Khi vợ Việt, chồng Tây tranh chấp nhà đất sau ly hôn
Trước đây, pháp luật không cho phép người nước ngoài được sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Vì vậy, nhiều người nước ngoài đã để vợ hoặc chồng đứng tên chủ sở hữu tài sản. Cũng vì thế mà khi hôn nhân tan vỡ, những tranh chấp nảy sinh.
Ông Trần Đức Tuấn (đại diện ủy quyền của ông Y.) cho biết đang kháng cáo bản án chia tài sản chung lên cấp phúc thẩm - Ảnh: T.L.
Cho rằng khối tài sản có giá trị hơn 400 tỉ đồng chủ yếu do mình tạo lập lại bị tòa tuyên cho vợ cũ, ông C.K.Y. (65 tuổi, quốc tịch Singapore, hiện ngụ tại quận 2, TP.HCM) đang gửi đơn tố cáo và kêu cứu đến các cơ quan chức năng.
Tranh chấp hàng triệu USD
Năm 2003, ông C.K.Y. kết hôn với bà C.H.L. (ngụ tại TP.HCM) và có con chung. Năm 2016, do mâu thuẫn, họ ly hôn. Sau khi ly hôn, do không thỏa thuận được việc chia tài sản nên ông Y. đã khởi kiện ra tòa. Tài sản tranh chấp là 8 bất động sản nằm rải rác từ Hải Phòng đến TP.HCM đều do bà L. đứng tên chủ sở hữu, giá trị hơn 400 tỉ đồng,
Tại đơn khởi kiện, ông Y. cho rằng việc tạo lập và phát triển các tài sản này đều nhờ vào công sức và trình độ của ông. Bởi ông là tiến sĩ tại Anh, là thành viên hiệp hội kỹ thuật tại Mỹ, là một trong những chuyên gia nước ngoài có trình độ cao tại Việt Nam. Trong khi đó, bà L. chỉ là một phụ nữ bình thường, không có nghề nghiệp ổn định nên không thể đóng góp nhiều công sức vào khối tài sản.
Phía ông Y. đã nộp cho tòa các bảng sao kê tài khoản từ năm 1988 - 2016, trong đó liệt kê nhiều lần mẹ, chị ông Y. gửi tiền và ông rút tiền. Những lần rút tiền này phù hợp với thời gian mà bà L. mua nhà đất tại Việt Nam. Do đó, ông Y. đề nghị được chia 80% giá trị tài sản.
Phản bác lại ý kiến của chồng cũ, bà L. cho rằng 8 bất động sản tranh chấp đều do bà mua bằng nguồn tiền riêng. Bà L. nộp cho tòa một số văn bản thỏa thuận và cam kết về tài sản được bà và ông Y. lập tại văn phòng công chứng.
Các thỏa thuận này có nội dung các bất động sản do bà L. nhận chuyển nhượng bằng tiền riêng, ông Y. không có đóng góp gì, bà là chủ sử dụng duy nhất và có quyền định đoạt tài sản. Tuy nhiên, ông Y. cho rằng do ông là người nước ngoài, ngôn ngữ chính là tiếng Anh và vì tin tưởng vợ nên mới ký các văn bản nêu trên để níu kéo hôn nhân.
Xử sơ thẩm, TAND quận 2 nhận định ông Y. sinh sống tại Việt Nam hơn 30 năm, nói và đọc tiếng Việt thành thạo. Tại các văn bản thỏa thuận phân chia tài sản riêng vợ chồng, ông đều ghi chữ đã đọc và hiểu nội dung liên quan... Từ đó, tòa bác yêu cầu khởi kiện của ông.
Hiện ông Y. đang kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Theo người đại diện ủy quyền của ông Y., mặc dù có bản thỏa thuận phân chia tài sản là mua bằng tiền riêng, nhưng tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân thì phải là tài sản chung của hai vợ chồng. Bà L. nói tài sản riêng thì cần chứng minh mua bằng nguồn tiền riêng nào.
Nên tự bảo vệ mình
Nói về các trường hợp như nêu trên, ông Ngô Thế Tiến (giảng viên Học viện Tư pháp) thẳng thắn đưa ra cảnh báo: pháp luật không cho phép người nước ngoài đứng tên bất động sản tại Việt Nam. Vì vậy người nước ngoài nên tuân thủ pháp luật để bảo vệ mình. Nếu không tuân thủ pháp luật, đầu tư không hợp pháp hay tin tưởng vợ/chồng mà để họ đứng tên sở hữu tài sản của mình thì phải chấp nhận rủi ro có thể xảy ra.
Bà Trương Thị Minh Thơ - nguyên thẩm phán tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM - cho biết tài sản được vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân thuộc sở hữu chung của hai vợ chồng. Nếu được tặng cho riêng, thừa kế riêng thì mới là tài sản riêng.
Đối với tài sản mà một trong hai bên cho rằng là của chung nhưng lại có thỏa thuận bằng giấy tờ xác nhận sở hữu riêng của vợ hoặc chồng, được công chứng thì đương nhiên tài sản đó thuộc sở hữu riêng, không cần phải chứng minh khi vợ chồng mâu thuẫn ra tòa ly hôn.
Tòa án cũng không có trách nhiệm chứng minh thay cho các bên, trừ trường hợp thỏa thuận trái pháp luật nhằm trốn tránh nghĩa vụ phải thực hiện.
Để tránh những tranh chấp giữa vợ/chồng nên có thỏa thuận về tài sản. Nếu ái ngại thì cả hai vợ chồng nên đi mua tài sản và cùng đứng tên trên giấy mua bán. Trường hợp người nước ngoài không thể đứng tên quyền sở hữu nhà, đất thì để vợ hoặc chồng là người Việt đứng tên. Khi đó, vẫn có chứng cứ chứng minh đây là tài sản sở hữu chung Bà Trương Thị Minh Thơ |
Ngay trong bản án vụ tranh chấp tài sản của ông C.K.Y., tòa án cũng cho rằng thời điểm bà L. mua nhà đất, pháp luật Việt Nam chỉ không cho phép người nước ngoài đứng tên trên sở hữu nhà và quyền sử dụng đất chứ không cấm ông Y. đứng tên trên các giấy tờ thỏa thuận trước khi xác lập hợp đồng mua bán công chứng như hợp đồng đặt cọc, giấy biên nhận tiền. Tuy nhiên, ông Y. lại không đứng tên trên các giấy tờ này.
Luật gia Nguyễn Thanh Lương - Hội Luật gia TP.HCM - đưa ra cảnh báo: qua các vụ tranh chấp tài sản có nhân tố nước ngoài cho thấy các "ông Tây" thường hay để vợ Việt Nam đứng tên tài sản. Vì vậy cần phải nắm vững 2 vấn đề cơ bản: Thứ nhất là đảm bảo tính trung thực ai là người chủ sở hữu và sử dụng đích thực về tài sản khi xác lập văn bản chứng từ pháp lý. Thứ hai, phải tìm hiểu tính pháp lý có liên quan đến tài sản và hậu quả pháp lý khi có tranh chấp xảy ra để tránh không bị trắng tay.
Thực tế, trường hợp chồng là người nước ngoài lấy vợ Việt Nam dẫn đến tranh chấp tài sản do vợ đứng tên rất nhiều.
Cuối năm 2011, ông Nguyễn Đức An (quốc tịch Mỹ) đã khởi kiện ra tòa đòi vợ cũ là siêu mẫu Phạm Thị Ngọc Thúy phải trả lại số tài sản trị giá khoảng 288 tỉ đồng mà ông nhờ đứng tên khi hai người còn là vợ chồng. Theo đó, do ông An mang quốc tịch Mỹ nên phải nhờ vợ đứng tên sở hữu các tài sản ông mua tại Việt Nam gồm hàng chục căn hộ, lô đất, biệt thự tại các dự án lớn ở TP.HCM và Phan Thiết…
Tâm Lụa (Tuổi trẻ)
Theo cafeland.vn