Hinode City còn nợ 143 tỉ đồng tiền sử dụng đất
- Số tiền sử dụng đất phải nộp của dự án là hơn 474 tỉ đồng,nhưng đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư vẫn còn nợ hơn 143 tỉ đồng.
Dự án xây dựng khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ, tên thương mại là Hinode City tại số 201 phố Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư.
Dự án có diện tích sử dụng đất là 28.176m2, với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng; tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh từ quý 1-2017 đến quý 1-2021.
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), nguồn gốc đất trước khi chuyển đổi mục đích do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng thuê làm trụ sở làm việc và nhà xưởng. Đến năm 2011 UBND TP. Hà Nội cho phép thực hiện đất để thực hiện dự án.
Ngày 17-9-2012, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 4095 phê duyệt số tiền sử dụng đất là hơn 474 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến ngày 28-2-2017 chủ đầu tư mới nộp đủ số tiền trên vào ngân sách nhà nước.
Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư còn nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỉ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, chủ đầu tư còn nợ 143 tỉ đồng tiền sử dụng đất.
TTCP cho biết, theo báo cáo giải trình của UBND TP. Hà Nội và chủ đầu tư, trong thời gian thực hiện dự án Hinode City, chủ đầu tư đồng thời ứng trước vốn để đầu tư xây dựng 1.050 căn hộ tái định cư thuộc dự án Khu tái định cư, công viên cây xanh và trung tâm thể dục tại phường 12, quận Bình Thạnh và 1.570 căn hộ tái định cư (khu 2) thuộc khu dân cư 38,4ha, phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM với giá trị hơn 4.000 tỉ đồng.
Đến nay cả 2 dự án trên đã hoàn thành và bàn giao cho UBND TP.HCM nhưng ngân sách thành phố vẫn còn khoảng 533 tỉ đồng (tiền của chủ đầu tư xây dựng hạng mục kỹ thuật toàn khu dự án Khu tái định cư phường 12, quận Bình Thạnh) chưa thanh toán.
Vì vậy, chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ đề nghị xem xét, giải quyết không tính tiền chậm nộp số tiền hơn 143 tỉ đồng nêu trên theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính.
Cũng theo TTCP, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án Hinode City không đúng quy định.
Theo đó, liên ngành gồm Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Cục thuế trình UBND TP. Hà Nội phê duyệt tiền sử dụng đất đã đưa khoản chi phí kiểm định chất lượng phù hợp công trình (1%) chi phí xây dựng vào tổng thể chi phí phát triển để giảm trừ khi xác định giá thu tiền sử dụng đất không định quy định của Bộ Tài chính, với số tiền là hơn 25 tỉ đồng.
Dự án do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư.
TTCP nêu rõ, trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Cục thuế Hà Nội và chủ đầu tư dự án.
Theo tìm hiểu, dự án Hinode City được UBND TP. Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư số 1 cho Vietracimex vào ngày 23-9-2011. Quy mô đầu tư dự kiến là xây dựng công trình theo quy hoạch tổng mặt bằng điều chỉnh tỷ lệ 1/500 được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận với quy mô khu đất gồm 1 tòa nhà hỗn hợp 26 tầng có chức năng dịch vụ thương mại, dịch vụ văn phòng, nhà ở; 2 tòa nhà chung cư cao 26 tầng; 1 trường mẫu giáo, nhà trẻ 4 tầng; công trình trụ sở UBND phường 5 tầng; trụ sở công an phường 5 tầng.
Đến ngày 25-5-2017, dự án được Hà Nội chấp thuận điều chỉnh, theo đó, tổng số căn hộ được điều chỉnh từ 810 căn tăng lên 1.099 căn (tăng 289 căn do điều chỉnh cơ cấu căn hộ). Quy mô dân số được điều chỉnh từ 3.842 người lên 4.001 người (tăng khoảng 159 người). Tổng mức đầu tư dự kiến được điều chỉnh từ 6.952 tỉ đồng xuống còn 4.825,65 tỉ đồng (giảm 2.126,35 tỉ đồng). Thời gian thực hiện dự án là 5 năm từ năm 2011 – 2016 được điều chỉnh thành từ năm 2017 – 2021.
Hinode City cũng là dự án được điểm tên trong danh sách 92 dự án bị chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng do Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố mới đây.
Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết, ngày 3-1-2018, đơn vị đã thực hiện đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là toàn bộ dự án Hinode City tại Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Cao Thuỳ
Theo cafeland.vn