Hà Nội: Lạc quan thị trường văn phòng, khách sạn
- Đó là nhận định của CBRE Việt Nam tại buổi họp báo tổng quan thị trường bất động sản 2018 và dự đoán thị trường 2019 diễn ra mới đây.
Văn phòng hạng A lập kỷ lục mới
Năm 2018 được đánh giá là một năm thuận lợi đối với thị trường văn phòng Hà Nội. Theo thống kê của CBRE Việt Nam, trong năm 2018 chỉ có hai dự án mới hoàn thiện, dẫn đến tổng nguồn cung tăng 3% theo năm. Mức độ tăng trưởng này thấp hơn so với tỷ lệ 5% của năm trước. Cả hai dự án mới đều ở phân hạng B và thuộc khu vực văn phòng phía tây.
Điếm nhấn của năm 2018 là tỷ lệ hấp thụ đạt 100.000 m2, mức cao nhất trong vòng 3 năm gần đây. Tỷ lệ cam kết cho thuê trước khi mở cửa diễn biến khả quan. Do vậy, tỷ lệ trống của cả hạng A và B đều giảm lần lượt 4,6 điểm phần trăm và 5,2 điểm phần trăm xuống còn 4,3% và 12,2%. Đối với hạng A đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua.
Giá thuê tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2018. Cả hai hạng tăng khoảng 2% theo năm. Kết thúc năm 2018, giá thuê hạng A đạt 25,4 USD (khoảng 600.000 đồng)/m2/tháng, trong khi hạng B đạt 13,9 USD (khoảng 300.000 đồng)/m2/tháng (chưa bao gồm VAT và phí dịch vụ).
Về nguồn cầu, không gian làm việc chung đã nổi lên như một nguồn cầu chính. Các khách thuê này chiếm đến 31% các giao dịch cho thuê trên 1.000 m2..
Ngoài không gian làm việc chung, tài chính/ngân hàng/bảo hiểm và các công ty công nghệ tiếp tục là các khách thuê tích cực nhất trong việc tìm diện tích thuê văn phòng mới.
Trong 2019, giá thuê được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng ở cả hạng A và B, đặc biệt là hạng A với việc phân khúc này có nguồn cung hoàn thiện tại khu vực trung tâm. Đây sẽ là nguồn cung mới nhất của hạng A sau 3 năm không dự án cung mới.
Năm 2019, giá thuê văn phòng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng ở cả hạng A và B. Ảnh: Tâm An
Về nguồn cầu, ngoài các ngành truyền thống như ngân hàng/bảo hiểm, sản xuất và công nghệ thông tin, các không gian làm việc chung dự kiến tiếp tục trở thành nguồn cầu chính.
Giá phòng khách sạn thuộc top cao nhất Đông Nam Á
Sau khi khách sạn 5-sao mới – InterContinental Landmark72 đi vào hoạt động năm 2017, thị trường khách sạn Hà Nội không đón nhận thêm nguồn cung mới nào năm 2018. Tổng số phòng khách sạn 4-5 sao duy trì ở mức 7.770 phòng. Trong đó, phân khúc 5 sao tiếp tục chiếm lĩnh thị phần với 2/3 số phòng 4-5 sao thuộc phân khúc này.
Theo vị trí, hầu hết khách sạn 4-5 sao tập trung ở khu vực trung tâm (quanh hồ Hoàn Kiếm) và khu vực Ba Đình, chiếm gần 50% tổng số nguồn cung toàn Hà Nội. Quận Nam Từ Liêm với ba khách sạn 5-sao có quy mô đã dần trở thành một khu vực tập trung mới của khách sạn 4-5 sao với tổng số 1.202 phòng, tương đương 15,5% tổng nguồn cung.
Lãnh đạo CBRE cho rằng, sự phân bổ của nguồn cung sẽ có xu hướng dịch chuyển hơn nữa khi một số dự án mới tại khu vực quận Đống Đa và Tây Hồ sẽ đi vào hoạt động trong ba năm tới. Trong năm 2019 sẽ có hai khách sạn được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động, cung cấp thêm 457 phòng cho thị trường.
Trong năm 2018, Hà Nội đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 19% so với năm 2017. Tình hình hoạt động của phân khúc 4-5 sao rất tốt trong năm 2018 do nguồn cung mới hạn chế trong khi nguồn cầu vẫn tăng trưởng mạnh.
So với một số thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á (không bao gồm Singapore), Hà Nội là một trong những thành phố có mức giá phòng cao nhất, sau TP.HCM. Tính đến cuối năm 2018, giá phòng trung bình phân khúc này đạt 112,6 USD (gần 2,5 triệu đồng), tăng 1,8% theo năm, thấp hơn mức 114 USD (khoảng 2,5 triệu đồng) ở TP.HCM. Công suất trung bình tại Hà Nội đạt 78,4% cao hơn mức trung bình ở TP.HCM (73,3%).
Trong những năm gần đây, mô hình chia sẻ “economy-sharing” như AirBnB đã trở thành một xu hướng trên thị trường. Tính đến cuối năm 2018, tổng số nguồn cung của AirBnB đạt hơn 24.000 căn ở cả Hà Nội và TP.HCM so với 17.500 phòng khách sạn 4-5 sao ở cả hai thành phố này.
“Mặc dù tốc độ tăng trưởng nhanh, mô hình này vẫn chưa cho thấy ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động của phân khúc 4-5 sao”, đơn vị này nhận định.
Tâm An
Theo cafeland.vn