Không cho xuống hầm, xế hộp cư dân The Golden Palm nằm phơi sương
- Do bị chủ đầu tư và ban quản lý chặn xe không cho xuống hầm suốt hai đêm vừa qua (4 – 5/3), cư dân The Golden Palm (21 Lê Văn Lương, Thanh Xuân, Hà Nội) phải đỗ hàng loạt xe ô tô tại lối đi chung của toà nhà và đường vào hầm. Trên mỗi xe đều căng băng rôn tố các sai phạm của chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư đối thoại, không lẩn tránh cư dân.
Chủ đầu tư “né” dân
Phía chủ đầu tư và ban quản lý cho rằng các xe bị chặn không cho xuống hầm là do chưa đóng phí, dân không có nhu cầu sử dụng dịch vụ trông giữ xe nên không được xuống hầm.
Tuy nhiên theo cư dân, họ tạm thời chưa đóng phí dịch vụ trông giữ xe là do chưa thống nhất được nội dung hợp đồng trông giữ xe giữa các bên liên quan. Hơn nữa, chủ đầu tư cũng chưa cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh việc trông giữ xe trong tầng hầm của mình phù hợp với các quy định của pháp luật như Giấy phép kinh doanh điểm trông giữ phương tiện vận tải, Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy nổ đối với bãi xe có từ 200 xe trở lên…
Hai đêm nay, hàng chục xe ô tô của cư dân phải đỗ tại lối đi chung của toà nhà và đường vào hầm.
“Chúng tôi đề nghị được gặp chủ đầu tư, ban quản lý để đối thoại với sự chứng kiến của công an quận có trách nhiệm ở hiện trường. Tuy nhiên cuộc gặp sau đó chỉ có sự tham gia của đại diện cư dân, đại điện ban quản lý và công an quận. Sự việc tiếp tục căng thẳng, kéo dài, đến 20h00 ngày 4/3, phía chủ đầu tư hứa sẽ gặp và đối thoại cùng cư dân nhưng sau đó, đại diện chủ đầu tư đã bỏ đi khỏi hiện trường. Có người phát hiện vị này đi loanh quanh ở tầng 1 nhằm trốn tránh cư dân”, đại diện cư dân bức xúc.
Đến 21h cùng ngày, mặc dù Công an quận Thanh Xuân đã can thiệp, gọi điện thoại cho người có thẩm quyền phía chủ đầu tư để thuyết phục mở barie đưa xe xuống hầm, nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình né tránh bằng cách không nhấc máy điện thoại, không mở barie để cư dân đưa xe xuống hầm.
Kết quả là toàn bộ 29 xe ô tô của cư dân buộc phải đỗ trên đường đêm 4 và 5/3 gây ảnh hưởng giao thông. Đặc biệt đã có một xe bị bẻ gương và hiện toàn bộ xe ô tô của cư dân vẫn nằm trên đường Lê Văn Lương.
Cư dân căng băng rôn cho xế hộp, phản ánh hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.
Không minh bạch phí bảo trì
Được biết, không phải đến bây giờ cư dân chung cư The Golden Palm mới bức xúc đến mức “khoác” biểu ngữ phản đối lên xế hộp để yêu cầu chủ đầu tư đối thoại. Trước đó, hàng loạt vấn đề nảy sinh tại dự án, dù đã được cư dân phản ánh nhiều lần nhưng chưa một lần chủ đầu tư trả lời và giải quyết thoả đáng.
Để buộc chủ đầu tư phải đối thoại, tối 5/3, toàn bộ cư dân chung cư này đã tổ chức họp mặt đưa ra phương án, tất nhiên không có sự tham gia của chủ đầu tư. Anh Nguyễn Hoành, ban đại diện cư dân cho biết, có nhiều vấn đề cư dân kiến nghị với chủ đầu tư nhưng trong thời gian dài chưa được giải quyết, trong đó có bốn vấn đề lớn.
Tối 5/3, cư dân The Golden Palm tổ chức họp bàn phương án buộc chủ đầu tư đối thoại.
Thứ nhất là sổ hồng. Sau gần một năm dọn vào ở, cư dân chưa được cấp sổ hồng mà chưa rõ lý do. Thứ hai là phí dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà. Mặc dù công trình chưa đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư đã thu phí dịch vụ. Đến nay, mức phí là 10.000 đồng/m2 trong khi nhiều hạng mục của tòa nhà chưa hoàn thiện. Thứ ba là tình trạng nứt tường. Vấn đề này từ ngày bàn giao đến nay chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra phương án hợp lý. Thứ tư là vấn đề công khai minh bạch tài khoản quỹ bảo trì.
Bàn giao từ tháng 6/2018 với 405 căn hộ được quảng cáo là chung cư cao cấp với nhiều tiện ích hiện đại, đẳng cấp, nhưng theo phản ánh của các hộ dân, ngay từ khi nhận nhà cư dân đã thất vọng khi phát hiện hàng loạt vấn đề bất cập. Theo đó, ngay từ thời điểm nhận bàn giao nhà vào tháng 8/2018, hiện tượng nứt tường đã xảy ra hàng loạt đối với tất cả các tầng, bao gồm hành lang và bên trong căn hộ.
Điều đáng nói là cách xử lý của chủ đầu tư. Khi tường nứt quá nhiều đã tìm cách che lại những vết nứt bằng cách dán giấy dán tường ở tất cả các hành lang và thực hiện những biện pháp tạm thời khác để ẩn bớt các vết nứt trong căn hộ.
Đến khi các vết nứt xuất hiện ngay càng nhiều, chủ đầu tư mới thừa nhận đó là lỗi trong quá trình thi công xây dựng và đề nghị giải pháp nâng thời gian bảo hành đối với các bức tường lên 10 năm theo hình thức nứt đến đâu sẽ trát lại đến đó để khắc phục miễn phí.
Chung cư The Golden Palm được quảng cáo cao cấp với giá bán hàng tỉ đồng mỗi căn nhưng kể từ thời điểm thi công, bàn giao nhà đã vướng nhiều lùm xùm.
“Một căn hộ cao cấp có giá hàng tỉ đồng mà ngay từ khi về ở đã không nguyên vẹn, lại được khắc phục theo kiểu tạm bợ trát đi trát lại trong suốt 10 năm, làm sao dân chúng tôi chấp nhận được”, một cư dân bức xúc.
Về vấn đề quỹ bảo trì, anh Đặng Huy Vũ cho biết ban đầu chủ đầu tư cam kết sẽ thành lập một tài khoản riêng biệt để cư dân chuyển 2% phí bảo trì vào đó nhưng không thực hiện mà lại chuyển thẳng vào tài khoản của chủ đầu tư. Bình thường chủ đầu tư kinh doanh hiệu quả thì không sao nhưng nếu thua lỗ đồng nghĩa việc tiền của dân cũng biến mất.
Trước đó, chủ đầu tư đã đồng ý cung cấp thông tin về quỹ bảo trì trước ngày 15/10/2018, nhưng đến nay đã quá thời hạn nêu trên người dân vẫn chưa được cung cấp thông tin chi tiết.
Anh Vũ cho biết hiện nay phí dịch vụ là 10.000 đồng/m2, nhưng chỉ có một vài dịch vụ như dọn vệ sinh. Tình hình an ninh trật tự cũng không được đảm bảo khi tại đây đã hai lần công an phát hiện có đối tượng nghiện hút lẻn vào toà nhà.
“Một chung cư cao cấp nhưng người lạ chỉ cần đi qua khu trung tâm thương mại là có thể đến tầng sáu, từ đây có để đi đến khu vực căn hộ thì sao có thể nói an ninh đảm bảo”, anh Vũ nói.
Ngoài ra, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ - “sổ hồng” cũng chưa được chủ đầu tư thực hiện. Cư dân cho hay các gia đình nhận nhà vào ở hơn chín tháng qua nhưng chủ đầu tư vẫn chưa có động thái làm các thủ tục để chủ căn hộ làm sổ hồng. Nhiều lần cư dân đề nghị chủ đầu tư họp đối thoại nhưng họ đều “lẩn tránh” bằng cách cho những người không có thẩm quyền ra trả lời.
Tâm An
Theo cafeland.vn