Hà Nội huỷ dự án không triển khai trên “đất vàng”: Làm thật hay chỉ “hô khẩu hiệu”?
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các quận/huyện kiểm tra, rà soát lại và có thể hủy các dự án đã quá 3 năm chưa thực hiện. Tuy nhiên, nếu Hà Nội thực hiện việc này, chỉ cần bước ra khỏi cổng UBND TP.Hà Nội vài trăm mét đã có địa chỉ.
Bên trong khu “đất vàng” dự án D’. San Raffles là bãi trông giữ xe, cỏ mọc um tùm. Ảnh: T.C
Khu đất hơn 4.000m2 tại địa chỉ 22-24 Hàng Bài (chủ đầu tư Tân Hoàng Minh) bị bỏ hoang nhiều năm, cỏ mọc um tùm nhưng đến nay vẫn không thu hồi nổi.
“Đất vàng” thu hồi để làm... bãi xe chui
Tháng 11.2004, UBND TP. Hà Nội đã quyết định thu hồi 4.072,9m2 đất tại số 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng để xây dựng khu trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tái định cư. Trong diện tích trên, có hơn 3.600m2 của Xí nghiệp nhựa Hà Nội đã được di dời và hơn 300m2 đất ở liên quan tới 17 hộ dân.
Tới năm 2011, chỉ còn 5 hộ dân chưa chịu chấp nhận mức giá đền bù. Ngày 12.7.2011, cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm bắt đầu cưỡng chế giải tỏa 5 hộ dân còn sót lại tại khu đất vàng 22-24 Hàng Bài. Khi đó, UBND quận Hoàn Kiếm quyết thu hồi đất cho 51m2 đất sử dụng riêng và 20m2 nhà đất sử dụng chung còn lại tại khu đất này.
Trong đó, gần 38 tỉ đồng là tiền bồi thường, hỗ trợ và tiền chủ đầu tư mua lại suất tái định cư tại chỗ của 5 hộ dân. Đây được xem là mức bồi thường, hỗ trợ kỷ lục của TP.Hà Nội.
Việc thu hồi đất của 17 hộ dân kéo dài tới 7 năm, qua rất nhiều lần họp, đối thoại và gây chấn động dư luận trong nhiều tháng, tuy nhiên, tới khi có quyết định cưỡng chế di dời, các hộ dân vẫn cho rằng, giá đền bù không hợp lý.
Tuy kéo dài nhiều năm để giải phóng mặt bằng như vậy, nhưng điều ngạc nhiên ở chỗ, từ khi có “đất sạch” đến nay thì dự án vẫn nằm im 1 chỗ. Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động vào sáng 27.2, tại địa chỉ 22-24 Hàng Bài, nhìn từ bên ngoài vẫn quây tôn dài, trên những tấm tôn dán các pano quảng bá về các dự án bất động sản của chủ đầu tư Tân Hoàng Minh. Còn bên trong dự án là bãi trông xe tạm, xung quanh cỏ dại mọc đầy. Đây là bãi xe tự phát khi không có quyết định của Sở GTVT, hay quận Hoàn Kiếm cho phép được trông giữ xe.
Khi tìm hỏi về dự án, các hộ dân trên phố Hàng Bài, Hai Bà Trưng đều thắc mắc về dự án thu hồi đất cả gần chục năm nhưng chẳng thấy động tĩnh gì. “Khi thành phố thu hồi thì quyết liệt lắm. Tổ dân phố họp liên tục, hầu như tháng nào cũng họp, cũng có thông báo, rồi quận Hoàn Kiếm còn xuống tận các nhà dân trong diện thu hồi để vận động. Tưởng thu hồi gay gắt vậy thì phải triển khai nhanh nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu” - anh Thành, 1 hộ kinh doanh trên phố Hàng Bài- nói.
Thu hồi được không?
Khu đất vàng 22-24 Hàng Bài ở vị trí có 2 mặt tiền đường Hàng Bài và Hai Bà Trưng, nằm ngay ngã tư đường. Với vị trí này, ở khu vực Hồ Gươm chỉ có Tràng Tiền Plaza là đối trọng. Theo giới thiệu từ chủ đầu tư Tân Hoàng Minh, khu đất này được làm trung tâm thương mại, căn hộ hạng sang với tên thương mại là D’.San Raffles.
Khu đất dự kiến xây dựng với diện tích xây 2.900m2, cao 9 tầng và có tới 5 tầng hầm. Tuy nhiên, 1 nhân viên bán hàng của chủ đầu tư Tân Hoàng Minh cho hay: “Hiện nay, bên Tân Hoàng Minh đang triển khai hàng loạt dự án, nhưng với dự án 22-24 Hàng Bài thì chưa có thời gian cụ thể”.
Tuy bị bỏ hoang nhiều năm nhưng khu đất 22-24 Hàng Bài đến nay vẫn chưa bị thu hồi. Liên tục trong nhiều năm, từ năm 2010 đến nay, hầu như năm nào UBND TP.Hà Nội cũng ra các văn bản rà soát, thu hồi các dự án bỏ hoang nhiều năm.
Tuy nhiên, hiệu quả triển khai các văn bản này rất chậm, không có nhiều biến chuyển. Cụ thể, trong 2 năm 2012 và 2013, UBND TP.Hà Nội cũng đã có kế hoạch kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm tiến độ.
Tới năm 2014, UBNDTP cũng có văn bản tương tự. Và mới đây nhất, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký, ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3.1.2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.
Theo đó, ông Chung yêu cầu Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các sở, quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố và các quận, huyện, thị xã; bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và khả thi. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND TP. Hà Nội trước ngày 30.4.2018.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho biết, theo văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đang giao phòng TNMT rà soát các dự án trên địa bàn. Khi được hỏi dự án 22-24 Hàng Bài có nằm trong danh sách rà soát và nằm trong diện đề xuất huỷ dự án trong đợt này, ông Long cho biết, quận vẫn đang rà soát, khi nào có kết quả sẽ thông tin lại.
Dự án chậm triển khai sau 24 tháng sẽ thu hồi Căn cứ điểm i, Khoản 1, Điều 64, Luật Đất đai số 45/2013/QH13 quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”. |
Thông Chí (Lao Động)
Theo cafeland.vn