Huyện nghèo xây tượng đài 48 tỷ: "Nên làm nhưng không nhất thiết phải đầu tư hàng chục tỷ"
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định cho rằng, chỉ nên làm tượng đài quy mô hợp lý ghi lại dấu ấn sự kiện lịch sử với số tiền vừa phải.
Công trình tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh (xây dựng ở đồi Lâm Viên, thị trấn Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng dự kiến hoàn thành tháng 7/2020, nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII trong tháng 8/2020.
Song ông Lê Quang Ân - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Vĩnh Thạnh (cơ quan đại diện chủ đầu tư công trình tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh) cho biết trên báo Dân Việt, công trình sẽ chậm tiến độ, đã được xin gia hạn đến ngày 2/9.
Nhìn nhận về việc huyện nghèo Vĩnh Thạnh xây tượng đài 48 tỷ đồng, ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định) nói với PV Dân Việt, tổng mức đầu tư quá lớn.
Ông Hòa nói: "Đây là di tích lịch sử, cần phải xây 1 cái gì đó để lưu lại sự kiện dân tộc, việc này nên làm nhưng không nhất thiết phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây tượng đài.
Kinh phí ở đây tỉnh sẽ rót 70% nhưng số tiền để làm công trình là rất lớn, quá quy mô. Tôi nghĩ chỉ nên làm tượng đài quy mô hợp lý ghi lại dấu ấn sự kiện lịch sử với số tiền vừa phải nhưng đạt được mục đích".
Đồng quan điểm với ông Ân, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp bày tỏ trên báo Kiến Thức, số tiền bỏ ra xây tượng đài ở huyện nghèo Vĩnh Thạnh tương đối lớn.
Theo ông Hòa, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Vĩnh Thạnh còn nhiều khó khăn, số tiền gần 50 tỷ nếu tập trung hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn thì rất tốt. Tượng đài bây giờ không xây thì sau này xây cũng được, khi mà cuộc sống của người dân ổn định thì sẽ nhận được sự đồng thuận cao, làm tăng ý nghĩa của công trình. Ngoài ra, có thể xây dựng biểu tượng cũng mang nhiều ý nghĩa, vừa tiết kiệm kinh phí hỗ trợ người dân vừa vẫn đảm bảo ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa.
Đại Biểu Hòa nói, việc xây dựng tượng đài khởi nghĩa, anh hùng dân tộc mang ý nghĩa rất trọng đại, nhưng không phải vì thế mà địa phương nào cũng phải xây, nên xem xét cẩn thận.
"Các huyện nghèo có đồng bào dân tộc đều được trợ cấp từ ngân sách Trung ương đưa về để chi trả. Việc xây dựng cơ bản như xây trụ sở hành chính, xây tượng đài, xây dựng công trình công cộng, công viên nếu lấy tiền từ trung ương, từ tỉnh về thì phải xin ý kiến từ cấp trên để xây dựng.
Do đó phải xem xét lại cho chu đáo, cho cặn kẽ, phải cân đong đo đếm cái nào có lợi, có nhất thiết xây dựng hay không khi hiện nay chúng ta đang nghèo, đang khó khăn. Từ đó, tính toán cụ thể cho phù hợp và cần phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền xem có đồng ý, chấp thuận hay không", Đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Công trình tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh có tổng mức đầu tư xây dựng hơn 48 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện Vĩnh Thạnh huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa khác. Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết trên Tiền phong, ý tưởng xây dựng công trình tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã có từ nhiều nhiệm kỳ trước, đến nhiệm kỳ 17 này UBND tỉnh mới cho chủ trương xây dựng, hiện công trình đã hoàn thành được 50%. Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh Lê Văn Đẩu nói, hầu hết nguồn vốn xây dựng tượng đài do UBND tỉnh hỗ trợ, huyện chỉ đối ứng 1 ít từ nguồn xã hội hóa, chứ không lấy vốn sự nghiệp hay vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia như nguồn của Chương trình 30a hoặc từ Chương trình 135 ra làm. "Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được xây dựng là nhằm lưu lại lịch sử đấu tranh oanh liệt của quân và dân Vĩnh Thạnh, nhìn vào đó các thế hệ trẻ ở địa phương có thể ôn lại truyền thống đấu tranh dũng cảm của cha ông", báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời Chủ tịch Đẩu. |
Theo Tổ Quốc
Theo cafeland.vn