Hàng loạt sai phạm nhà đất công ở TP.HCM
Trong khi nguồn lực đầu tư hạ tầng, trường học, bệnh viện thiếu hụt trầm trọng..., thì hàng loạt nhà đất công ở TP.HCM lại để trống gây lãng phí hoặc có dấu hiệu trục lợi.
Nhà hàng cà phê trong công viên Bình Phú, Q.6. Ảnh: Khả Hòa
Xem thường quy định pháp luật
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, UBND Q.8 và Công ty dịch vụ công ích Q.8 là nơi có nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng nhà đất công sản được giao. Qua khảo sát hiện trạng 14 cơ sở nhà đất công được giao, có đến 7 cơ sở với tổng diện tích hơn 11.800 m2 để trống gây lãng phí, gồm: một phần thửa đất số 33, tờ bản đồ số 30 Nguyễn Thị Tần, P.2; số 1094 Tạ Quang Bửu, P.6; số 7 Bến Phú Định, P.16; số 1F/1 Bến Bình Đông, P.14; 120A Mễ Cốc, P.15; số 41/2 Bến Phú Định, P.16... Điều đáng nói, không những lãng phí vì để nhà đất công bỏ trống, việc buông lỏng quản lý còn khiến một số hộ dân lấn chiếm, tự ý xây dựng nhà ở.
Ngoài ra, hàng loạt cơ sở nhà đất khác do UBND Q.8 và Công ty dịch vụ công ích Q.8 có trách nhiệm quản lý, cũng để xảy ra nhiều sai phạm trong việc cho tư nhân thuê. Điển hình là cơ sở nhà đất số 1 Bến Bình Đông, P.11 rộng hơn 1.000 m2. Mặc dù UBND TP.HCM có chỉ đạo thu hồi, nhưng UBND Q.8 không chấp hành, lại chỉ đạo cho Công ty TNHH xây dựng - sản xuất - thương mại dịch vụ Bình Đông thuê “lụi” (không ký hợp đồng - PV) để làm nhà xưởng; để 2 hộ dân tự ý xây cơi nới thêm tầng và sử dụng làm nơi kinh doanh. Có những nhà đất tùy tiện cho tư nhân thuê, sau đó tư nhân cho thuê lại như nhà đất số 338 Tạ Quang Bửu, P.2; số 503 Bến Bình Đông, P.13.
Cuối năm 2017, sau quá trình thanh tra, Thanh tra TP.HCM khẳng định việc cho thuê nhà đất công bát nháo như trên “thể hiện việc xem thường, không tuân thủ quy định của nhà nước, chỉ đạo của UBND TP.HCM theo phân cấp, tùy tiện trong thực hiện quản lý”.
Thanh tra TP cũng khẳng định trách nhiệm gây ra những sai phạm đó thuộc về Chủ tịch UBND Q.8, Đội trưởng Thanh tra địa bàn Q.8, tập thể HĐTV, Giám đốc và Trưởng phòng Quản lý nhà Công ty dịch vụ công ích Q.8 thời kỳ liên quan. Tuy nhiên, hơn 5 tháng qua, việc xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức gây ra sai phạm nói trên vẫn còn bỏ ngỏ.
Nguồn: Thanh tra TP.HCM (niên độ thanh tra, kiểm tra 2016 - 2017). Đồ Họa: Du Sơn
“Xẻ thịt” đất công viên
Công viên Phú Lâm có tổng diện tích hơn 61.000 m2, giáp mặt tiền ba tuyến đường: Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Lê Tuấn Mậu, là điểm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân ở Q.6. Tuy nhiên, nhiều năm qua, khuôn viên của công viên Phú Lâm hiện diện nhà hàng tiệc cưới Sun Palace với quy mô rất hoành tráng, cùng lúc có khả năng phục vụ cả ngàn khách.
Theo tìm hiểu của PV, năm 1999, UBND TP.HCM có quyết định sáp nhập Trung tâm văn hóa (TTVH) Q.6 và công viên Phú Lâm lấy tên là TTVH Q.6, trực thuộc UBND Q.6. Năm 2007, Công ty TNHH đầu tư dịch vụ văn hóa Việt Ý đề xuất đầu tư, cải tạo hội trường cũ tại công viên thành cụm văn hóa đa năng với các loại hình ca múa nhạc, tổ chức sự kiện, hội nghị, mở các lớp năng khiếu văn hóa, nghệ thuật...
Từ đề xuất này, TTVH Q.6 đã trình và được UBND Q.6 đồng ý, cấp phép xây dựng trung tâm hội nghị bao gồm nhà hàng Sun Palace. Vị trí nhà hàng Sun Palace hiện nay trước đây vốn là hội trường cũ thuộc TTVH Q.6. Điều đáng nói là với tổng diện tích khoảng 1.900 m2 nằm ở vị trí mặt tiền tuyệt đẹp của đường Kinh Dương Vương nhưng số tiền thuê quá “bèo”, chỉ 20 triệu đồng/tháng (?).
Tương tự công viên Phú Lâm, công viên Bình Phú ở đường số 10 (Q.6) cũng là nơi vui chơi, giải trí của người dân địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm nay công viên này cho một số doanh nghiệp thuê đất kinh doanh, trong đó nổi bật nhất là nhà hàng, cà phê có tên gọi 7 Kỳ Quan ở số 12, đường 26 được giới thiệu có tổng diện tích xây dựng tới 4.000 m2 và tổng sức chứa lên tới 1.200 khách. Ghi nhận của PV, khuôn viên của nhà hàng chạy sâu vào phía bên trong công viên Bình Phú.
Qua thanh tra, Thanh tra TP.HCM phát hiện quá trình cho thuê đất công viên ở Q.6 cũng có nhiều sai phạm, để tư nhân trục lợi đất công. Điển hình nhất là ở 2 công viên Phú Lâm và Bình Phú có 2 công trình tư nhân xây dựng không phép, 8 công trình xây dựng không đúng quy hoạch, lấn chiếm sử dụng chung để kinh doanh nhưng vẫn không được xử lý.
Đáng nói hơn, tháng 12.2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải di dời toàn bộ các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... tồn tại trên đất công viên trên địa bàn TP, trong đó có các công viên ở Q.6 để trả lại mặt bằng công viên cho người dân theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến nay chỉ đạo của người đứng đầu TP.HCM về mặt chính quyền vẫn bị phớt lờ.
2 năm, 10 kết luận, 103 địa chỉ sai phạm Niên độ thanh tra, kiểm tra một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong 2 năm 2016 - 2017, Thanh tra TP.HCM có 10 kết luận, phát hiện đến 103 cơ sở nhà đất công sản có sai phạm. Cụ thể, về chủ thể quản lý là UBND quận, đơn vị hành chính có 5 mặt bằng; Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM: 65 mặt bằng (trong đó Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn: 32 mặt bằng, Tổng công ty văn hóa Sài Gòn: 19 mặt bằng, Tổng công ty du lịch Sài Gòn: 14 mặt bằng); Công ty 100% vốn nhà nước: 25 mặt bằng (trong đó Công ty dịch vụ công ích Q.8: 14 mặt bằng, Công ty dịch vụ công ích Q.6: 2 mặt bằng, Công ty Sakyno: 2 mặt bằng, Lực lượng TNXP: 7 mặt bằng); Công ty CP: Công ty Bình Phú: 1 mặt bằng, Công ty CP văn hóa Phương Nam: 7 mặt bằng. Về nội dung sai phạm cụ thể, có 17 mặt bằng sử dụng không đúng mục đích, sai quy định; 32 mặt bằng cho thuê trái phép; 26 mặt bằng không quản lý, bỏ trống gây lãng phí; 3 mặt bằng để xảy ra lấn chiếm; 1 mặt bằng vừa cho thuê trái phép vừa bỏ trống... |
Trung Hiếu - Đình Phú (Thanh niên)
Theo cafeland.vn