Hà Nội: Quản lý, sử dụng chung cư còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dân
- Sáng nay 6/7, kỳ họp thứ 6, HĐND TP. Hà Nội khóa XV đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Một trong 2 nhóm vấn đề được đề xuất chất vấn tại kỳ họp là việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư thời gian qua.
Giải thích lý do lựa chọn nhóm chủ đề này để trả lời chất vấn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP cho biết, HĐND TP đã tổ chức giám sát việc quản lý và sử dụng chung cư nhà thương mại, chung cư tái định cư toàn TP, tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về vấn đề này. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề tổ chức tháng 6/2018, đã có 29 cử tri tham gia trực tiếp và 30 ý kiến gửi bằng văn bản.
Qua giám sát, bà Ngọc cho rằng vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc cho nhân dân như: Tranh chấp diện tích sử dụng chung, không bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước trong quản lý và vận hành nhà chung cư... “Những bất cập đó rất cần chất vấn để làm rõ trách nhiệm và biện pháp để giải quyết”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, vấn đề quản lý sử dụng nhà chung cư vẫn còn nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Ảnh: Internet.
Theo đó, thông qua quá trình giám sát của Ban Đô thị, Đại biểu Đoàn Việt Cường đề nghị Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong quản lý khi để xảy ra nhiều vấn đề bất cập, gây nhiều bức xúc cho nhân dân liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Đối với chung cư tái định cư, Đại biểu Nguyễn Trung Thành đề nghị cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn khi phí bảo trì của những tòa nhà này không có hoặc đã hết. Đại biểu này cũng nêu vấn đề xử lý thu tiền thuê nhà đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đang sử dụng nhà chung cư để tạo bổ sung kinh phí bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị cho nhà chung cư tái định cư?
Trong khi đó, Đại biểu Trần Việt Anh chất vấn về việc mức thu phí vận hành khác nhau giữa các tòa nhà chung cư. “Có nơi thu từ 2.300 - 4.500 đồng/m2; có nơi chỉ thu 30.000 đồng/nhà/tháng. Tại sao có mức thu khác nhau này? Giải pháp cho vấn đề này thế nào?”.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn đề nghị Sở Xây dựng làm rõ nguyên nhân tại sao việc đấu giá quyền thuê diện tích tầng 1 tại các tòa nhà chung cư còn chưa hiệu quả, đồng thời kiến nghị giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương Thành phố.
Ở một khía cạnh khác liên quan đến lĩnh vực đất đai, vị đại biểu này cho rằng, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, đề nghị lãnh đạo Thành phố có biện pháp để giải quyết.
Tại phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân nêu ra một vấn đề được cho là một trong những “ngòi nổ” của các vụ tranh chấp chung cư giữa chủ đầu tư và người dân thời gian qua: “Toàn Thành phố hiện có 137 toà chung cư xây dựng trước năm 2005, nhiều tòa không có quỹ bảo trì, gây khó khăn cho công tác duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, nhiều tòa chung cư thương mại xây dựng sau năm 2005 hiện đã thành lập Ban Quản trị nhưng chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì theo quy định của pháp luật. Thực tế này dẫn đến tình trạng cư dân bức xúc kéo dài, tập trung đông người phản đối chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Sở Xây dựng cũng đã tham mưu cho UBND TP thực hiện cưỡng chế chủ đầu tư để bàn giao Quỹ bảo trì cho Ban quản trị các nhà chung cư nhưng việc này chưa được thực hiện hiệu quả”.
Từ đó, đại biểu này đề nghị Sở Xây dựng làm rõ trách nhiệm của mình trong các vấn đề này và cho biết giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Internet.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng, đối với nhà ở thương mại chưa thành lập được Ban quản trị là do các chủ đầu tư còn chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư hoặc do số cư dân vào ở còn chưa đủ dẫn tới việc không thể tổ chức hội nghị nhà chung cư. Theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ Xây dựng thì việc này thuộc về trách nhiệm của UBND quận, huyện.
Về câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Đoàn, Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận công tác tổ chức đấu giá tầng 1 bị chậm, còn 36/186 điểm chưa tổ chức đấu giờ, đồng thời cho biết đây là trách nhiệm của Sở Xây dựng và các đơn vị vận hành, chưa giải quyết được những tồn tại. Sở Xây dựng sẽ tổ chức đấu giá trong tháng 8, tháng 9, trong đó, thuê đơn vị thẩm giá, trình UBND TP điều chỉnh một số điều khoản trong quyết định 33.
Về mức thu phí vận hành khác nhau, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Dục cho biết, hiện 2 công ty vận hành thu có 30 nghìn đồng trong suốt 20 năm nay. Vì thế, chi phí sẽ không đảm bảo nên phải dùng kinh phí khác. Sở xin tiếp thu và sửa đổi cho phù hợp. Đồng thời, tiếp tục công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân...
Đối với những toà nhà không có quỹ bảo trì, không có diện tích kinh doanh chung, theo Giám đốc Sở Xây dựng người dân phải đóng góp để có kinh phí duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng, không có giải pháp nào khác.
Trả lời thêm về vấn đề thu phí vận hành nhà chung cư, Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải cho biết, căn cứ quy định Luật Nhà ở, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung giá dịch vụ chung cư trình UBND TP công bố giá dịch vụ nhà chung cư.
Công tác quản lý vận hành nhà chung cư đang tồn tại nhiều vấn đề. Ảnh: Internet.
“Tuy nhiên, thực tế mỗi nơi một khác nên đây được xem là căn cứ để Ban Quản trị báo cáo Hội nghị nhà chung cư nhằm quyết định mức giá cụ thể”, ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho biết, hiện vẫn có tồn tại bất cập trong việc thu phí vận hành nhà tái định cư, mức thu chưa phù hợp, không đảm bảo chi phí vận hành.
Với những trường hợp này, hiện các Ban Quản lý đang sử dụng một phần tiền thu được từ cho thuê tầng 1 để bù vào chi phí vận hành.
Liên quan đến vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chung cư, Lãnh đạo UBND quận Hà Đông cho biết vẫn thường xuyên chỉ đạo các phòng ban kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư. Hiện trên địa bàn Hà Đông còn 10 toà chưa nghiệm thu hệ thống PCCC và quận đã yêu cầu dừng hoạt động các hầm, toà nhà, sàn giao dịch nếu không đảm bảo công tác PCCC.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn TP có 270/688 tòa nhà chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, đã lấp đầy dân cư chưa thành lập Ban quản trị. Việc lập, bàn giao hồ sơ, bàn giao kinh phí bảo trì 2% nhà chung cư cho Ban quản trị thực hiện chậm, đến nay còn 235 chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị; còn 131 nhà chưa bàn giao hồ sơ cho Ban quản trị. |
Tâm An
Theo cafeland.vn