JLL: Nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm bất động sản công nghiệp
- Nói về cơ hội mới của thị trường bất động sản, bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bất động sản công nghiệp vẫn đang là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, như các quỹ đầu tư Mỹ, hay các tổ chức từ Hong Kong. Các nhà đầu tư này đang tìm kiếm những quỹ đất sạch, các nhà xưởng có sẵn để bước đầu tham gia vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn bất động sản 2020: Cơ hội mới từ chính sách và thị trường vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết, những tháng đầu năm 2020, mức độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã chậm lại, thấp hơn 2019 nhưng Chính phủ đã có những động thái tích cực hỗ trợ nền kinh tế, do đó kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ phục hồi đáng kể trong thời gian tới.
Trên thị trường lãi suất, Chính phủ đã có những động thái tích cực và kịp thời, lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản có thể huy động vốn dễ dàng hơn.
Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam
“Hiện tại, dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam là Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Có rất nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường đó là những thỏa thuận hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA) được ký kết. Các nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh dạn và tự tin với thị trường Việt Nam khi Việt Nam đang là điểm sáng đầu tư so với các nước trong khu vực”, bà Vân Khanh cho hay.Bà Vân Khanh cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường bất động sản Việt Nam là nguồn vốn FDI. Trong 10 năm trở lại đây, nguồn vốn này đã có sự tăng trưởng liên tục, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2020 đã có phần chậm lại. Dự kiến nếu dịch Covid-19 được kiểm soát thì lượng vốn FDI sẽ có xu hướng tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm.
Theo bà Vân Khanh, bất động sản công nghiệp vẫn đang là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, như các quỹ đầu tư Mỹ, hay các tổ chức từ Hong Kong. Các nhà đầu tư này đang tìm kiếm những quỹ đất sạch, các nhà xưởng có sẵn để bước đầu tham gia vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Bà Vân Khanh dẫn ví dụ như Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đã mạnh mẽ đầu tư vào thị trường Việt Nam với tổng số 4 nhà máy hiện hữu tại Việt Nam. BW Industrial – một nền tảng công nghiệp được thành lập giữa quỹ đầu tư quốc tế và nhà phát triển Việt Nam - đơn vị này cũng đã có quỹ đất lên tới 380ha tại 7 thành phố của nước ta để phát triển về bất động sản công nghiệp cho thuê. Hay Samsung – nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng nguồn vốn đăng ký 17 tỷ USD. Samsung đã trao đổi với tỉnh Hòa Bình để mở rộng 1.300 ha đất trong năm 2019...
Về hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trên thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua, bà Vân Khanh cho biết, giai đoạn 2017 – 2019 thị trường rất năng động với nhiều thương vụ M&A tiêu biểu như Lotte liên doanh với FLC, phát triển dự án 6,4ha tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội; Keppel Land liên doanh cùng Phú Long phát triển dự án khu dân cư tại Nhà Bè, TPHCM; Nomura mua lại 100% tòa nhà Zen Plaza tại Nguyễn Trãi, Quận 1, TPHCM... Quý I/2020 ghi nhận một giao dịch M&A trên thị trường bất động sản đó là Tập đoàn Mitsubishi và Công ty TNHH Bất động sản Nomura đã mua 80% cổ phần trong giai đoạn 2 dự án Grand Park tại quận 9, TPHCM.
Nói về phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường bất động sản trong nước, bà Vân Khanh cho hay, nhà đầu tư mới tham gia thị trường đang “tạm dừng”, trong khi các nhà đầu tư địa phương và nước ngoài am hiểu thị trường vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội đầu tư. Các giao dịch đang diễn ra sẽ tiếp tục với tốc độ tương đối chậm hơn nhưng vẫn nhắm mục tiêu hoàn thành giao dịch.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn chuộng hình thức liên doanh với nhà đầu tư trong trước để thực hiện các dự án nhà ở.
Trường Anh
Theo cafeland.vn