Khốn khổ vì quy hoạch treo
Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri dày cả trăm trang tại kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM đang diễn ra (từ 10 - 12.7) cho thấy thực trạng nhức nhối: Người dân đã quá khổ sở vì quy hoạch treo. Dự án trung ương, địa phương treo khắp mọi quận huyện khiến dân “treo niêu”. Ngành chức năng TPHCM cũng cứ “nước đôi” rằng đề xuất kiến nghị chính sách giúp dân đỡ khổ, chứ triển khai hay không dự án treo còn… phụ thuộc tình hình kinh tế, chính trị thành phố từng giai đoạn.
Dự án Ga Bình Triệu treo gần 20 năm khiến người dân khốn khổ. Ảnh: Ngô Sơn
Quy hoạch treo, dân “treo niêu’
Theo báo cáo mới đây của TPHCM, tổng số dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư và dự án có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vào mục đích phát triển nhà ở, sản xuất - kinh doanh, phúc lợi công cộng trên địa bàn thành phố là 1.269 dự án, tổng diện tích đất 18.930ha.
Đến nay UBND TPHCM đã hủy bỏ, chấm dứt giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của 577 dự án với 5.915ha và điều chỉnh, cắt giảm quy mô diện tích của 10 dự án, giảm 33,8ha, tức gần một nửa số dự án đã bị hủy bỏ.
Dù 5 năm “quyết tâm” cắt được gần 1/2, nhưng TPHCM vẫn còn khoảng 700 dự án treo ngược, treo xuôi. Đồng nghĩa hàng trăm nghìn hộ dân trong vùng treo vẫn tiếp tục khổ ải. Nỗi thống khổ đó, dày đặc trong báo cáo của HĐND TPHCM tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.
Điển hình như Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi). Câu hỏi của cử tri huyện này trong báo cáo chỉ có 2,5 dòng, nếu ngồi phòng lạnh khó mà hình dung hết “Tình hình quy hoạch có gì thay đổi không? Các khu dân cư hiện hữu có xóa được quy hoạch không…?”. Nhưng nếu xuống dân mới thấm nỗi khốn khổ của họ.
Chỉ 1.700ha quy hoạch cây xanh của khu đô thị này thôi, 12.000 hộ dân với hơn 47.000 nhân khẩu của 5 xã, thị trấn huyện liêu xiêu suốt hơn 10 năm qua vì quy hoạch treo.
Không chỉ hướng bắc, phía đông thành phố, quy hoạch treo cũng tràn ngập và không hề thấy dấu hiệu hủy bỏ. Điển hình như dự án Ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được duyệt quy hoạch từ năm 2002 với diện tích khoảng 41ha. Đến nay, sau 16 năm, dự án vẫn còn nằm trên giấy, khiến cuộc sống của hơn 3.000 hộ dân, hơn 15.000 nhân khẩu khốn khổ.
Đất xung quanh lên “tấc vàng” hàng chục triệu đồng/m2, nhưng dân trong quy hoạch thì miễn sửa, xây mới dù nhà mục nát, chứ đừng nói bán buôn. 3.000 hộ dân sống tạm bợ, lay lắt 16 năm trời trên “đất vàng”, liệu những nhà quy hoạch có thấu hết?
Ở phía nam thành phố, cử tri huyện Bình Chánh bức xúc trong câu hỏi: Dự án giáo dục tại xã Hưng Long có thực hiện không? Dự án 42ha của ấp 6 xã Hưng Long kéo dài hơn 23 năm, có bỏ hay không?
TPHCM không thể giấu giếm HĐND với thực tế phũ phàng: Dự án Khu quy hoạch làng đại học tại xã Hưng Long (511ha) thuộc Khu đô thị Nam thành phố. Hiện UBND thành phố đã giao sở ngành... kêu gọi nhà đầu tư!
“Dự án Phi Long đã treo trên 20 năm. Người dân có đất mà không xây dựng được, không làm ruộng, không trồng trọt được”, là bức xúc của cử tri huyện Bình Chánh, lột tả một thực tế phũ phàng, khác với báo cáo sở ngành mỗi kỳ tổng kết đánh giá. Báo cáo của TPHCM cũng rất rõ: Cty TNHH tư vấn đầu tư Phi Long (chủ dự án) chưa hoàn tất mua bán thỏa thuận với dân, san lấp rạch trái phép, chưa lập quy hoạch 1/500…
Sai đến vậy, treo đến vậy thành phố đồng ý tiếp tục cho triển khai với sự “nhún nhường” đến kỳ lạ “đề nghị chủ đầu tư chấm dứt san lấp trái phép, khẩn trương lập quy hoach và thực hiện các bước tiếp theo…”.
Thừa nhận phũ phàng
Trong hàng loạt kiến nghị, chúng tôi đặc biệt lưu ý với đề nghị của cử tri huyện Bình Chánh, bởi đó là một căn nguyên dẫn tới dự án treo: Năng lực tài chính của chủ đầu tư! Người dân bức xúc “Đề nghị kiểm tra năng lực tài chính của các dự án kéo dài trên địa bàn xã, nếu không có khả năng thì trả lại đất cho dân sinh sống”.
Hỏi rõ là vậy nhưng câu trả lời của ngành chức năng huyện Bình Chánh khi báo cáo với thành phố để trả lời HĐND lại không trực diện về “năng lực đầu tư của chủ dự án” mà rất chung chung: Đã chấm dứt 24 dự án nhà ở, nhưng chỉ do… quá hạn 12 tháng không triển khai theo văn bản chấp thuận đầu tư. Còn hàng loạt dự án “treo niêu” dân khác thì vẫn đang trong quy trình đề xuất xử lý.
“Quy hoạch treo thành phố cần xem lại điều kiện, nguồn ngân sách để thực hiện cho phù hợp và không ảnh hưởng đến quyền lợi dân”, là kiến nghị rất… “nhẹ nhàng” của cử tri, nhưng lại cũng “nặng ký” như câu hỏi năng lực và phạm vi nó không chỉ dừng ở một chủ đầu tư, mà là chính quyền.
Và TPHCM cũng đã không phủ nhận một sự thật phũ phàng trong trả lời: Do nguồn lực tổ chức thực hiện các khu vực quy hoạch (chủ yếu quy hoạch cây xanh) tại các địa phương nói chung còn hạn chế. Dù thành phố đã chỉ đạo, các sở ngành theo chức năng kiến nghị cơ chế chính sách hạn chế gây ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư trong quy hoạch. “Tuy nhiên việc triển khai thực hiện dự án còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo từng giai đoạn”.
Đại biểu Trần Quang Thắng: Quy hoạch sai thì phải bỏ Quy hoạch treo tạo ra bất công, người dân đang sinh sống hợp pháp trên nhà cửa, ruộng vườn của mình. Như quy hoạch Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa treo hơn 20 năm qua, cuộc sống của người dân vùng quy hoạch rất khó khăn, nhà cửa chật chội, không phát triển được kinh tế, muốn bán cũng không có người mua hoặc phải bán với giá rất thấp. Ở Bình Quới - Thanh Đa có cặp vợ chồng lấy nhau lúc hơn 20 tuổi, rồi họ sinh 6, 7 người con, con lớn lại dựng vợ gả chồng và giờ đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng dự án vẫn bị treo. Treo như thế chứng tỏ quy hoạch sai và nếu quy hoạch sai thì phải bỏ quy hoạch đó. Đại biểu Cao Thanh Bình: Chủ đầu tư không đủ năng lực phải thu hồi Kỳ họp HĐND lần này các đại biểu sẽ đề nghị UBND và các sở, ngành tập trung rà soát tất cả các dự án mà đã thông qua chủ trương thu hồi đất nhưng chậm triển khai thực hiện. Tiếp đến đề nghị xem xét năng lực của chủ đầu tư nếu không còn đủ khả năng thì mạnh dạn đề xuất thu hồi. Đó là nguồn lực đất đai rất lớn, nếu thành phố lãng phí sẽ làm hạn chế động lực phát triển. Minh Quân - Ngô Sơn |
Ngô Nguyên - Minh Quân (Lao động)
Theo cafeland.vn