Khu kinh tế Nhơn Hội không như kỳ vọng, đất công bị ‘xẻ thịt’: Lỗi tại ai?
Câu chuyện quản lý lỏng lẻo, trách nhiệm chồng chéo thời gian qua… khiến Khu kinh tế Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) bị nhiều đối tượng ngang nhiên lấn chiếm để trục lợi trái phép. Mà theo lý giải của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng là do "diện tích quá rộng, lực lượng xử lý lại rất ít".
Đất công bị ‘xẻ thịt’… làm của riêng
Khu kinh tế Nhơn Hội được thành lập theo Quyết định số 141/2005/QĐ-TTg, ngày 14.6.2005 của Thủ Tướng Chính phủ với tổng diện tích 12.000ha, mục tiêu trở thành khu vực phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng và kinh tế biển truyền thống phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia và chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam.
Trong tương lai, khu kinh tế này được kỳ vọng trở thành khu vực kinh tế động lực của Bình Định, có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ, hiện đại.
Tuy nhiên, sau hơn 14 năm hình thành và đi vào hoạt động thì việc thu hút đầu tư tại đây lại không được như Bình Định kỳ vọng, nghiêm trọng hơn xuất hiện các đối tượng ngang nhiên lấn chiếm đất đai, trục lợi trái phép.
Một nhà dân lấn chiếm trái phép Khu kinh tế Nhơn Hội bị phá dỡ. Ảnh: Dũ Tuấn
Theo nhận định của lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định, việc lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép là có tổ chức, lén lút hoạt động nhằm thu lợi bất chính.
Tuy nhiên, lãnh đạo chính quyền địa phương lại cho rằng, để ngăn chặn ngay từ đầu rất khó khăn bởi các trường hợp vi phạm lén xây dựng vào ngày nghỉ hoặc ban đêm. Nhiều lần, chính quyền bất ngờ kiểm tra họ đã “cao chạy, xa bay” nên chỉ lập biên bản hiện trường. Thậm chí, các đối tượng vi phạm không chấp hành, còn thách thức, lăng mạ lực lượng chức năng.
Trong khi đó, nhiều dự án đăng ký đầu tư, được chính quyền giao đất nhưng “treo” quá lâu, không thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân để người dân lợi dụng lấn chiếm đất đai. Về nguyên tắc, những diện tích đất, rừng dương trong khu kinh tế đã giao cho nhà đầu tư thì trách nhiệm trước hết trong quản lý, bảo vệ thuộc về chủ đầu tư. Vì vậy, cần có biện pháp mạnh đối với dự án chậm triển khai mới mong giải quyết ráo ráo các sai phạm trong việc lấn chiếm đất đai, xây công trình không phép.
Máy múc được huy động đến hiện trường phá dỡ công trình sai phạm. Ảnh: Dũ Tuấn.
Báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định cho hay, ngày 5.3 UBND TP.Quy Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát đã đồng loạt ra quân tổ chức cưỡng chế các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội.
Đây được xem là động thái "quyết liệt", sau quãng thời gian dài để các đối tượng ngang nhiên lấn chiếm, trong khi cơ quan quản lý nhà nước buông lỏng, không thể ngăn chặn kịp thời và xử lý rốt ráo vi phạm.
Tại thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) - điểm “nóng” về lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình trái phép đã bị cưỡng chế tháo dỡ đối với 9 trường hợp. Tại thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh, huyện Phù Cát) là 14 trường hợp, xã Nhơn Hội (TP.Quy Nhơn) 16 trường hợp lấn thêm một phần diện tích đất phía sau thuộc phạm vi triền cát của khu kinh tế Nhơn Hội (trước đây thuộc đất lâm nghiệp do Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn quản lý, sử dụng) xây dựng tường rào.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, việc cưỡng chế không có sự chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, một số trường hợp ‘so bì’ với các đối tượng tương tự, do chưa bị cưỡng chế trong đợt này. Thời gian tới, các địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện hồ sơ và tiến đến xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn lại trong năm 2019.
Thu hút không như kỳ vọng, lỗi khách quan(!)
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, việc cưỡng chế sẽ được chia ra thành 3 giai đoạn, bởi có nhiều trường hợp nên nếu làm cùng lúc sẽ rất khó.
Đợt thứ nhất sẽ ưu tiên xử lý việc lấn chiếm, xây công trình trái phép trên đất công từ 5 năm gần đây, tiếp theo sẽ xử lý các trường hợp vi phạm từ năm 2014 trở về trước. Ngoài ra, dù không thuộc phạm vi đất công nhưng việc mua bán, chuyển đổi mục đích bất hợp pháp cũng bị xử lý nghiêm.
“Về nguyên tắc, đã xây dựng bất hợp pháp thì phải tháo dỡ nhưng việc này cần làm cẩn trọng, củng cố hồ sơ chặt chẽ. Đất đai tại khu kinh tế với 12.000ha nhưng lâu nay tỉnh chưa sử dụng hết, người dân cố tình lấn chiếm, mua bán trái phép. Trong khi diện tích quá rộng, lực lượng rất ít, chứ không phải do chính quyền không xử lý. Đến lúc này, phải kiên quyết lập lại trật tự với biện pháp mạnh”, ông Dũng nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng "quyết" lập lại trật tự tại Khu kinh tế Nhơn Hội bằng các biện pháp mạnh. Ảnh: Dũ Tuấn.
Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định Phan Viết Hùng cho rằng, trách nhiệm để lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép ở Khu kinh tế Nhơn Hội thuộc về chính quyền địa phương.
“Một phần do địa phương bận việc và thiếu kinh phí nên đã để xảy ra các trường hợp lấn chiếm hơi phức tạp. Câu chuyện này diễn qua từ nhiều thời kỳ, việc phối hợp lỏng lẻo không hiệu quả nên nếu kỷ luật rõ ràng cá nhân nào thì cũng rất khó. Tuy nhiên, chắc chắn phải có phê bình, nhắc nhở rút kinh nghiệm... để công tác quản lý được chặt chẽ hơn”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, mặc dù lãnh đạo tỉnh Bình Định rất quan tâm đến việc thu hút nhà đầu tư về Khu kinh tế Nhơn Hội, thế nhưng thực tế việc thu hút lại không được như kỳ vọng. Lý do được ông Hùng đưa ra là điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo, ngoài ra còn có các yếu tố khách quan như: thị trường, khí hậu khắc nghiệt….
“Nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu nhưng rồi họ lại không chọn gắn bó nơi đây. Lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện để thu hút nhưng về phía nhà đầu tư thì đa phần họ chọn tập trung vào khu vực các tỉnh thuộc 2 đầu đất nước. Còn riêng miền Trung còn nhiều khó khăn, hạn chế… nên nhà đầu tư về đây chỉ được vài doanh nghiệp thôi, không được nhiều như Bình Định mong đợi.
Bây giờ, việc này mà nói lỗi của ai thì cũng không có lỗi gì vì nhiều khi do yếu tố khách quan. Việc phát triển khu kinh tế không được như kỳ vọng, tỉnh sẽ cố gắng kiên trì, tiếp tục quảng bá thu hút. Dù không nhanh bằng nhiều nơi khác nhưng sẽ khắc phục dần dần”, ông Hùng cho hay.
Dũ Tuấn (Dân Việt)
Theo cafeland.vn