Khánh Hòa: Chính quyền buông lỏng quản lý, xây dựng trái phép tràn lan
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tình trạng xây dựng trái phép diễn ra phức tạp.
Nguyên nhân chính là do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, dẫn đến những hậu quả khó giải quyết.
Nhiều căn nhà xây dựng trái phép tại xã Vĩnh Thái.
Tại thành phố Nha Trang, tình trạng xây dựng trái phép diễn ra phức tạp ở xã Phước Đồng. Tại đây đã hình thành nhiều khu dân cư trái phép trên các sườn đồi, núi. Hàng trăm căn nhà, với diện tích mỗi căn từ 30-50m2, được xây dựng tạm bợ, chen chúc nhau trên đất rừng. Điện, nước sinh hoạt, đường giao thông đều do người dân tự xây dựng.
Sau khi bị sạt lở, không đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã không cho người dân xây dựng lại nhà ở. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn diễn ra ngay cả khi có đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Từ năm 2017 đến nay, tại thành phố Nha Trang có khoảng 1.200 căn nhà xây dựng trái phép. Trong đó, hơn một nửa số căn nhà không đủ điều kiện để cấp phép vì xây dựng trên đất quy hoạch.
Bên cạnh những nhà dân cũng có nhiều doanh nghiệp xây dựng các nhà xưởng với quy mô hàng ngàn mét vuông để phục vụ khách du lịch nước ngoài.
Tình trạng xây dựng trái phép không chỉ diễn ra tại xã Phước Đồng mà còn xảy ra ở xã Vĩnh Thái, nơi được quy hoạch trung tâm hành chính tỉnh Khánh Hòa. Tình trạng xây dựng trái phép diễn ra tràn lan. Trong khi đó, công tác quản lý tại các địa phương còn buông lỏng.
Tp Nha Trang cưỡng chế xây dựng trái phép tại xã Vĩnh Thái.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, nhiều cán bộ lãnh đạo xã, phường đã bị kỷ luật, điều chuyển vì liên quan đến xây dựng trái phép.
"UBND thành phố xin nhận trách nhiệm, khuyết điểm. Có sự buông lỏng quản lý Nhà nước của chính quyền cơ sở, vai trò tham mưu của phòng, ban trực thuộc thành phố cũng chưa đến nơi, đến chốn. Và việc chỉ đạo của Lãnh đạo UBND thành phố cũng chưa được quyết liệt, chưa được rốt ráo, dẫn đến các khu vực tự phát bị hình thành kéo dài", ông Khánh nói.
Khu vực xóm Núi xã Phước Đồng có nhiều nhà xây dựng trái phép bị sạt lở.
Việc xây dựng trái phép đã hình thành các khu dân cư tự phát, không đảm bảo an toàn về hạ tầng cơ sở phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, đời sống của người dân; dễ xảy ra sạt lở để lại nhiều hệ lụy. Việc giải quyết hậu quả, đưa người dân đến nơi ở an toàn đòi hỏi nguồn kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, các khu dân cư xây dựng trái phép là nỗi lo lớn khi bước vào mùa mưa lũ: "Trách nhiệm quản lý đất đai, xử phạt vi phạm hành chính đất đai, nắm bắt việc cư trú vẫn để tồn tại kéo dài qua nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ. Chưa bao giờ, chúng ta thấy ở Nha Trang một cơn lũ như vậy, 22 người, kể cả cán bộ thôn bị thiệt hại về tính mạng. Đây là điều đáng lo ngại trong mùa mưa lũ tới, với tình trạng như hiện nay, nếu như chúng ta không có giải pháp."
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu thành phố Nha Trang rà soát, phân loại đối với các hộ xây dựng trái phép, từ đó, có hướng xử lý phù hợp. Đồng thời xử lý kiên quyết các trường hợp xây dựng trái phép mới, tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ các trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản.
Ông Lê Đức Vinh cho biết: "Đã có biên bản, quyết định cưỡng chế, tháo dỡ rồi thì phải tiến hành tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, để đảm bảo tính thực thi của pháp luật và răn đe những trường hợp lợi dụng sự lỏng lẻo của các địa phương để xây dựng trái phép, không phù hợp quy hoạch. Tổ liên ngành của thành phố Nha Trang thường xuyên kiểm tra, lập biên bản, tổ chức tháo dỡ nhanh và không thể kéo dài, chậm hơn bất kỳ thời gian nào nữa. Phải kiên quyết vấn đề này.".
Thái Bình (VOV)
Theo cafeland.vn