Lâm Đồng: Dự án treo 10 năm, lão nông mỏi mòn đi đòi bồi thường đất
Đằng đẵng 10 năm vác chồng đơn đi khiếu kiện, người nông dân Cao Văn Tứ (62 tuổi, khu dân cư số 6, trại Mát, phường 11, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) vẫn chưa thể nhận được tiền bồi thường đất của dự án bị treo suốt 10 năm qua.
Dự án treo 10 năm
Người đàn ông ngồi trước mặt chúng tôi già hơn rất nhiều so với cái tuổi 62. Những ngón tay run run mở chồng hồ sơ vốn đã úa mầu theo thời gian và theo từng giọt nước mắt mà vợ chồng người nông dân này đổ xuống khi bị mất toàn bộ đất trồng hoa của mình vào 10 năm trước.
Theo tìm hiểu của PV, 2/2/2009, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định số 235/QĐ-UBND “V/v Thu hồi đất và giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng quản lý để tổ chức việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khu đô thị mới số 6 Trại Mát, phường 11, TP. Đà Lạt”.
Theo đó, UBND TP. Đà Lạt đã có quyết định thu hồi đất của 161 hộ dân với hơn 58ha đất nông nghiệp. Ngày 18/10/2007 UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung là chủ đầu tư.
Ông Cao Văn Tứ suốt 10 năm đi đòi bồi thường đất của mình nằm trong một dự án treo cũng 10 năm.
Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 2 lô đất nông nghiệp của gia đình ông Cao Văn Tứ với diện tích gần 13.000m2 (trong đó gần 9.000m2 có sổ đỏ) để triển khai xây dựng dự án Khu đô thị số 6 Trại Mát.
Dự án Khu đô thị Trại Mát được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung.
Tổng diện tích 75,8ha chủ yếu là đất nông nghiệp, 162 hộ dân và 3 tổ chức bị thu hồi đất. Các quyết định thu hồi đất được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành từ năm 2009.
“Khi nhận quyết định thu hồi, gia đình tôi vừa đầu tư hệ thống nhà kính rộng 7.000m2 để trồng hoa hồng theo mô hình công nghệ cao. Tuy nhiên vì quyết định này mà tất cả số tiền đầu tư coi như ném qua cửa sổ. Tôi và cả gia đình lâm vào cảnh bi đát do vay nợ ngân hàng. Có những thời điểm, đến cái tivi, tủ lạnh trong nhà cũng không còn, do bị siết nợ”, ông Tứ ngậm ngùi nhớ lại.
Cũng chính vì dự án này, gia đình ông Tứ đã ngừng việc khai thác và sử dụng đất. Bên cạnh đó, UBND TP. Đà Lạt cũng không cho phép gia đình ông Tứ đầu tư, khai thác đối với diện tích đất trên. Đến năm 2015, vì quá khó khăn, không có thu nhập gì để trang trải cuộc sống, ông Tứ đã quay lại diện tích đất trên để trồng cây atiso nhằm kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Với diện tích gần 13.000m2 (gần 9.000m2 có sổ đỏ) của ông Tứ gần như bị bỏ hoang khi dự án được phê duyệt.
Suốt 10 năm qua, ông Tứ kỳ cạch gõ từng lá đơn kiện, gửi tới khắp các cơ quan chức năng đề nghị hủy quyết định thu hồi đất do dự án đã hết thời hạn triển khai theo luật định, để gia đình yên tâm sản xuất.
Đáng ngạc nhiên, lẽ ra theo luật định, thì chủ đầu tư phải đến gặp những người dân bị thu hồi đất phục vụ cho dự án, nhưng trong suốt 10 năm qua, không một ai đại diện cho Công ty Kiên Trung đến gặp gia đình ông Tứ để thoả thuận và tính toán bồi thường bất cứ thứ gì.
Khi nhóm phóng viên chúng tôi tiếp cận hiện trường, cái được gọi là dự án Khu đô thị hoành tráng này vẫn chỉ là một tấm biển hiệu tả tơi rách nát được cắm chơ vơ trên đồi thông.
Đau đớn ở chỗ, hàng nghìn mét đất nông nghiệp mầu mỡ của người dân bỗng nhiên bị hoang hoá cả chục năm nhưng dự án vẫn chưa được triển khai được điều gì.
Thiếu trách nhiệm!
Đứng giữa trung tâm của dự án chỉ tay về tấm biển của công ty Kiên Trung, ông Tứ bức xúc khẳng định: “Từ khi có quyết định thu hồi đất, tôi bị mất 1 tỷ 450 triệu đồng tiền đầu tư 7.000m2 hoa hồng, cộng thêm 880 triệu đồng tiền đầu tư 2.000m2 làm cây giống hoa.
Tổng cộng gia đình tôi mất trắng 2 tỷ 420 triệu đồng do không được bồi thường và không thu hoạch được sản phẩm trên đất của mình. Bên cạnh đó, tiền lãi suất vay tiền ngân hàng cũng là một vấn đề nan giải đối với gia đình tôi từ năm 2009 đến nay”.
Sau khi dự án không thể triển khai được, cộng thêm việc ông Cao Văn Tứ lầm lũi đi kiện bấy lâu, tỉnh Lâm Đồng cũng ra một số văn bản đề nghị thành phố và các sở ban ngành như Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư xử lý dứt điểm vụ việc.
Ông Cao Văn Tứ đi vào khu trung tâm của dự án, khi mảnh đất của mình cũng bị "treo" như dự án Khu đô thị số 6 Trại Mát.
Đặc biệt, ngày 30/11/2018 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra công văn số 7944, nêu rõ: "Trường hợp của ông Cao Văn Tứ đã thu hồi đất từ năm 2009 cho đến nay, nhưng không tính toán bồi thường, hỗ trợ, không cho gia đình ông sản xuất, gây thiệt hại về kinh tế cũng như tinh thần của gia đình ông".
Công văn này cũng yêu cầu các cấp của thành phố cần xử lý dứt điểm nhằm đảm bảo lợi ích của người dân và nhất là tránh lãng phí đất đai, nguồn lực của nhà nước.
Gần đây nhất, ngày 14.6 UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có buổi làm việc với ông Cao Văn Tứ. Kết luận cuộc họp này, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc triển khai thực hiện, giải phóng mặt bằng, xử lý khiếu nại của người dân chậm trễ như vậy là rất thiếu trách nhiệm, đặc biệt là Trung tâm phát triển quỹ đất.
Ông Phạm S tái khẳng định việc gia đình ông Cao Văn Tứ vẫn chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và dẫn đến phát sinh khiếu nại.
Từ khi được phê duyệt, dự án Khu đô thị số 6 Trại Mát chưa được triển khai công việc cụ thể nào.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao UBND TP Đà Lạt trên cơ sở hồ sơ kiểm đếm của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, căn cứ quy định của pháp luật đất đai hiện hành, làm việc với Sở Tài chính, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh để thông nhất, đề xuất ngay chi bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Cao Văn Tứ trong tháng 6/2019.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường kiểm điểm trách nhiệm đối với những cán bộ của Trung tâm phát triển quỹ đất để vụ việc kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ dự án cũng như đời sống, tâm lý của người dân.
Tuy nhiên theo thông tin Dân Việt có được, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng mời ông Cao Duy Tứ đến hiện trường vào chiều ngày 1/7 để kiểm đếm hiện trạng và thống kê tài sản trên đất.Như vậy, việc đề xuất chi bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Cao Văn Tứ khó có thể thực hiện trong tháng 6/2019.
Đồng thời, việc thống kê tài sản trên đất không thể sát thực tế do nhà xưởng, máy móc của hộ gia đình ông Tứ đã bị dỡ từ gần 10 năm trước.
PV đã liên hệ với ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu thông tin. Ông Hải đề nghị làm việc qua Văn phòng Sở TNMT và để lại câu hỏi. Đến nay, PV Dân Việt vẫn chưa nhận được câu trả lời từ đơn vị này.
PV (Dân Việt)
Theo cafeland.vn