Hà Đông 1 thập kỷ lên đời: Những biểu tượng ê chề, tai tiếng
Tháp Thiên niên kỷ, tháp doanh nhân hay toà tháp cao thứ ba Hà Nội,... từng là những biểu tượng một thời của Hà Đông trước khi sáp nhập về Hà Nội. Tuy nhiên, một thập kỷ trôi qua, những công trình này vẫn còn đang lận đận với bao nỗi ê chề cho người mua, ngân hàng cho vay và tai tiếng với chủ đầu tư.
Toà tháp Thiên niên kỷ: Thập kỷ chưa thành hình
Sau một thời gian để hoang, công trường của toà tháp Thiên niên kỷ đang nhộn nhịp trở lại. Chủ đầu tư TSQ Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 4/3/2008. Đến tháng 7/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định số 2328/QĐ-UBND thu hồi 5.996,65 m2, chuyển mục đích và giao 5.607m2 cho Công ty thực hiện Dự án Khu tòa tháp thiên nhiên kỷ Hà Tây. Tiến độ thực hiện dự án từ quý 1/2008 đến quý 4/2011.
Theo quy hoạch chi tiết được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt, dự án Tòa tháp thiên nhiên kỷ Hà Tây có quy mô 29 tầng với tổng vốn đầu tư 29,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô dự án với hai tòa tháp cao 45 tầng và 3 tầng hầm, nâng vốn đầu tư lên 50 triệu USD.
Dự án triển khai trở lại sau thời gian dài bỏ hoang. (Ảnh:D.Anh)
Tháng 8/2011, Dự án được UBND thành phố Hà Nội xếp vào danh mục các công trình cấp bách của thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2020.
Tuy nhiên, đây là một trong 21 dự án thuộc danh sách bị giám sát về tình hình sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai mà HĐND TP Hà Nội vừa đề nghị UBND TP kiểm tra, thanh tra, xử lý theo quy định.
Theo TSQ, do nhiều lý do khách quan nên dự án triển khai chậm, trong đó phải kể đến thời điểm giao thời giữa việc sát nhập tỉnh Hà Tây về TP. Hà Nội, các dự án trên địa bàn phải chờ rà soát của Thủ tướng Chính phủ, tiếp đến là công trình nằm trên vành đai sông Nhuệ phải chờ ý kiến của các cơ quan chức năng.
Căn hộ đang bán rầm rộ trên thị trường. (Ảnh:D.Anh)
TSQ Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh tầng cao của công trình từ 29 tầng lên 44 tầng nổi và 03 tầng hầm như hiện nay. Chủ đầu tư đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính từ thời Hà Tây và sau này có bổ sung nghĩa vụ tài chính khi sáp nhập về Hà Nội...
Đến tháng 3/2017, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương điều chỉnh dự án. Dự án được triển khai vào tháng 11/2017 và dự kiến công trình sẽ được bàn giao vào Quý IV năm 2020. Như vậy, đã gần 1 thập kỷ trôi qua, dự án biểu tượng vẫn chưa thành hình.
Chậm tiến độ, bị siết nợ
Cũng từng hoành tráng một thời, toà tháp Doanh nhân lại lỡ hẹn ngày bàn giao. Hỗn hợp Tháp Doanh nhân toạ lạc tại số 1 phố Thanh Bình (phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư Xuất Nhập khẩu Tây Đô làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 2010 và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2013. Vào thời điểm đó, Tháp Doanh nhân được kỳ vọng trở thành biểu tượng phát triển, hội tụ của giới doanh nhân Thủ đô.
Quy mô dự án có 45 tầng nổi, 2 tầng lửng, 5 tầng hầm. Dự án bắt đầu xây dựng từ năm 2010, còn thời điểm lập hồ sơ dự án từ năm 2008, tuy nhiên đến cuối năm 2014 mới khởi công lại.
Người mua bức xúc vì dự án chậm tiến độ. (Ảnh:D.Anh)
Cuối năm 2015, dự án được mở bán trở lại và cam kết bàn giao căn hộ cho khách hàng vào quý 4-2017 trong sự hoài nghi của nhiều khách hàng. Sau đó, chủ đầu tư hoãn thời hạn bàn giao đến tháng 6/2018.
Từ khi xây dựng, dự án cũng đã một số lần bị lập biên bản và xử lý vi phạm. Vào năm 2010, thanh tra xây dựng quận chưa hiểu rõ về dự án nằm trong khu vực quy hoạch tỷ lệ 1:500 nên quyết định đình chỉ thi công dự án vì cho rằng dự án xây dựng không giấy phép.
Đến năm 2016, dự án bị xử phạt do xây dựng công trình tạm phục vụ công trình chính không xin phép cơ quan quản lý địa phương, với mức phạt là 97 triệu đồng. Đến năm 2017, dự án bị lập thêm một biên bản nữa liên quan đến việc xây ngăn chia công năng không phù hợp với thiết kế cơ sở, bị xử phạt hơn 110 triệu đồng.
Một niềm tự hào khác của Hà Đông là toà tháp cao thứ 3 tại Hà Nội và lọt top 10 tòa nhà cao nhất Việt Nam, đồng thời là tòa nhà cao nhất tại quận Hà Đông đang gặp rắc rối bị siết nợ. Dự án Tokyo Tower trước đây có tên gọi là chung cư Vinafor hay Hanoi Landmark 51 Tower.
Dự án do liên danh Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 và Công ty cổ phần thương mại Hoàng Vương làm chủ đầu tư.
Toà nhà cao thứ ba Hà Nội bị siết nợ
Trong thông báo gửi tới các khách hàng mua nhà tại dự án Tokyo Tower mới đây, Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết đã thu giữ tài sản đảm bảo là dự án để xử lý nợ xấu.
Trước đó, tháng 12/2015, Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 và PVcomBank đã ký hợp đồng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này với giá trị bảo lãnh 1.000 tỉ đồng. Hội đồng quản trị Sông Đà 1.01 khi đó cho biết đã thế chấp toàn bộ dự án.
Chủ đầu tư cam kết đến quý 4-2017 sẽ bàn giao nhà cho dân về ở. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành và bàn giao cho khách hàng.
Với việc bị siết nợ như hiện nay, toà tháp cao thứ ba Hà Nội vẫn đang mịt mù ngày về. Theo bà Hồ Việt Hà, Phó giám đốc Khối quản lý và tái cấu trúc tài sản PVcomBank, chậm nhất ngày 30/6/2019, dự án sẽ hoàn thành và cư dân sẽ được nhận nhà. Như vậy, thời gian bàn giao nhà bị chậm so với cam kết trong hợp đồng mua bán đã ký với chủ đầu tư.
Duy Anh (Vietnamnet)
Theo cafeland.vn