Hai nhà máy thép “gây ô nhiễm”: Đã đến lúc đóng cửa
Ông Nguyễn An, Phó tổng giám đốc nhà máy thép Dana-Úc,cho biết hiện tại thì mọi sự đã rõ, hai nhà máy thép “gây ô nhiễm” đã đến lúc phải đóng cửa vì không thể chịu nổi thêm các mức lỗ, sau khi bị bắt buộc dừng hoạt động gần 10 tháng qua.
“Năm thu hút đầu tư 2018, với chúng tôi là một năm buồn. Chúng tôi cũng xác định sẽ rất khó để nghĩ đến chuyện làm ăn tiếp”. Ông An than như vậy.
Đình đốn do ô nhiễm?
Ông An chia sẻ, hai tháng gần đây, áp lực nợ nần càng nặng nề với hoạt động của nhà máy Dana-Úc, sau khi doanh nghiệp nhận quyết định dừng hoạt động thêm 6 tháng do các lỗi ô nhiễm môi trường. Như thế, liên tiếp trong một năm, nhà máy đã phải nhận quyết định dừng làm ăn hai lần, mỗi lần sáu tháng và cách nhau chỉ mấy tháng ngắn ngủi.
Điều này làm doanh nghiệp điêu đứng, không thể xoay xở đủ tài chính cho lương công nhân cũng như các khoản chi phí phát sinh khác. Trong khi đó, các món nợ tiếp tục đè nặng lên hoạt động doanh nghiệp. Bình quân mỗi tháng, nhà máy phải lo trả 200 triệu đồng tiền lãi vay.
“Cứ đà này, đến Tết thì chúng tôi kiệt quệ. Hiện nay chúng tôi đang không có cách nào tính ra tiền lương Tết cho cán bộ công nhân theo quy định. Dù người lao động bỏ việc nhiều, nhưng nhà máy vẫn còn lượng lớn các công nhân không có điều kiện thay đổi công việc, và Tết này chúng tôi cần lo cho cuộc sống của họ”. Ông An nhấn mạnh như vậy.
Điều ông An không hài lòng là vấn đề ô nhiễm tại hai nhà máy Dana-Úc và Dana-Ý không hề mới mẻ hay chưa được kiểm soát. Trước khi bị yêu cầu dừng hoạt động, nhà máy đã có kịch bản về lộ trình hạn chế ô nhiễm từ công nghệ sản xuất cũ, cải thiện dần môi trường và tiến đến chấm dứt hoạt động trong tương lai gần. Nếu tuân thủ kịch bản ấy, chắc chắn đáo hạn sau 2020, nhà máy của ông cũng như Dana-Ý rất thuận tiện dừng lại.
Tuy nhiên, việc chính quyền Đà Nẵng chuyển yêu cầu triển khai tiếp lộ trình đã tính toán sang đình chỉ hoạt động đã khiến các bước tiếp theo bị vô hiệu hóa. Chưa hết, kể cả khi có giám định môi trường độc lập theo đề nghị của chính quyền, kết quả đến nay vẫn chưa được công khai minh bạch, là hai nhà máy có tiếp tục gây ô nhiễm không. Cho nên, chỉ đạo dừng tiếp hai nhà máy trong 6 tháng, theo doanh nghiệp, “là ấm ức”.
Đúng kịch bản đất?
Bên lề câu chuyện hai nhà máy thép Đà Nẵng bị đóng cửa, dư luận trong giới kinh doanh bất động sản Đà Nẵng đánh giá có thể xuất hiện phương án “hoán cải cụm công nghiệp Thanh Vinh thành khu đô thị Thanh Vinh”. Ý tưởng này xét thực tế hiện tại là rất hợp lý, bởi mấy năm nay, tốc độ hình thành các khu nhà ở dân cư bao quanh hai nhà máy thép và các cơ sở cán kéo thép khác tại địa phương, phải nói là rất nhanh. Cho nên, môi trường sản xuất của các doanh nghiệp đã bị bó hẹp lại và họ sẽ buộc phải đình đốn hoạt động do ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.
Sự thật theo các doanh nghiệp, họ đã trình bày nhiều lần, rằng việc dời cơ sở sản xuất của họ vào vị trí hiện nay là do hướng dẫn của địa phương từ trước. Lúc đó, các nhà máy đều nằm giữa bãi trống. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, các cụm dân cư mọc lên và bao quanh hai nhà máy, đẩy họ vào thế “nằm giữa khu dân cư”, gây ô nhiễm, buộc phải di dời.
Ông Nguyễn An nhìn nhận: “Để xóa bỏ nhà máy, chúng tôi cần thu hồi vốn và cách tốt nhất chỉ có thể là thành phố cho chúng tôi được chuyển đổi đất sử dụng, để khai thác chính quỹ đất sản xuất ở nhà máy thành đất ở đô thị, tạo nên một khu dân cư mới. Có vậy, chúng tôi mới có tiền trả nợ”.
“Nếu hai nhà máy tiến hành chuyển đổi đất để chia lô phân nền, thì kịch bản đất ở khu vực này đang diễn biến đúng yêu cầu. Hoạt động sản xuất sẽ mau chóng bị loại bỏ đi và các khu dân cư, đô thị mới sẽ mọc lên tại đây”. Một chuyên viên tư vấn bất động sản đánh giá như vậy.
Theo đó, hai nhà máy thép gây ô nhiễm sẽ chỉ là nguyên cớ để một bài toán được đặt ra, hướng vào việc đầu tư cụm công nghiệp Thanh Vinh trước đây thành khu đô thị mới ở tương lai.
Một phân tích từ giới kinh doanh cho thấy, nếu “xóa sổ” cụm công nghiệp Thanh Vinh, cho phép các doanh nghiệp tự khai thác quỹ đất hay đền bù dời đi, chi phí tiêu tốn khoảng 4.000 tỉ đồng. Sau đó, đầu tư và khai thác khu đô thị mới tại khu vực này sẽ thu lại khoảng 8.000 tỉ đồng. Bởi thế, Đà Nẵng sẽ chọn hướng “dẹp bỏ nhà máy thép” để làm khu đô thị. Phải chăng đây là lý do để hai nhà máy “gây ô nhiễm” bị buộc phải đóng cửa?
Nhạc Duy Hạ
Theo cafeland.vn