Lãng phí do trì trệ, thuế phí nào gánh nổi!
Công trình xây dựng tuyến metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên, của TPHCM đã được Chính phủ bật đèn xanh từ cách nay 12 năm. Ban đầu dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2015, nhưng sau phải dời đến năm 2018 rồi năm 2020 và đến nay thì chưa biết đến bao giờ mới có thể đưa vào khai thác.
Thi công metro số 1 đoạn qua Văn Thánh - Ảnh tư liệu Anh Quân
Nguyên nhân chậm trễ, lúc đầu là do chọn thiết kế không phù hợp, dẫn đến phải xin điều chỉnh tăng vốn và làm lại. Nhưng nếu chỉ có thế thì tuyến tàu điện này đã có thể hoàn thành vào năm 2018. Việc dự án rơi vào bế tắc như hiện nay chủ yếu là do ách tắc về quy trình thủ tục.
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị trung ương phân cấp, phân quyền cho thành phố được quyết định các dự án đường sắt đô thị, Ủy ban Nhân dân TPHCM cho biết việc xem xét và duyệt danh mục tài trợ của các bộ ngành trước khi trình Thủ tướng mất quá nhiều thời gian, mỗi dự án khoảng 2-3 năm, nên khi triển khai thường phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư.
Rõ ràng quy trình thủ tục xét duyệt chậm trễ, kéo dài đã đẩy các dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước vào vòng luẩn quẩn chờ phê duyệt, trượt giá, rồi phải điều chỉnh tổng mức đầu tư và chờ phê duyệt lại.
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn dự án đầu tư bằng vốn nhà nước bị ách tắc, kéo dài mà quy trình thủ tục chậm trễ và phức tạp là một nguyên nhân chính yếu. Điều đáng nói là hầu hết những dự án sử dụng nguồn vốn này đều là những dự án hạ tầng quan trọng và có quy mô đầu tư lớn, nên thất thoát và thiệt hại do tình trạng trì trệ này gây ra là rất lớn. Chưa tính đến thiệt hại về hiệu quả kinh tế, xã hội do các công trình hạ tầng quan trọng bị chậm trễ đưa vào khai thác, chỉ riêng việc phải điều chỉnh mức đầu tư vì trượt giá theo thời gian đã là những con số khổng lồ.
Tất cả những thiệt hại đó đã và đang trực tiếp tạo ra áp lực nặng nề lên ngân sách quốc gia và gánh nặng đó cuối cùng được chuyển thẳng vào vai của người dân và doanh nghiệp.
Những chính sách thuế, phí mới mà Bộ Tài chính đề xuất trong những tháng gần đây chính là một trong những giải pháp nhằm tăng thêm nguồn thu để giúp ngân sách cân bằng thu - chi và có tiền trả nợ đầu tư công cũng như vốn để tài trợ cho những công trình mới. Đây là giải pháp dễ dàng, nhưng không bền vững. Nếu các chương trình đầu tư của Nhà nước tiếp tục trì trệ, ách tắc và chi phí đầu tư cứ đội lên một cách chóng mặt như lâu nay, thì không thuế, phí nào có thể bù đắp mãi được. Và một khi gánh nặng thuế, phí tăng cao khiến doanh nghiệp không kham nổi thì khi ấy nền kinh tế sẽ lâm nguy.
Giải quyết triệt để các vướng mắc về thủ tục hành chính để không còn một dự án đầu tư nào, dù của Nhà nước hay tư nhân, phải chịu rủi ro về chi phí, hiệu quả do sự chậm trễ của các cơ quan hành chính mới là giải pháp bền vững. Đây là điều hoàn toàn nằm trong tầm tay của các cơ quan nhà nước, vì suy cho cùng với các quy trình thủ tục, xét duyệt, Nhà nước ban hành được thì cũng có thể điều chỉnh và bãi bỏ được.
(TBKTSG)
Theo cafeland.vn