Khiếu kiện về đất đai tại nhiều địa phương còn phức tạp
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng qua vẫn còn một số hạn chế như: Tiến độ xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, tiến độ xây dựng một số đề án còn chậm; việc khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn còn là vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương…
"Trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đạt nhiều thành tích đáng kể; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật về đất đai của các địa phương được xử lý kịp thời nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, Tổng cục cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 để trình Chính phủ trong tháng 2/2019, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 792 ngày 28/6/2018 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai".
Đây là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trườngLê Thanh Khuyến tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 do Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 19/7, tại Hà Nội.
Khu dân cư thương mại 586 (Hậu Giang) được xây dựng gần 15 năm qua và đến nay hầu hết nơi đây rơi vào cảnh hoang tàn. Ảnh: Duy Khương/TTXVN
Những chuyển biến tích cực
Những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng đầu năm Tổng cục Quản lý đất đai đạt được, đó là công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cải cách hành chính; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất; công tác đo đạc, đăng ký đất, cấp giấy và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai… hoàn thành cơ bản kế hoạch đề ra.
Tổng cục đã thực hiện cấp giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 96,9% tổng diện tích các loại đất cần cấp; đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 76% tổng diện tích tự nhiên (các loại tỷ lệ bản đồ); hoàn thành đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của 132/713 đơn vị cấp huyện (chiếm 18,5% tổng số huyện). Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, phục vụ đa mục tiêu và vận hành Chính phủ điện tử…
Tổng cục tiếp nhận tổng cộng 5.962 văn bản, trong đó có 1.392 văn bản có nội dung phải hướng dẫn, trả lời các cơ quan, đơn vị liên quan đến vướng mắc phát sinh trong thực hiện Luật Đất đai, trong đó có 235 văn bản Thủ tướng Chính phủ giao, liên quan đến xử lý một số vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Tổng cục cũng xử lý 356 ý kiến thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về những hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất thông qua đường dây nóng.
Tổng cục cũng đã tổ chức kiểm tra, làm rõ một số vụ việc nổi cộm báo chí phản ánh và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: Vụ việc chuyển mục đích rừng ở tỉnh Lâm Đồng; vụ việc chuyển mục đích từ đất thương mại - dịch vụ sang đất ở có thời hạn sử dụng lâu dài ở tỉnh Khánh Hòa…để đề xuất báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản chỉ đạo, xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Tổng cục triển khai 2 đoàn thanh tra tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và thành phố Cần Thơ; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện tốt Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án
Tại Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Đào Trung Chính cho rằng, dù đạt được những thành tích đáng kể trong 6 tháng vừa qua nhưng trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như tiến độ xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi, tiến độ xây dựng một số đề án còn chậm; việc khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai vẫn còn là vấn đề phức tạp ở nhiều địa phương…
Nguyên nhân chính là do quan hệ đất đai có tính chất phức tạp, nhạy cảm dễ ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị của đất nước, đời sống của nhân dân; việc phải xác định, rà soát lại chỉ tiêu sử dụng đất rừng trong phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 13 của Ban Bí thư và Nghị quyết 71 của Chính phủ cũng làm cho việc hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố còn chậm; nguồn lực dành cho công tác thanh tra chuyên ngành về đất đai còn hạn chế….
Do vậy, để tổ chức kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục cần chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng giao; tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về đất đai, tăng cường phối hợp với các Sở Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật. Nổi bật là công tác cấp giấy chứng nhận; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng…
Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm chỉ đạo các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là các nhiệm vụ cần chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện, như quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường, quản lý quỹ đất công, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt và tạo điều kiện cho Tổng cục Quản lý Đất đai thực hiện Dự án Điều tra, khảo sát xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013, đảm bảo điều kiện cần thiết để hoàn thành đúng kế hoạch.
Diệu Thúy (TTXVN)
Theo cafeland.vn