Hàng ngàn hộ dân “sống treo” trong Kinh thành Huế
Hàng chục năm qua, khoảng 4.200 hộ dân với hàng vạn nhân khẩu ngày qua ngày sống thấp thỏm, tạm bợ trong những căn nhà lụp xụp, dột nát thuộc Khu vực 1 di tích Kinh thành (KV1DTKT) Huế. Thực trạng này đã khiến di tích (DT) ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng và cùng với đó, môi trường trong khu vực DT ô nhiễm nghiêm trọng, nảy sinh nhiều tệ nạn...
Nhiều hộ dân sống ở di tích Hộ Thành Hào xả rác xuống các kênh, hồ gây ô nhiễm môi trường di tích nghiêm trọng.
Khát khao sớm được an cư
Cụ Nguyễn Thị Gái (72 tuổi, trú P. Thuận Lộc, TP Huế), một trong những người đến sinh sống đầu tiên trên Thượng Thành, cho biết, 3 thế hệ gia đình cụ sống tại đây nhưng vì nằm trong KV1DTKT Huế nên nhà không được phép cơi nới, xây dựng kiên cố. Mỗi khi có bão lũ lại dắt díu nhau đến ở nhờ nhà khác kiên cố hơn. “Ai chẳng muốn an cư lạc nghiệp. Tui nghe nói việc di dời tái định cư đã lâu rồi, cách đây cả chục năm nhưng hiện vẫn chưa thấy động tĩnh gì”- cụ Gái tâm sự. Bà Lê Thị Duyệt (59 tuổi, trú P.Thuận Thành, TP Huế) do hoàn cảnh nghèo khó nên hơn 50 năm nay, cả nhà sống nương nhờ đất trong KV1DTKT Huế. Căn nhà cấp 4 của bà đã xập xệ nay mỗi khi trời mưa, nước dột chảy lênh láng khắp nơi. “Ở đây nhà nào cũng tồi tàn, ẩm mốc, mất vệ sinh. Khổ nhất là khi mưa bão đến hoặc nhà nào có đám tang thì khó khăn lại chồng chất. Nhưng muốn sửa sang lại thì không được phép. Người dân chỉ khát khao, mong Nhà nước sớm bố trí cho một chỗ ở để có cuộc sống ổn định”- bà Duyệt chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch UBND P.Thuận Lộc, cho biết, hơn 400 hộ dân đang ở khu vực Thượng Thành - Eo Bầu đa phần là lao động phổ thông. Việc di dời, tái định cư cho các hộ dân diễn ra quá chậm khiến cuộc sống của bà con gặp muôn vàn khó khăn, nhất là khi mưa bão. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân đều có nguyện vọng muốn sớm được di dời để an cư lạc nghiệp. Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc TTBTDT cố đô Huế cho biết, theo thống kê, năm 1995 có 1.838 hộ dân (hộ chính) sống tại KV1DTKT Huế, năm 2003 tăng thêm 438 hộ. Đến năm 2018, có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống, trong đó gần 50% là hộ phụ. Áp lực của các hộ dân sống trong KV1DTKT Huế là giới hạn tầm nhìn và làm giảm vẻ mỹ quan của di tích, ảnh hưởng đến diện mạo và sự bền vững của công trình kiến trúc, đặc biệt là làm môi trường bị ô nhiễm nặng. Trong khu vực Kinh thành có hơn 40 hồ nay đã bị lấp mất gần 1/5, số còn lại đang bị lấn chiếm, hoặc trở thành nơi xả rác, chất thải. Các loại động thực vật thủy sinh đặc trưng cho hệ thống ao hồ gần như không còn hoặc còn rất ít, diện tích mặt nước hoang phế, cỏ dại, rong bèo mọc tràn lan.
Bà Lê Thị Duyệt 52 năm “sống treo” trong khu vực di tích.
Xây dựng cơ chế đặc thù cho cuộc di dời “lịch sử”
Kinh thành Huế xây dựng dưới thời vua Gia Long và vua Minh Mạng (1805-1833). Đây là quần thể DT có giá trị lịch sử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại, là một trong những kinh đô phong kiến phương Đông còn lưu giữ được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, cần được bảo tồn, tôn tạo phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ di sản, văn hóa. Nhằm bảo tồn giá trị Di sản thế giới đã được UNESCO công nhận, mới đây, UBND tỉnh TT-Huế lập đề án di dời khoảng hơn 4.200 hộ dân thuộc KV1DTKT Huế đến nơi ở mới. Đây được xem là đợt di dời dân cư lịch sử, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại cố đô Huế và được thực hiện trong giai đoạn 2019-2021.
Tại buổi khảo sát thực địa trong khu vực giải tỏa KV1DTKT Huế của TTBTDT cố đô Huế vào ngày 20-10, cho thấy, hầu hết các khu vực bảo vệ DT thuộc Kinh thành Huế đều bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở, trồng hoa màu. Tình trạng này khiến các DT xuống cấp nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Nhiều điểm DT trở thành nơi tập trung của các tệ nạn xã hội. Cuộc sống người dân sống tại các DT Kinh thành Huế khổ sở vì nhà cửa xuống cấp, dột nát. Theo UBND tỉnh TT-Huế, kinh phí di dời, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho đợt di dời dân cư lịch sử này dự kiến khoảng 2.800 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên tập trung di dời phạm vi DT thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ; tiếp đến là tại các DT còn lại gồm: Hồ Tĩnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám và Xiển Võ Từ, Lục Bộ, Trấn Bình Đài… Ngoài ra, dự án còn cần khoảng 1.362 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu dân cư mới với quy mô 73ha tại P. Hương Sơ, TP Huế phục vụ tái định cư. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí khá lớn cũng phải được huy động cho việc cải tạo mặt bằng nguyên trạng di tích sau khi di dời dân cư và thực hiện trùng tu, tôn tạo, bảo tồn...
Ông Hoàng Ngọc Khanh-Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, việc di dời dân cư ra khỏi KV1DTKT Huế là kế hoạch lớn mà tỉnh mong muốn thực hiện từ lâu nhưng do nguồn lực có hạn nên không thể làm nhanh. Tỉnh đã từng đề xuất xây dựng cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân tại khu vực này và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. “Thực tế là khu vực này có rất nhiều hộ dân nghèo, nhà cửa tạm tạm bợ. Nếu căn cứ theo Luật Đất đai thì nhiều hộ dân sẽ không được hỗ trợ di dời, tái định cư như quy định. Tuy nhiên, trước thực trạng đời sống hiện tại của họ, đề án của tỉnh có xây dựng thêm khung chính sách đặc biệt để hỗ trợ những gia đình nằm trong diện này”- ông Khanh thông tin. Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ trong chuyến khảo sát, kiểm tra thực tế tại các khu dân cư mới đây, cho biết: “Tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ để sớm đưa các hộ dân đến cư ngụ ở khu vực mới, có điều kiện cuộc sống tốt hơn. Trong đó, di dời dân cư, giải phóng mặt bằng KV1DTKT Huế là một đề án lớn, không chỉ nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử và bảo tồn các giá trị văn hóa do tiền nhân để lại, chỉnh trang cảnh quan đô thị và phát huy giá trị DT phục vụ cho phát triển du lịch, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh, mà còn ổn định và nâng cao đời sống người dân sinh sống trong các khu vực DT”.
H.Lan (CADN)
Theo cafeland.vn