Khối ngoại vẫn âm thầm đổ bộ vào thị trường bất động sản
- Trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bất động sản Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng. Chẳng vậy mà nhiều doanh nghiệp bất động sản nước ngoài đang tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, không chỉ ở lĩnh vực nhà ở mà còn ở phân khúc bất động sản thương mại. Bên cạnh các chủ đầu tư “săn” dự án, một số doanh nghiệp môi giới ngoại cũng bước vào thị trường có hơn 90 triệu dân này.
Cùng với sự tiến triển nhanh chóng của xu hướng M&A, tính quốc tế của thị trường bất động sản Việt Nam đang trở nên rõ rệt. Ảnh: Thuận Nguyễn
Gia tăng sự hiện diện
Tập đoàn CapitaLand (Singapore) vừa công bố đã mua lại một dự án tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM. Trên khu đất rộng 6ha, CapitaLand sẽ xây dựng 100 căn nhà phố, dự kiến hoàn thiện vào năm 2021.
Đây không phải là dự án nhà phố đầu tiên mà doanh nghiệp đến từ đảo quốc sư tử này triển khai tại Việt Nam. Trước đó, dự án nhà phố D2eight cũng đã được bán hết chỉ trong một ngày khi giới thiệu ra thị trường vào tháng 4/2018.
Việt Nam là thị trường lớn thứ ba của CapitaLand tại khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Malaysia. Ông Lim Ming Yan, Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn CapitaLand, nhận định nhu cầu về nhà ở chất lượng tốt ở Việt Nam luôn cao vì nền kinh tế phát triển mạnh, tốc độ đô thị hóa nhanh và một tầng lớp cư dân ngày càng thịnh vượng tăng lên. Chính vì vậy, doanh nghiệp này ghi nhận tình hình hoạt động tại Việt Nam luôn tốt hơn theo từng năm.
Cũng trong mảng nhà ở, tháng 4/2018 Tập đoàn Nam Long công bố hợp tác với hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp và Nishi Nippon Railroad để phát triển dự án Akari City có diện tích 8,5ha tại quận Bình Tân. Trước đó, Nam Long cũng đã bắt tay với nhà đầu tư Nhật để thực hiện các dự án Mizuki Park với quy mô lên đến 26 ha, Kikyo Residence, Flora Sakura hay Fuji Residence.
Đi sau các tên tuổi quen thuộc như CapitaLand hay Keppeland, nhà phát triển bất động sản quốc tế Alpha King cũng đánh dấu sự hiện diện của mình tại Việt Nam bằng sự kiện ra mắt tại TP.HCM vào đầu quý 3/2018.
Đáng chú ý, trong lần đầu ra mắt, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài này cho biết đang có trong tay 3 dự án bất động sản quy mô lớn ở khu vực trung tâm quận 1, TP.HCM. Trong đó, có tòa nhà văn phòng hạng A Alpha Town trên đường trần Hưng Đạo và khu phức hợp Alpha City trên đường Cống Quỳnh.
Không chỉ ở phía các chủ đầu tư, các ông lớn môi giới ngoại cũng liên tục nhảy vào thị trường Việt, có thể kể đến những cái tên như PropNex (Singapore), hay ERA Real Estate (Mỹ).
Tính quốc tế đang rõ dần
Các chuyên gia cho rằng, nhờ vào nền kinh tế ổn định, cấu trúc dân số trẻ với tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ và tiềm lực tăng trưởng vốn đầu tư, thị trường bất động sản Việt Nam không ngừng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào thị trường bất động sản. Nhất là khi vốn đầu tư vào bất động sản đang bị hụt do ngân hàng giảm cho vay địa ốc thì nguồn vốn này càng quan trọng. Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng qua có 5,9 tỉ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ông Neil Mac Gregor, Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam, cho biết cùng với sự tiến triển nhanh chóng của xu hướng M&A, tính quốc tế của thị trường bất động sản Việt Nam đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết.
Hình thức phổ biến mà hầu hết nhà đầu tư nước ngoài ưa chuộng là mua phần lớn cổ phần của doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chiến lược phát triển dự án. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể mua cổ phần dưới dạng góp vốn hoặc mua một nửa số cổ phần để hợp tác đồng phát triển dự án.
Theo quan sát của Công ty Jones Lang LaSalle (JLL), một thương vụ thông thường mất 3 đến 6 tháng để hoàn thành. Tuy nhiên, quá trình này thường bị trì hoãn và kéo dài đến cả năm, thậm chí là 2 hoặc 3 năm.
Cán cân cung cầu cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng chính đến vấn đề này. Nhu cầu vượt quá cung, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều tập đoàn nội địa muốn tranh miếng bánh thị trường. Sự khan hiếm các dự án đạt chuẩn tại các khu bất động sản nóng như phía đông và nam TP.HCM, điển hình là khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, quận 9 và quận 7, hoặc khu trung tâm tài chính của quận 1, cũng là nguyên nhân làm giá tăng chóng mặt.
“Điều này không chỉ khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn với các đối tác địa phương có kỳ vọng giá cao, mà còn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các nhà đầu tư khác, với sự xuất hiện của nhiều nguồn vốn có khả năng đẩy giá lên cao”, bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc Bộ phận thị trường vốn tại Việt Nam của JLL cho biết.
Thanh Thịnh
Theo cafeland.vn