đến Cầu Giấy cũng sẽ không kém phần đắt đỏ.
Phải bỏ 3/4 tiền đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng chính là vì quy hoạch không có tầm nhìn.
Tương tự, đất để lại sau khi khu triển lãm Giảng Võ chuyển ra ngoại thành từng được cho phép xây nhà 50 tầng, chắc chắn hệ quả là mật độ dân số tăng lên, hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học không thể đáp ứng. Rất may Thủ tướng đã có chỉ đạo xem xét điều chỉnh kịp thời.
Thời sự hơn cả là các câu chuyện ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM), cũng vì từ quy hoạch, xác định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đến công bố quy hoạch đều không tốt...
"Trong dự thảo mới nhất của dự án sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến Luật Quy hoạch do Chính phủ trình còn thiếu nội dung này, tôi đề nghị phải sửa", đại biểu Đỗ Văn Sinh kiến nghị.
Bức xúc ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) cũng vì từ quy hoạch, xác định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đến công bố quy hoạch đều không tốt... - Ảnh: H.Khoa
Chồng chéo
Tiếp tục phân tích, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết trong 13 luật liên quan đến Luật Quy hoạch thì có Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị đang có những vấn đề chồng chéo và chưa rõ ràng.
Cụ thể, trong phần sửa đổi Luật Xây dựng có quy định quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch xây dựng tỉnh, vùng liên huyện và huyện. Trong khi đó, Luật Quy hoạch đã quy định toàn bộ vấn đề này.
Trong Luật Quy hoạch cũng đã có hết các quy định chi tiết của các ngành kỹ thuật, trong đó xây dựng chỉ là một trong 38 ngành đó. Nhưng Luật Xây dựng lại quy định một lần nữa.
"Sự chồng lấn này là không quán triệt nguyên tắc trong Luật Quy hoạch", đại biểu Đỗ Văn Sinh nói.
"Theo tôi Luật Xây dựng chỉ nên đi vào quy hoạch chi tiết các công trình xây dựng, chứ không nên chồng lấn sang quy hoạch khác. Thời gian qua vì thấy sự chồng chéo nên chúng ta ban hành Luật Quy hoạch và các luật khác phải đi theo Luật Quy hoạch. Nhưng nay với quy định tồn tại này thì sự chồng chéo đó vẫn còn", ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội tỏ ra thất vọng.
Phải bỏ giấy phép, chứng chỉ quy hoạch
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cũng cho biết theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch là việc của nhà nước, phải công bố để dân làm theo. Nhưng trong Luật Xây dựng lại không bỏ quy định về giấy phép và chứng chỉ.
"Khi đã công bố cho dân rồi thì căn cứ theo quy hoạch để làm, tại sao phải xin thêm giấy phép, chứng chỉ nữa. Có đảm bảo công khai mình bạch không?", ông Sinh đặt câu hỏi.
Viễn Sự (Tuổi trẻ)
Theo cafeland.vn