Lộ hàng loạt sai phạm trong quản lý đất đai của Sagri
- Nhiều khu đất được Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) giao cho các đối tác, trong đó có Tổng công ty cổ phần Phong Phú và Tập đoàn Trung Thủy khi chưa được cơ quan chủ quản là TP.HCM chấp thuận.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có văn bản số 386/TB-KTTN thông báo kết quả kiểm toán, báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý đất đai, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2017 của Sagri.
Theo KTNN, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP. HCM và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP. HCM đã giao khoán đất sản xuất cho một số hộ gia đình và cá nhân có địa chỉ cư trú ngoài địa bàn có đất giao khoán, giao khoán vượt hạn mức quy định.
Tại Sagri, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP. HCM và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP. HCM còn một số diện tích đất cho mượn, tranh chấp, lấn chiếm, chưa được thu hồi. KTNN cũng chỉ rõ, Sagri và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP. HCM cho thuê lại hơn 5,4ha đất không đúng quy định.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (100% vốn của Sagri) được xác định đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập các pháp nhân mới để đầu tư trên 24 khu đất, có diện tích hơn 1.919ha.
Trong đó, Sagri đã bàn giao 140ha đất và tài sản trên đất của Công ty TNHH MTV Bò sữa TP. HCM cho Công ty TNHH Nông nghiệp Trung Thủy Sagri, bàn giao cho Công ty TNHH Nông nghiệp Vineco Sagri hơn 452ha, khi chưa có văn bản chấp thuận của UBND TP. HCM, chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.
“Điều này trái với quy định tại Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 5039/QĐ-UBND ngày 16/9/2013 của UBND TP về việc công nhận quyền sử dụng đất với Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM”, văn bản của KTNN nêu rõ.
Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn Sagri.
Cũng theo báo cáo của KTNN, Sagri đã ký 7 hợp tác (không thành lập pháp nhân mới) với 4 đơn vị để hợp tác kinh doanh trên 7 cơ sở nhà đất có tổng diện tích trên 114 ha. Trong đó có 2 hợp đồng hợp tác giữa Sagri và Tổng công ty cổ phần Phong Phú tại dự án cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò và khu nhà ở tại phường Phước Long B.
Cụ thể, tại hợp đồng hợp tác dự án cụm công nghiệp Láng Le - Bàu Cò, Sagri đã thay đổi đối tác từ Công ty cổ phần đầu tư xây dựng công trình giao thông Hồng Lĩnh sang Tổng công ty cổ phần Phong Phú nhưng không có văn bản chấp thuận chủ trương của UBND TP. HCM.
Còn trong dự án chuyển nhượng khu nhà ở tại phường Phước Long B, Sagri đã không thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung khi điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch dự án; cam kết chưa huy động vốn của khách hàng không đúng thực tế; xác định giá trị chuyển nhượng không đúng, làm giảm số thuế phải nộp ngân sách nhà nước.
KTNN đề nghị, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP.HCM khẩn trương rà soát các diện tích đất đã giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân không đúng quy định để xử lý, thu hồi diện tích đất các hộ gia đình mượn, khoán trồng cỏ không đúng quy định.
Đề nghị Sagri và Công ty TNHH MTV Cây trồng rà soát lại để thanh lý các hợp đồng cho thuê tài sản gắn liền với đất, được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm, không đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sagri, Công ty TNHH Bò Sữa TP.HCM và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP.HCM khẩn trương giải quyết để thu hồi diện tích đất bị tranh chấp, lấn chiếm, cho mượn.
KTNN cũng đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố, ký hợp đồng thuê đất đối với diện tích đất chưa có hợp đồng thuê đất theo quy định.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản được đề nghị thanh lý hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy về việc góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Trung Thủy Sagri, do thuộc lĩnh vực không được phép đầu tư.
Ngoài ra, Sagri cũng phải thanh lý các hợp đồng hợp tác, góp vốn thành lập pháp nhân mới, để hợp tác đầu tư kinh doanh, trên các khu đất của tổng công ty và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP.HCM không đúng quy định. Đồng thời báo cáo các cơ quan chức năng của thành phố để xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung, do thay đổi quy hoạch dự án khu nhà ở, tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9.
KTNN đề nghị Chủ tịch HĐTV Sagri chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện kịp thời, đầy đủ các kiến nghị và báo cáo kết quả thực hiện cho KTNN trước ngày 30/11/2018.
Theo tìm hiểu, Tổng công ty cổ phần Phong Phú đã có hơn 52 năm hình thành và phát triển. Tiền thân là Khu Kỹ nghệ Sicovina - Phong Phú trực thuộc Công ty kỹ nghệ Bông vải Việt Nam. Những ngày đầu hoạt động, Sicovina - Phong Phú là một nhà máy có quy mô nhỏ gồm 3 xưởng sản xuất (sợi - dệt - nhuộm). Sau ngày 30/4/1975, nhà máy được đổi tên thành Nhà máy Dệt Phong Phú.
Ngoài hoạt động trong ngành dệt may, đơn vị này đang “lấn sân” sang kinh doanh các lĩnh vực khác như bất động sản, trung tâm thương mại, khu du lịch, khu công nghiệp...
Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy được thành lập từ năm 1995, tiền thân của Tập đoàn Trung Thủy là doanh nghiệp mỹ nghệ Miss Áo Dài chuyên hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ thương mại, nhà hàng – khách sạn, du lịch...
Hiện Trung Thủy là tập đoàn đa ngành đầu tư bất động sản, cao ốc văn phòng như tòa nhà Lancaster Lê Thánh Tôn (quận 1 TP.HCM) và Ba Đình (Hà Nội), cao ốc văn phòng đường Nguyễn Trung Ngạn (quận 1), khu tổ hợp văn phòng – trung tâm thương mại – căn hộ (quận 4) và 230 Nguyễn Trãi (quận 1).
Trong khi đó, Sagri là công ty TNHH một thành viên của Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Sagri được thành lập cuối năm 1996, hoạt động với nhiều nhóm ngành nghề khác nhau song chủ lực vẫn là hoạt động nông nghiệp.
Tâm An
Theo cafeland.vn