Khu đô thị mới phải dùng nước bẩn: Cư dân tiếp tục... chờ
Tại các khu đô thị Tân Tây Đô, Hồng Hà Eco City... cư dân phải dùng nước bẩn để sinh hoạt trong thời gian dài. Đáng nói là sau nhiều lần chủ đầu tư hứa hẹn, nước sạch vẫn chưa về.
4 năm dùng nước bẩn, buộc thay đơn vị cấp nước
KĐT Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) có diện tích 25 ha do Công ty CP Xây dựng và Thương mại Tuấn Quỳnh làm chủ đầu tư. Năm 2009, Hải Phát Invest mua lại của Công ty CP Tuấn Quỳnh 16.072 m2 và cùng Công ty TNHH Xuân Phương xây dựng 3 tòa nhà: HHB, CT2A, CT2B. Năm 2014, 3 tòa nhà này đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, cư dân sống tại đây liên tục phản ánh và "kêu cứu" vì phải sử dụng nước bẩn, nhiễm độc tố để sinh hoạt.
Anh Hoàng Hải Bình, một cư dân tại đây ngán ngẩm nói: "Dân kêu trời khi phải ăn, uống, tắm giặt với cái thứ nước đục ngầu, bẩn thỉu này" rồi chỉ tay vào mấy bình nước lọc 20 lít để góc nhà - cách chữa cháy tạm thời của cư dân nơi đây trong khi chờ nước sạch.
Theo cư dân ở đây, hằng ngày, họ phải dùng nguồn nước sinh hoạt chảy từ vòi ra có màu vàng đục, sủi bọt. Khi nước đun sôi, mùi tanh hôi của nước xộc vào mũi.
Được biết, nguồn nước cung cấp cho KĐT Tân Tây Đô được lấy từ trạm cấp nước ngầm có công suất 1.200 m3/ngày đêm do Công ty CP Đầu tư Công nghệ và Môi trường Việt Nam vận hành. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng xác định: Chất lượng nước cung cấp từ trạm này không bảo đảm quy chuẩn của Bộ Y tế. Cụ thể, hàm lượng asen theo quy chuẩn của Bộ Y tế là 0,01 mg/lít nhưng mẫu nước kiểm nghiệm tại KĐT Tân Tây Đô là 0,03 mg/lít nước, như vậy cao gấp 3 lần.
Mặc dù cư dân tại Tân Tây Đô rất bức xúc về tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm, họ đã kiến nghị nhiều lần song chưa được giải quyết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện chủ đầu tư Hải Phát cho biết, với trách nhiệm của mình, chủ đầu tư đã nhiều lần làm việc với Công ty CP Đầu tư Công nghệ và Môi trường Việt Nam (đơn vị đang cấp nước cho Tân Tây Đô) và Công ty CP nước sạch Tây Hà Nội (đơn vị đang nghiên cứu triển khai dự án cấp nước cho huyện Đan Phượng), yêu cầu các đơn vị này sớm có giải pháp. Tuy nhiên đến nay, tình trạng cấp nước sinh hoạt không đảm bảo vẫn chưa được giải quyết, điều này thuộc trách nhiệm của các công ty cấp nước sạch.
Tại cuộc họp mới đây bàn giải pháp cấp nước sạch cho người dân KĐT Tân Tây Đô, đại diện của Công ty Nước sạch Tây Hà Nội đã đồng ý với đề nghị của Sở Xây dựng và UBND huyện Đan Phượng về việc cung cấp nước sạch cho KĐT Tân Tây Đô, thay cho Công ty CP Đầu tư Công nghệ và Môi trường Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, khẳng định việc để người dân dùng nước bẩn trong suốt thời gian qua có trách nhiệm của chủ đầu tư và chủ đầu tư phải có trách nhiệm đến cùng với người dân.
Các cơ quan quản lý đã thống nhất giao cho Công ty Nước sạch Tây Hà Nội cung cấp nước cho KĐT Tân Tây Đô và các chủ đầu tư phải chủ động liên hệ với Công ty Nước sạch Tây Hà Nội để lên phương án đấu nối nước sạch cho người dân trong vòng 15 ngày tới. Cư dân tại Tân Tây Đô lại tiếp tục chờ đợi sự vào cuộc chủ động của các bên liên quan sẽ mang lại kết quả.
Khắc phục bằng việc... rửa bể
Cùng chung nỗi bức xúc như cư dân Tân Tây Đô, hàng trăm hộ dân ở các tòa CT15 và CT16 Khu đô thị Hồng Hà Eco City (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) phải sống cảnh "khóc dở, mếu dở" vì nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.
Theo phản ánh của người dân, từ tháng 8/2016 đến nay, cư dân tại các tòa nhà phải sống chung với tình cảnh nước bẩn. Nước sinh hoạt xả ra từ vòi đầy cặn, có lúc đen như nước sông, có cả giun, bọ gậy.
Cực chẳng đã, các hộ dân phải tự chế các thiết bị lọc nước tạm thời nhưng chỉ được một thời gian là lõi lọc đã bẩn, phải thay mới. Chi phí cho việc tự lọc nước sinh hoạt không nhỏ.
"Khuất mắt thì nghĩ là nước trong, nước sạch. Nhưng dùng khăn vải đa năng buộc vào đầu vòi nước, để một ngày là thấy đen xì", một cư dân tại tòa CT15 phàn nàn.
Các hộ dân nhiều lần kiến nghị với đơn vị quản lý tòa nhà nhưng lỗi chỉ được đổ tại "bể nước ngầm bị nhiễm bẩn". Nhưng sau nhiều lần thau lọc, rửa bể, nước chỉ sạch được một thời gian rồi lại nhiễm bẩn. Các hộ dân nghi ngờ nguồn nước hoặc đường ống nước sạch có vấn đề.
Phía chủ đầu tư cho biết, đến tháng 7 vừa qua đã tiến hành lấy mẫu nước sinh hoạt tại 2 nhà CT15 và CT16 đi kiểm tra chất lượng tại Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường – Bộ Y tế. Kết quả cho thấy 4 mẫu nước được gửi đi đều đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho cư dân theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có Công văn số 1845/UBND-TKBT yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Chủ tịch huyện Thanh Trì kiểm tra và thực hiện ngay các biện pháp cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn nước sạch theo quy định cho cư dân Khu đô thị mới Tứ Hiệp.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng Phòng Quản lý cấp nước, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho biết: Với các dự án như Hồng Hà Eco City hay Tân Tây Đô, vấn đề chính là thiếu nguồn nước.
"Quy hoạch cấp nước Hà Nội đã tính đến việc đầu tư nhiều nhà máy nhưng lại chậm triển khai. Dự án cấp nước sông Đà vỡ ống liên tục. Giai đoạn 2 lại chưa đạt được. Do thiếu nguồn nước, bản thân các khu đô thị phải lấy nước từ nguồn nước ngầm nên chất lượng không đảm bảo. Để làm đường ống dẫn nước ra các khu đó phải chờ thời gian", ông Đức cho hay.
Cũng theo ông Đức, hiện nước sông Đà cấp cho thành phố còn chưa đủ. Hà Nội đang đẩy mạnh dự án nước sông Đà giai đoạn 2, nhà máy nước sông Đuống... Nhà máy nước Bắc Thăng Long đã khai thác nước mặt sông Hồng tăng công suất từ 30.000 m3 lên 100.000 m3, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nước sạch. Nếu không thì 2 năm qua, Hà Nội sẽ thiếu nước trầm trọng, nhất là vào mùa hè.
Ông Đức đề nghị trách nhiệm của Hà Nội phải đầu tư các nhà máy nước lớn rồi dẫn về các khu vực. Nếu giải quyết cục bộ thì các dự án chỉ có thể tự xử lý tại chỗ.
Như vậy, cư dân tại các khu đô thị vẫn phải tiếp tục chờ đợi giải pháp dài hơi từ thành phố để có thể yên tâm sử dụng nước sạch.
Hoàng Dương (Báo Tin tức)
Theo cafeland.vn