Do đã “treo” hơn 10 năm, UBND tỉnh Long An và UBND huyện Cần Giuộc quyết định xóa dự án, trả “giấy đỏ” lại cho dân, nhưng với điều kiện là dân phải trả lại tiền tạm ứng mà chủ đầu tư đã đặt cọc mua đất.
Nhiều người dân bức xúc, cho rằng chính quyền chỉ vì quyền lợi của mình và doanh nghiệp, chứ không quan tâm đến quyền lợi của người dân bị thiệt hại suốt thời gian qua.
Treo hơn 10 năm
Năm 2003, UBND tỉnh Long An có chủ trương quy hoạch Cụm công nghiệp gần 300ha tại ấp Hòa Thuận 1 và Hòa Thuận 2 (xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc). Để thực hiện dự án này, có 572 hộ dân trong vùng dự án bị giải tỏa, di dời. Các hộ dân chấp hành theo chủ trương của tỉnh. Thế là lệnh ngừng sản xuất, ngừng xây dựng, sửa chữa nhà cửa được ban xuống, các cơ quan chức năng tiến hành kê biên, áp giá đền bù… Đến tháng 3-2008, UBND huyện Cần Giuộc mới ban hành quyết định thu hồi đất của các hộ dân để giao cho chủ đầu tư làm dự án Cụm công nghiệp và khu tái định cư Nam Hoa (Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Nam Hoa làm chủ đầu tư). Đồng thời, đưa ra phương án giá đền bù và chi tạm ứng tiền cho các hộ dân bị giải tỏa, di dời.
Theo đó, mỗi 1ha bị thu hồi, địa phương sẽ tạm ứng tiền bồi thường cho dân là 250 triệu đồng. Có 486 hộ nhận tạm ứng tiền bồi thường, với số tiền hơn 60,5 tỷ đồng (còn lại 86 hộ không nhận tạm ứng tiền). Ai cũng tưởng dự án này sẽ được triển khai thực hiện, sau khi chủ đầu tư ứng tiền tạm ứng để Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện chi tạm ứng cho dân. Thế nhưng mọi thứ vẫn bất động, dự án vẫn “trùm mền”. Đến cuối tháng 6-2018, UBND huyện Cần Giuộc tổ chức họp dân trong vùng dự án để công bố “hủy quyết định thu hồi đất của dân làm dự án”. Đồng thời trả “giấy đỏ” lại cho dân, nhưng với điều kiện là dân phải trả lại tiền tạm ứng cho chủ đầu tư (!?).
Đất bỏ hoang vì dự án treo trên 10 năm, nay chuyển qua làm khu dân cư - thương mại - dịch vụ.
Lúc này, nhiều người dân rất bất bình, vì cho rằng huyện làm như thế là ép dân. Bởi theo họ, chủ đầu tư “ngâm” dự án trên 10 năm mà không triển khai thực hiện. Cũng ngần ấy thời gian, người dân trong vùng dự án không được sửa chữa, xây mới nhà dù nhà đã cũ nát, đất đai, ruộng vườn không được sản xuất hay mua bán… “Họ chi tạm ứng tiền cho dân cũng giống như đặt cọc tiền mua đất để làm dự án. Chủ đầu tư đã chậm triển khai thực hiện dự án hơn 10 năm, nay tuyên bố xóa dự án này luôn là họ đã vi phạm “hợp đồng”. Họ phải chịu mất tiền cọc, chứ sao nay lại bắt dân tụi tôi trả tiền cọc lại cho họ”- ông Trương Hữu Trí, một người dân trong vùng dự án, bức xúc cho biết.
Cũng theo ông Trí, gia đình ông bị thu hồi trên 5.000m2 đất lúa, nhận được tạm ứng tiền bồi hoàn thu hồi đất 125 triệu đồng. Theo nhẩm tính của ông Trí, trước đây ông làm lúa 2 vụ/năm, 1 công kiếm lời cũng khoảng 10 triệu đồng, 5 công là 50 triệu đồng. “Đã hơn 10 năm nay đất bị bỏ không vì dự án treo, vậy phần thiệt hại này có ai bồi thường cho dân không. Vậy mà bây giờ mấy ổng còn bắt dân trả lại tiền tạm ứng. Mấy ổng ép dân quá”- ông Trí bất bình. Còn bà Nguyễn Thị Bé, ở ấp Hòa Thuận 2, cũng bức xúc: “Đất nhà tôi bị thu hồi trên 3.000m2, được nhận một số tiền tạm ứng. Nay không làm dự án nữa, lại bắt dân trả lại tiền chi tạm ứng cho chủ đầu tư thì còn gì là công bằng, lẽ phải”.
Tỉnh chỉ đạo huyện đòi giùm tiền cho chủ đầu tư?
Không chỉ ông Trí, bà Bé mà rất nhiều người dân không đồng tình với cách làm của huyện Cần Giuộc “yêu cầu dân trả lại tiền tạm ứng cho chủ đầu tư”, dù chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng mua đất của người dân để làm dự án mà không thực hiện. Ngoài ra, người dân cũng “bức xúc” là tại sao nhiều lần họp dân và yêu cầu trả lại tiền tạm ứng cho chủ đầu tư dự án mà chỉ có cán bộ của huyện, của tỉnh dự… trong khi chủ đầu tư thì không dự.
Lý giải chuyện này, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, cho biết: “Chủ trương đòi lại tiền tạm ứng của dân để trả lại cho chủ đầu tư là chỉ đạo của tỉnh, phía huyện chỉ thực hiện theo lệnh cấp trên”. Cũng theo ông Thanh, tỉnh chỉ đạo đòi lại tiền tạm ứng cho chủ đầu tư, lý do là vì để giữ môi trường đầu tư của tỉnh!
Khi được hỏi chủ đầu tư có yêu cầu tỉnh, huyện đòi lại số tiền chi tạm ứng này không? Ông Thanh cho biết, trước đây chủ đầu tư có yêu cầu quy đổi số tiền chi tạm ứng trên 66 tỷ đồng ra tương ứng với giá trị diện tích đất tại dự án này; chủ đầu tư sẽ lấy phần đó là xong, nhưng tỉnh không đồng ý. Còn gần đây chủ đầu tư không có yêu cầu gì về chuyện đòi lại số tiền này (!).
Hiện UBND huyện đã trả lại cho 120 hộ với 113 giấy đỏ. Trong số này đã thu hồi được tiền tạm ứng của 64 hộ với số tiền trên 5,1 tỷ đồng. Do có nhiều hộ không chịu trả tiền tạm ứng nên tỉnh chỉ đạo, hộ nào cam kết trả lại tiền tạm ứng thì trả lại giấy đỏ, hộ nào không cam kết thì không trả lại giấy đỏ. Đây cũng là vấn đề bức xúc nhất của người dân trong vùng dự án “treo” này.
Theo tìm hiểu, dự án Cụm công nghiệp và khu tái định cư Nam Hoa sau hơn 10 năm “trùm mền”, nay được tách nhỏ thành 3 dự án dân cư - đô thị. Một là, dự án Dân cư tái định cư - Thương mại dịch vụ do Công ty CP phát triển Đông Sài Gòn làm chủ đầu tư với diện tích 92,6ha; hai là, dự án Dân cư - Thương mại - Dịch vụ do Công ty CP phát triển bất động sản Ánh Sáng - Đô thị làm chủ đầu tư với diện tích 90,7ha; ba là, dự án Dân cư - Thương mại - Dịch vụ do Công ty CP kinh doanh bất động sản Ánh Sáng - Đô thị làm chủ đầu tư với diện tích 97,8ha… |
Kiến Văn (SGĐTTC)
Theo cafeland.vn