Khiếu kiện dai dẳng ở Khu công nghệ cao TP.HCM: Dự án nhiều sai sót
Sau khiếu kiện của người dân liên quan dự án Khu công nghệ cao, Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ vụ việc, chỉ ra nhiều sai phạm của quy trình thu hồi, bồi thường đất của dự án Khu công nghệ cao nhưng đến nay tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân vẫn chưa lắng dịu.
Khu công nghệ cao Q.9. Ảnh: Độc Lập
Thu hồi đất ngoài ranh
Ông Trần Lực, đại diện các hộ dân, khẳng định là tố cáo (không khiếu nại, phản ánh, kiến nghị) Chủ tịch UBND TP.HCM (thời kỳ triển khai dự án) những nội dung sau: đã chỉ đạo UBND Q.9 công khai quy hoạch không đúng bản đồ chi tiết 1/2.000 Khu công nghệ cao (KCNC) được phê duyệt theo điều 29 luật Đất đai năm 2003; điều 24, 32 luật Xây dựng năm 2003 nhưng lại sử dụng bản đo vẽ hiện trạng số 18426 được Sở TN-MT phê duyệt ngày 22.4.2004 để phục vụ cho công tác thu hồi đất, giao đất, công khai quy hoạch KCNC là chưa phù hợp quy định.
Hơn 10 năm qua, những hộ dân trú trong căn phòng rộng 20 - 30 m2 tại khu nhà 41 Tăng Nhơn Phú để khiếu kiện, tố cáo. Ảnh: Trung Hiếu
Việc UBND TP lúc ấy chỉ đạo UBND Q.9 tiến hành thực hiện đền bù, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại dự án KCNC nhưng không lập phương án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là trái với quy định. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương quy hoạch thành lập KCNC với tổng diện tích 872 ha tại Q.9, trong đó có 760 ha đất thu hồi của dân và 112 ha đất công.
Tuy nhiên khi thực hiện UBND TP lại thu hồi thêm hơn 334 ha ngoài diện tích đất được phê duyệt quy hoạch. Đáng chú ý, phần lớn 41 hộ khiếu nại, tố cáo kéo dài, gay go nhất lại rơi vào diện tích hơn 40,99 ha thu hồi mà họ cho rằng nằm ngoài ranh KCNC ở phường Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B...
Kết luận số 256 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) báo cáo Thủ tướng ngày 23.2.2008 đã chỉ ra trong quá trình triển khai dự án KCNC đã để xảy ra thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến khiếu kiện. Qua thanh tra, xác minh có một số nội dung tố cáo của người dân là có cơ sở như: việc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, không ban hành các quyết định thu hồi đất, việc công khai bản đồ quy hoạch có sai sót… Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới khiếu kiện phức tạp, làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi, thực hiện dự án.
Thu hồi đất nhầm… phường
Ngày 30.8.2017, một lần nữa TTCP có Văn bản số 2138 thông báo kết quả kiểm tra, xem xét việc khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân liên quan đến thu hồi, sử dụng đất dự án KCNC. Thông báo này sau đó cũng được TTCP họp công bố cho người dân liên quan. Trước đó, vào ngày 17.8.2017, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 370 thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan dự án KCNC TP.
253 hộ dân khiếu nại, tố cáo và chưa nhận tiền bồi thường Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, ngoài đơn thư tố cáo của 41 hộ dân, theo sổ sách tài chính có 253 hộ dân (trong đó có 232 hộ dân bị giải tỏa trong ranh 913 ha của dự án KCNC và 21 hộ dân bị thu hồi đất trong 9 dự án tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trong dự án KCNC) vẫn đang tranh chấp hoặc khiếu nại, tố cáo, phản ánh và chưa đồng ý nhận tiền bồi thường. |
Kết luận của TTCP xác định UBND TP ban hành Quyết định số 2666 ngày 27.6.2002 thu hồi và giao đất lần thứ nhất để thực hiện xây dựng KCNC với quy mô 804 ha tại 5 phường Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B (thuộc Q.9) là đúng thẩm quyền và phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Tuy nhiên, việc UBND TP mở rộng thu hồi và giao đất tại Quyết định số 2717 ngày 18.7.2003 với diện tích 6,9 ha và Quyết định 2193 ngày 19.5.2004 với diện tích khoảng 102 ha khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể KCNC, là chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng trình tự, thủ tục thu hồi và giao đất.
Đáng chú ý, trong 3 quyết định thu hồi đất của UBND TP số 2666 (804 ha), số 2717 (6,9 ha), số 2193 (102 ha) và Quyết định số 989 ngày 4.11.1998 của Thủ tướng Chính phủ (800 ha) không có tên P.Hiệp Phú, nhưng thực tế lại thu hồi đất tại P.Hiệp Phú và không thu hồi đất ở P.Phước Long B. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu nại gay gắt của các hộ dân bị thu hồi đất.
Đến ngày 1.11.2006 (sau 8 năm), UBND TP mới ban hành Quyết định số 4877 điều chỉnh, bổ sung địa danh đất thu hồi, thay đổi tên P.Phước Long B thành P.Hiệp Phú. UBND TP cũng thực hiện bổ sung một số trình tự và kiến nghị Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể dự án đầu tư từ 804 ha thành 913 ha...
TTCP cũng kết luận Chủ tịch UBND TP thời kỳ thực hiện dự án có thiếu sót là không lập phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc khiếu nại bức xúc kéo dài của nhiều hộ dân bị thu hồi đất. Trách nhiệm để xảy ra thiếu sót trên là UBND TP, Sở Tài chính, UBND Q.9 và Ban Quản lý KCNC.
Người dân chưa đồng tình kết luận thanh tra
Dù kết luận của TTCP đã chỉ ra nhiều điểm sai sót trong quá trình thực hiện dự án KCNC nhưng đến thời điểm này, nhiều hộ dân liên quan vẫn chưa đồng tình với kết luận của TTCP. Ông Hồ Thanh, một người dân bị ảnh hưởng bởi dự án KCNC, cho hay người dân sẵn sàng để nhà nước thu hồi nhưng phải làm đúng pháp luật và phải có quyết định thu hồi.
Tuy nhiên đến giờ này, các hộ dân bị cưỡng chế vẫn chưa nhận được quyết định thu hồi đất. Chỉ vào tháng 9.2015, UBND Q.9 ra hàng loạt quyết định cưỡng chế để dỡ nhà, thu hồi đất của dân trái luật.
“Chính việc làm này đã khiến cho bao gia đình nhà tan cửa nát, người dân bỗng chốc trắng tay, đẩy nhiều gia đình vào cảnh cùng cực”, ông Thanh nói và đề nghị chính quyền hãy làm đúng pháp luật để giải quyết thỏa đáng yêu cầu của người dân. “Người dân đã chấp nhận trăm cay nghìn đắng đến giai đoạn này.
Nếu trong Thông báo 370 mà chính quyền TP không giải quyết cho dân hợp tình, hợp lý, thì chúng tôi sẽ tiếp tục ra T.Ư khiếu nại tố cáo đến cùng”, ông Thanh khẳng định.
Trong buổi làm việc lần thứ 17 với Ban Tiếp công dân của UBND TP vào ngày 6.6.2018 mới đây, đại diện các hộ dân vẫn giữ nguyên quan điểm cứng rắn trên. Dự kiến trong tuần này, lãnh đạo UBND TP sẽ làm việc với các đại diện hộ dân từng tố cáo kéo dài.
Có sai phạm về tài chính Trong Văn bản số 2138, TTCP cũng chỉ ra đối với công tác quản lý sử dụng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), TTCP chỉ rõ việc Ban Quản lý KCNC và Ban Bồi thường GPMB Q.9 lập thủ tục rút vốn bồi thường của dự án từ tài khoản Kho bạc Nhà nước về 2 ngân hàng tại Q.9 để thực hiện bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án và chuyển tiền theo tiến độ mua các khu tái định cư là không đúng với Nghị định số 60/2003 của Chính phủ và Thông tư 59 của Bộ Tài chính. Việc này dẫn đến thiếu khâu kiểm soát theo quy định của luật Ngân sách, hậu quả là Ban Quản lý KCNC và Ban Quản lý GPMB Q.9 đã thực hiện chi tạm ứng lấy từ nguồn kinh phí bồi thường GPMB của dự án cho các chủ đầu tư (Công ty TNHH MTV phát triển KCNC, Công ty CP Kiến Á, Công ty quản lý và phát triển đô thị Q.9) để triển khai xây dựng dự án tái định cư. Đây là hình thức chiếm dụng vốn ngân sách nhà nước. Việc thực hiện ứng vốn ngân sách từ nguồn kinh phí bồi thường, GPMB của dự án để mua căn hộ chung cư hoặc nhận chuyển nhượng nền đất ở của 8 dự án phục vụ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong dự án KCNC từ năm 2002 đến nay vẫn chưa thực hiện quyết toán với Sở Tài chính để hoàn trả số tiền tạm ứng. Việc Ban Bồi thường Q.9 tiếp tục lập thủ tục mở sổ tiết kiệm tại Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Q.9 cho 128/232 hộ không chịu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ hơn 60 tỉ đồng từ sau ngày 1.10.2009 là trái với Nghị định 69/2009 của Chính phủ và luật Đất đai… Trách nhiệm để xảy ra các thiếu sót kể trên trong quản lý nhà nước là của UBND TP, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND Q.9, Ban Quản lý KCNC, Kho bạc TP và Kho bạc Q.9. Tháng 1.2018, Sở Nội vụ đã có báo cáo về kết quả tổ chức kiểm điểm xong đối với 7 đơn vị có liên quan (phê bình, rút kinh nghiệm). |
Trung Hiếu (Thanh Niên)
Theo cafeland.vn