Khu dân cư bị bỏ quên
Được đưa vào sử dụng từ năm 1998, khu tái định cư 7,2ha phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội với trên 900 hộ dân dường như đang bị bỏ quên. Không chỉ các tòa nhà ở đây xuống cấp nhanh chóng mà hệ thống PCCC cũng trở nên vô tác dụng.
Vỉa hè, lòng đường thành nơi trông giữ xe
Nơm nớp lo hỏa hoạn
Toàn bộ khu tái định cư gồm 23 tòa nhà chung cư cao từ 5-6 tầng. Các khu nhà này được xây dựng làm quỹ nhà tái định cư của Thành phố. Ông Đỗ Thành Đồng – Bí thư Chi bộ 12 Khu dân cư số 5, phường Vĩnh Phúc cho biết, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, công trình chưa được duy tu bảo dưỡng lần nào nên đã bị hư hỏng xuống cấp, tình trạng thấm dột, bong bật, nứt vỡ nền, lan can xuất hiện khá phổ biến trong các tòa nhà. Đặc biệt, hệ thống PCCC của công trình đã hư hỏng hoàn toàn. Tại các khu nhà hầu như không được trang bị bình cứu hỏa, các họng nước tuy đã được lắp đặt, song chỉ để cho có. Ngoài ra, do dân cư trong khu vực này rất đông đúc, đường ngõ nhỏ hẹp nên trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, các phương tiện chữa cháy ra vào khu vực này sẽ vô cùng khó khăn.
Cũng theo ông Đồng, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực rất hạn chế. Hầu hết các tòa nhà không có bãi đỗ xe nên người dân phải để xe chen chúc trên vỉa hè hoặc dưới lòng đường. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong khu vực mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Ngoài ra, tại đây có một chợ tạm nằm sát các khu nhà. Tình trạng các hộ kinh doanh căng lều bạt để bán hàng, xả rác bừa bãi không chỉ tạo ra hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ về hỏa hoạn, gây mất vệ sinh môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa – người dân sống tại khu vực, dù dân đã dọn về ở gần 16 năm nhưng trong khu tái định cư này vẫn chưa được thành lập Ban quản trị. Mặc dù đơn vị chủ quản khu tái định cư này là Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội nhưng vai trò của họ gần như không được thể hiện. Trong mỗi tòa nhà, người dân phải tự cử ra một vài đại diện để thuê người dọn vệ sinh. Toàn khu vực có 15 điểm trông giữ xe nhưng hầu hết luôn trong tình trạng quá tải, đặc biệt là vào buổi tối.
Có mặt tại khu vực trên vào sáng 18-7, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng khá lộn xộn tại đây. Hầu hết diện tích vỉa hè quanh các khu nhà đã bị chiếm dụng làm nơi họp chợ, bán hàng ăn, để xe nên người đi bộ không còn cách nào khác là phải đi xuống lòng đường. Trong các toà nhà, ở tầng 1 và hành lang đều không có bình cứu hỏa. Thậm chí nhiều chiếc tủ được thiết kế để chứa bình cứu hỏa đã bị hoen gỉ, hư hỏng nặng hoặc bị sử dụng vào mục đích khác. Một số điểm trông giữ xe tuy đã được trang bị thiết bị PCCC nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu khi xảy cháy.
Chưa có biện pháp khắc phục
Ngày 5-3-2014, UBND phường Vĩnh Phúc đã phối hợp với một số phòng, ban của UBND quận Ba Đình, đại diện Phòng Cảnh sát PC&CC khu vực 2, Công ty Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đi kiểm tra, khảo sát lại toàn bộ hệ thống PCCC của các toà nhà chung cư. Sau khi kiểm tra, Tổ công tác liên ngành đã xác nhận, hệ thống chữa cháy trang bị cho các tòa nhà gồm hệ thống chữa cháy trong nhà bằng nước vách tường, bình chữa cháy xách tay và nội quy tiêu lệnh chữa cháy. Tuy vậy, toàn bộ hệ thống PCCC của các tòa nhà đã hư hỏng.
Máy bơm cấp nước chữa cháy được đấu nối với bể nước mái, dùng chung cho hệ thống cấp nước sinh hoạt, nguồn điện cấp cho trạm bơm không có nguồn điện dự phòng, ưu tiên. Phần lớn các van tại các họng chữa cháy vách tường bị kẹt cứng, mất tay vặn, mất lăng vòi. Toàn bộ hệ thống chữa cháy bằng nước vách tường đã hư hỏng, không thể vận hành khi có sự cố xảy ra; bình chữa cháy đã cũ, hoen gỉ, áp suất khí đẩy thấp, số lượng quá ít so với thực tế cần trang bị… Bên cạnh đó, một số hộ dân còn cơi nới mặt bằng, dựng lồng sắt chuồng cọp, tự ý để vật cản trên các hành lang chung, trong các cầu thang bộ thoát nạn của các toà nhà, sử dụng bếp than tổ ong trên các tầng chung cư hoặc các hàng quán tại tầng 1 có sử dụng bình gas khối lượng lớn nhưng không có các giải pháp an toàn về PCCC. Về nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy, trong khu vực không có ao hồ, các trụ cấp nước chữa cháy ngoài nhà theo mạng cấp nước của Thành phố. Dù có 3 bể nước gần khu vực trạm bơm nhưng do dùng chung với bể nước sinh hoạt nên nước trong bể luôn thấp, không đảm bảo cho xe, máy bơm chữa cháy hoạt động.
Trước thực trạng đó, UBND phường Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Cảnh sát PC&CC, UBND quận Ba Đình… đề nghị kiểm tra và báo cáo Thành phố xem xét, cho phép thực hiện sửa chữa bảo trì công trình và đặc biệt quan tâm nâng cấp hệ thống PCCC cho các tòa nhà để đảm bảo an toàn về PCCC, tăng cường mỹ quan đô thị, tuổi thọ công trình, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Tuy vậy đến thời điểm hiện tại, hầu hết những tồn tại trên vẫn chưa được khắc phục khiến người dân vô cùng lo lắng.